Trao giải thưởng vì tình yêu Hà Nội

ANTD.VN -Sáng nay, 29-8, Lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao Văn hóa và Quỹ Bùi Xuân Phái đã được tổ chức ở Hà Nội.

Trên cơ sở lựa chọn các hoạt động “vì tình yêu Hà Nội trong suốt một năm qua, sau 2 vòng chấm, Hội đồng giám khảo đã quyết định trao Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội cho ông Nguyễn Bá Đạm với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội.

Hai giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Tập thơ “Ta còn em” của nhà thơ Phan Vũ và Phim Mon Hanoi (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier.

Nhà thơ Phan Vũ

Giải Ý tưởng được trao cho Đề xuất bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học .

Hai giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Việc xây dựng “phố bích họa” Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam - Hàn Quốc mang tên “Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn” ; Việc hiến tặng cho Hà Nội hai mỏ neo cổ nhiều giá trị của ông Quách Văn Địch.

Cụ Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922, là một nhà giáo cũng là một nhà sưu tầm cổ vật. Đó thực sự là một “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp và không kém phần tao nhã, thanh lịch trong đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du trọng thị với các danh sĩ Hà Nội cùng thời. Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ, uyên bác, mà sử dụng rất nhiều những ký ức, trải nghiệm của bản thân, để với thời gian, sẽ thành ký ức của cả cộng đồng. Đó là những cuốn như: “Thuở ấy Hà Nội”, “Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối TK19-20”. Dù năm nay đã 96 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Bá Đạm vẫn còn khá minh mẫn, vẫn viết báo, tạp chí mỹ thuật…

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN, ông Nguyễn Đức Lợi và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Ngô Văn Quý trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội tới cụ Nguyễn Bá Đạm. Ảnh: Hòa Nguyễn

Đó còn là câu chuyện của nhà thơ Phan Vũ, cũng đã ngoài 90 tuổi, hiện nhà thơ đang sống ở TP HCM, người đã viết nên trường ca “Hà Nội phố”. Dù sức khỏe của nhà thơ hiện tại không được tốt, nhưng trong năm vừa qua, ông đã xuất bản cuốn sách “Ta còn em”- (NXB Hội Nhà văn, 2018) và triển lãm tranh “Em ơi Hà Nội phố”.

Tập thơ “Ta còn em” mở đầu bằng trường ca “Em ơi Hà Nội phố” với trọn vẹn 443 câu thơ chia thành 24 khổ. Đây là bài thơ mà hầu  hết mọi người mới chỉ biết đến qua 21 câu thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc trong bài hát cùng tên. Thực tế, trường ca “Em ơi Hà Nội phố” được nhà thơ Phan Vũ viết năm 1972 tại căn gác nhỏ nhà ông trên phố Hàng Bún, trong những ngày mùa đông năm 1972 khi Đế quốc Mỹ đưa B52 đánh phá Hà Nội.

24 khổ thơ của “Em ơi Hà Nội phố” được ví như 24 bức họa về Hà Nội, vẽ từ chính kí ức và kỉ niệm của nhà thơ với thủ đô. Trong đau thương và khốc liệt, ông chắt lọc những gì đẹp nhất, yên bình, lãng mạn và thanh lịch nhất của Hà Nội để gửi gắm vào vần thơ. Và triển lãm tranh “Em ơi, Hà Nội phố” lại là một cuộc phái sinh những vần thơ thành hội họa.

Ông Ngô Văn Quý Phó Chủ tịch UBND Hà Nội trao giải thưởng Việc làm cho Việc xây dựng “phố bích họa” Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam - Hàn Quốc mang tên “Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn”

Ngoài ra, giải thưởng còn ghi nhận những tình yêu Hà Nội cũng người nước ngoài. Đó là bộ phim Mon Hanoi (Hà Nội của tôi) của ông Jean Noel Poirier, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam. Đó còn là câu chuyện về tình yêu Hà Nội của ông Quách Văn Địch, người hiến tặng 2 mỏ neo cổ cho Hà Nội để nhân dân có cơ hội thưởng lãm mặc dù để có được hiện vật đó, ông đã phải mua với giá 9 cây vàng…