Trưng bày hiện vật gốc văn hóa Óc Eo tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám

ANTD.VN -Người dân Thủ đô sẽ có cơ hội tìm hiểu, chiêm ngưỡng văn hóa Óc Eo, An Giang tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Với trên 100 hình ảnh và hơn 40 hiện vật gốc được trưng bày, triển lãm đã giới thiệu đến công chúng một nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ VII sau Công nguyên. 

Các hiện vật bao gồm đồ thờ cúng, sinh hoạt, sản xuất, trang sức, vật liệu kiến trúc, được khai quật và tìm thấy ở tỉnh An Giang trong các đợt khảo cổ từ năm 1994 đến những năm đầu thế kỷ 21, hiện được trưng bày tại Bảo tàng An Giang. Mặc dù được xuất hiện từ rất sớm nhưng nhiều hiện vật có tính thẩm mỹ cao như: Chuỗi hạt bằng đá tìm thấy năm 1983 với các họa tiết, màu sắc tinh tế. 

Không gian phân bố văn hóa Óc Eo ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ nhưng tập trung nhiều nhất là khu vực Óc Eo - Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Hiện vật văn hóa Óc Eo được tìm thấy rất phong phú, bao gồm nhiều chất liệu gốm, gỗ, đá, vàng, đồng, thiếc, thủy tinh.

Trong đó có di vật mang phong cách Bà la môn giáo, Phật giáo, có chữ viết, có tiền tệ, có một hệ thống sản xuất nhiều ngành nghề từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Văn hóa Óc Eo có quan hệ với các trung tâm chính trị, văn hóa đương thời và có một đời sống tinh thần phong phú, có sức lan tỏa rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á cổ đại. 

Văn hóa Óc Eo ở An Giang được nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret phát hiện và khai quật tại gò Óc Eo, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang vào năm 1944. Tiếp đó là hàng loạt các cuộc khai quật khảo cổ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, phát hiệu và sưu tập nhiều hiện vật quý tại hơn 20 di chỉ như: Óc Eo - Ba Thê, Đá Nổi, Định Mỹ, Tráp Đá, Lò Mo, Núi Sam và Tri Tôn… 

Triển lãm “Di sản văn hoá Óc Eo” sẽ kéo dài đến ngày 24-5.