Bài học đình Lương Xá: Đừng để văn hóa Hà Nội bị tổn thương

Tu bổ mà như… phá, di sản đang "kêu cứu"

ANTD.VN - Sau mỗi lần “tu bổ như phá” mà báo chí khui ra, “công thức” chung là dừng thi công, họp kiểm điểm sai phạm ầm ĩ, xong rồi lặng lẽ cho hoàn tất hồ sơ tu bổ và… khánh thành nhanh gọn. 

Đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - ngôi đình với kiến trúc gỗ truyền thống đã bị dỡ hoàn toàn, xây mới bằng bê tông

1. Ngày bé, tôi được bà ngoại bán khoán vào cửa Đức Chúa ông ở một ngôi chùa cổ. Xưa là chùa làng. Nay thành chùa ở phố. Cả tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh ngôi chùa. 

Và cho đến tận bây giờ, mấy chục năm qua đi, tôi vẫn nhớ như in cái bể nước bên hông nhà Tổ. Ở đó, lối ra bờ ao có gốc vối già, nhớ cả từng nếp gấp áo tượng gian Tam bảo… Lớn lên, những lần vào chùa cứ thưa dần.

Bẵng đi vài năm mới trở lại, ngôi chùa bỗng dưng đổi khác. To. Lòe loẹt. Xa lạ. Mỗi cánh cửa chùa khắc tên một gia đình cung tiến. Tôi đồ rằng chắc là cung tiến chính cánh cửa đó. Tượng hai ông Thiện - Ác cưỡi hổ to lớn và uy nghi với gam màu trầm của sơn ta nay thay bằng tà áo phấp phới đủ các màu xanh - đỏ - tím vàng, những giọt sơn công nghiệp mà người ta đem vào sơn lại còn vương trên bệ tượng…

Sư trụ trì vẫn hiền lành, thật thà, chẳng hề hay biết việc sơn lại tượng bằng sơn công nghiệp đã vô tình hủy hoại bức tượng. Thế rồi, những giọt sơn công nghiệp đó cứ lởn vởn ám ảnh tôi mãi không thôi. Đó không chỉ là câu chuyện của một ngôi chùa cụ thể, một ám ảnh của cá nhân tôi mà nhìn rộng hơn là “nỗi buồn” của cả một ngành bảo tồn di sản về cái gọi là phân cấp quản lý và xã hội hóa trong việc trùng tu di tích.

2. Hơn chục ngày trước, Hà Nội bàng hoàng khi đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa) - ngôi đình với kiến trúc gỗ truyền thống cùng nhiều mảng chạm độc đáo có một không hai đã bị dỡ đi hoàn toàn, thay vào đó là một ngôi chùa giả cổ với kiến trúc 100% bê tông. Để xây lại đình, người ta đã “xã hội hóa” bằng cách ra chỉ tiêu mỗi người dân trong xã công đức 800.000 đồng. Sự việc còn hơn cả đau xót giờ đang được chính quyền địa phương loay hoay tìm ra người có lỗi để… kiểm điểm. Người ta cũng đang cố tìm ra giải pháp để phục hồi nhưng ngay cả người lạc quan nhất cũng hiểu rằng, chẳng có cách gì cứu vãn được nữa.

Các mảng chạm ở bậu cửa sổ di tích đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bỗng dưng bị sơn đỏ chót

Chuyện đình Lương Xá là thế! Nhưng trước sự việc trên đã có cả trăm ví dụ buồn, như đình Ngu Nhuế (ở Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên) bị phá dỡ rồi di dời sang một vị trí khác mà chẳng cần xin phép bất cứ một cơ quan chức năng nào?! Đến khi xây dựng thì kỹ thuật thi công không đảm bảo, nhiều cấu kiện lắp dựng không đúng theo kiến trúc đình cũ. Những rồng những phượng cùng hoa văn mây mác đầu đao gác mái đều bị biến dạng. 

Rồi cả chuyện tự ý hạ giải ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ); chuyện xây cả một công trình khổng lồ Hương Nghiêm pháp đường ở ngay Thiên Trù, vùng bảo tồn cấp 1 của thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức); chùa Khúc Thủy (Thanh Oai) tự dưng mọc lên toàn công trình “khủng” - chính quyền địa phương không biết, Sở Văn hóa - Thể thao không nhận được thông tin gì, còn Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bàng hoàng khi biết sự thật. Nhưng tất cả đã muộn!

3. Sau mỗi lần “tu bổ như phá” mà báo chí khui ra, “công thức” chung là dừng thi công, họp kiểm điểm sai phạm ầm ĩ, xong rồi lặng lẽ cho hoàn tất hồ sơ tu bổ và… khánh thành nhanh gọn. Chẳng hạn, tháng 4-2017, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 1446/SVH&TT-QLDT gửi UBND huyện Gia Lâm yêu cầu dừng nội dung “Khánh thành dự án Tu bổ tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt Phù Đổng” tại buổi khai mạc Lễ hội Gióng 2017. Sở dĩ có sự việc bất đắc dĩ kể trên là do, trong quá trình tu bổ, các mảng chạm ở bậu cửa sổ di tích đền Phù Đổng (Gia Lâm) bỗng dưng bị sơn đỏ chót.

Đáng nói là việc làm này hoàn toàn tự phát và không có trong hạng mục tu bổ đã được các cấp thỏa thuận. Việc sơn thếp dày, mỏng, loang lổ đã làm hỏng toàn bộ các nét chạm của mảng chạm độc bản, rất quý có từ thế kỷ XVII. Những nét chạm nổi phượng, mây lửa bị “nhồi” đầy sơn công nghiệp, hoàn toàn không còn sắc nét cũng như mảng khối. Không chỉ có mảng chạm, tất cả vách, cửa, lan can của di tích cũng bị sơn nham nhở. Suốt cả dãy hành lang đều bị nhuộm đỏ sắc hồng. 

Có thể nói, có quá nhiều các di tích xuống cấp chờ được tu bổ, nhưng kinh phí của địa phương hạn hẹp, thủ tục để xin thỏa thuận trùng tu thì tương đối phức tạp. Trong tình cảnh đó, nhiều người rỉ tai nhau là hãy cứ tự tháo dỡ, khi mà “sự đã rồi” thì thủ tục khắc nhanh gọn. Báo chí có vào cuộc, rồi ầm ĩ lên thì cùng lắm chỉ bị… kiểm điểm. 

Cũng có thời gian, việc trùng tu sai, sửa chữa ẩu được đổ tại cho “xã hội hóa”. Không ai có thể phủ nhận những lợi ích tích cực của chủ trương xã hội hóa. Bằng chứng là nhiều di sản phi vật thể đã được cứu khi bấp bênh đứng bên bờ mai một. Nhiều di tích đã được phục hồi ngay trên nền xuống cấp, đổ nát và rêu phong…

Thế nhưng, văn hóa vốn là lĩnh vực nhiều nhạy cảm, di sản nghìn năm vốn mong manh, chỉ cần một sự thờ ơ, cái ngoảnh mặt của các cấp quản lý là ngay lập tức những giá trị nghìn đời lưu truyền bỗng bị biến dạng thành một thứ dị dạng lai tạp. 

Đã không ít lần, trong những hội nghị về quản lý di sản do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, nhiều đại biểu đã lên tiếng than phiền về mặt trái của xã hội hóa, một chủ trương được xem như tích cực thì giờ dần bộc lộ những điều cần phải quản lý, kiểm soát chặt.

Có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét lại tất cả những quy định về di tích, tìm ra giải pháp hợp lý để hạn chế những mặt chưa được của xã hội hóa, bên cạnh đó cũng cần có chế tài, phạt thật nặng những hành vi cố tình làm sai lệch di tích gốc, “xây mà như phá”, tu bổ, phục chế sai nguyên tắc. 

Cố tình xâm hại di tích

Tu bổ mà như… phá, di sản đang "kêu cứu" ảnh 3

“Thực tế, ở nhiều địa phương cán bộ có chuyên môn sâu về quản lý di sản khá hiếm. Để khắc phục, Cục Di sản cũng như Phòng Quản lý di sản ở các tỉnh, thành phố thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho cán bộ và người dân địa phương trực tiếp trông nom di tích. Nhưng đáng tiếc những vụ việc xâm hại di tích xảy ra gần đây không phải do năng lực cán bộ yếu mà do họ cố tình phớt lờ, không thực thi các văn bản pháp luật về quản lý di tích, di sản. Việc xây dựng công trình trên núi Cái Hạ (Tràng An, Ninh Bình); xây dựng tam quan chùa Bổ Đà (Bắc Ninh)… là những ví dụ cho việc hiểu, nắm rõ những quy định bảo vệ di sản nhưng không tuân thủ. Theo tôi, việc phân cấp quản lý di tích về địa phương là cần thiết. Vấn đề hiện nay cần giải quyết triệt để là phải nghiêm túc xem xét việc thực thi các văn bản pháp luật về quản lý di tích ở các địa phương”. 

Ông Trần Đình Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL)