Tranh trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được Sotheby’s chào bán "ngay trước mắt"

ANTD.VN - Trong khi bản gốc vẫn đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thì mới đây, nhà đấu giá danh tiếng quốc tế Sotheby’s (Hong Kong) đang chào bán tác phẩm "Bức thư" của Tô Ngọc Vân và "Hai cô gái trước bình phong" của Trần Văn Cẩn…

Hoàn cảnh mua 2 tác phẩm của Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân

Trong phiên đấu sắp diễn ra vào ngày 6-10-2019, tác phẩm “Bức thư” của Tô Ngọc Vân được Sotheby’s đưa ra giá khởi điểm từ  800.000 đến 1.500.000 HKD. Còn bức "Hai cô gái trước bình phong" có giá khởi điểm từ 60.000- 90.000 HKD.

Có điều lạ là, cả hai bức tranh này đều đang thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật xác nhận với báo giới rằng: “Chúng tôi chỉ có thể khẳng định tranh của chúng tôi là thật. Cũng có nhiều người từng liên lạc với chúng tôi để xác nhận thông tin về việc tranh này tranh kia thật giả ra sao, chúng tôi cũng trả lời trên cơ sở chỉ có thể khẳng định tác phẩm của mình là thật”.

Bức tranh "Hai cô gái trước bình phong" của Trần Văn Cẩn được Sotheby's chào bán 60.000- 90.000 HKD

Cùng với đó, bà Hoàng Anh, Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật cho biết thêm về hoàn cảnh bảo tàng mua 2 tác phẩm của Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân.  Trong đó, bức tranh "Hai cô gái trước bình phong" được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua năm 1965 từ một gia đình ở phố Bà Triệu, là một người họ hàng với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, một trong những cán bộ đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chính bà Hải Yến đã giới thiệu bức tranh này cho bảo tàng. Tranh được vẽ năm 1943. Kích thước 45x48 cm, được mua với giá 200đ.

Ảnh chụp tác phẩm "Hai cô gái trước bình phong" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Còn tác phẩm “Bức thư” của Tô Ngọc Vân, bà Hoàng Anh cho biết, theo lời kể của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, bức tranh được mua vào khoảng năm 1962 -1963 tại một gia đình ở Hà Nội cùng thời gian mua bức “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn. Và bức tranh được mua với giá tiền bao nhiêu, bà Hải Yến không nhớ chính xác.

Nhưng họa sỹ Tô Ngọc Thành, con trai họa sỹ Tô Ngọc Vân lại nhớ rất rõ, bức tranh được mua với giá 200đ. Thời điểm đó lương trung bình của một cán bộ bảo tàng là 64đ.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần lên tiếng?

Vậy 2 bức tranh được Sotheby’s chào bán là tranh giả hay tranh thật trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ 2 tác phẩm này? Bà Nguyệt Ánh, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định lại một lần nữa rằng, 2 tác phẩm đang lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là thật, không thể là tranh chép hay tranh giả được. Còn 2 bức đang được Sotheby’s chào bán thì bà Nguyệt Ánh cũng chỉ được nghe thông tin nên không dám nhận xét hay đưa ra đánh giá cụ thể.

"Bức thư" của Tô Ngọc Vân được Sotheby's chào bán với giá khởi điểm từ 800.000 đến 1.500.000 HKD

Bà Nguyệt Ánh kể thêm, khoảng những năm thập kỷ 70, 80, Bảo tàng có chủ trương cho phép chép lại một số tác phẩm thuộc bộ sưu tập của bảo tàng để bán (chủ yếu cho khách nước ngoài). Vì vậy, nhiều bản phiên tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ… đã được bán từ chính nơi chỉ dành cho việc lưu giữ các tác phẩm độc bản. So với bản gốc đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các phiên bản này có chất lượng kém hơn.

Trước vụ việc lùm xùm này, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận và đánh giá thật xác đáng. Để kiện được hãng đấu giá ở nước ngoài trước khi họ đưa lên tác phẩm lên sàn đấu giá quốc tế, bằng chứng phải đầy đủ có thể khẳng định bảo tàng của Việt Nam đang nắm giữ bản gốc, còn tác phẩm của họ là giả mạo. Nếu không, các vụ việc như thế này lại giống các vụ liên quan tới tác quyền trước đây, chả mấy chốc… chìm xuồng do không có đủ căn cứ.

“Hội Mỹ thuật Việt Nam có trách nhiệm lên tiếng bảo vệ quyền lợi của hội viên. Nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể lên tiếng và thể hiện quan điểm của mình. Còn việc xử lý vụ việc ra sao lại do các cơ quan quản lý nhà nước thực thi”, ông Lương Xuân Đoàn nói.

"Bức thư" hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Giới họa sỹ có phần sôi sục hơn với mong muốn làm rõ một phen thật giả trắng đen. Họa sỹ Hồ Trọng Minh nhấn mạnh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần lên tiếng về các tác phẩm thuộc sở hữu của mình. Điều đó chứng tỏ tính chính danh và bảo vệ giá trị chính đáng của 1 bảo tàng. Nếu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không lên tiếng, sau 10 năm nữa, các tác phẩm bản gốc đang lưu giữ sẽ bị hiểu sai đi là các bản copy từ các tác phẩm đã được bán ở các sàn đấu giá quốc tế.

Họa sỹ Phạm Hà Hải nêu ý kiến, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần phải hành động cụ thể và kịp thời. Không phải với tâm thế sửa lỗi của tiền nhân mà cần phải có tâm thế bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của mỹ thuật Việt Nam nói chung và tác giả nói riêng.