Thú vị ngắm tranh Hàng Trống bằng công nghệ "xử lý thời gian thực"

ANTD.VN - Ứng dụng công nghệ "xử lý thời gian thực" (AI deep learning), triển lãm "Nghệ thuật đa phương tiện tranh Hàng Trống” tại Bảo tàng Hà Nội đã mang lại cho người xem cảm giác thú vị khi được tương tác trực tiếp các bức tranh dân gian Hàng Trống. Theo đó, hình ảnh của mỗi du khách sẽ được công nghệ "AI deep learning" vẽ theo đường nét, phong cách của nghệ nhân. Vì vậy, người xem sẽ được trải nghiệm hình ảnh của chính mình trong một bức tranh dân gian Hàng Trống.

Triển lãm "Nghệ thuật đa phương tiện tranh Hàng Trống" nhằm tôn vinh giá trị di sản của tranh Hàng Trống nói riêng và các dòng tranh dân gian Việt Nam nói chung. Đặc biệt, khán giả đam mê công nghệ, sẽ được đắm mình trong không gian mảng màu hoặc trở thành nhân vật trong tranh qua công nghệ "AI deep learning".

50 bức tranh Hàng Trống được trưng bày lần này khác rất nhiều so với các triển lãm trước đó của dòng tranh này. Bởi đây là các tác phẩm của nghệ nhân Lê Đình Nghiên (người duy nhất nắm giữ bí quyết làm tranh Hàng Trống) xoay quanh chủ đề: Tranh thờ, tranh Tết, tranh thế sự… 

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam

Để làm nên các bức tranh này, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn áp dụng cách làm của cha ông để lại từ hàng trăm năm như in mộc bản, làm màu... để giữ gìn giá trị cốt lõi của dòng tranh với sự mộc mạc, đơn sơ. Nhưng cách bố cục và tạo hình lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của nghệ nhân. Chính vì thế, dù vẫn là tranh Hàng Trống nhưng người xem lại thấy cái mới, cái lạ ở triển lãm lần này. 

Đặc biệt, trong số đó có 2 bức tranh Hàng Trống được vẽ trên nền tôn mang chủ đề "Tứ phủ ông hoàng" và "Bà chúa thượng ngàn" được cha của nghệ nhân Lê Đình Nghiên thực hiện từ những năm 1942 - 1943. Hai bức tranh này có thời gian dài được lưu giữ tại chùa Kim Liên và được xem là độc đáo, bởi chỉ có những nghệ nhân điêu luyện trong nét vẽ mới có thể phục dựng và vẽ trên chất liệu mới. Còn phần lớn, các bức phóng tác của dòng tranh dân gian Hàng Trống hiện này chỉ có thể thực hiện trên chất liệu giấy.

Không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ ''AI deep learning'' trong triển lãm

Bên cạnh không gian trưng bày, triển lãm còn có không gian trải nghiệm công nghệ dành cho du khách bằng việc ứng dụng công nghệ "AI deep learning" trong nhận diện hình ảnh, giúp khách tham quan được tương tác với các tác phẩm, trở thành nhân vật trong các bức tranh dân gian Hàng Trống theo phong cách vẽ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Trên thực tế, công nghệ AI đã từng được Bảo tàng Hà Nội thực hiện tại triển lãm nghệ thuật đa phương tiện "Bùi Xuân Phái với Hà Nội" và nhận được sự phản hồi tích cực của công chúng. Đây cũng là một trong những xu hướng tổ chức trưng bày triển lãm, sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới tại Bảo tàng Hà Nội, thể hiện tinh thần sáng tạo ở mọi lĩnh vực của Hà Nội, đúng như danh hiệu "Thành phố sáng tạo" mà UNESCO mới trao tặng.

Triển lãm diễn ra đến hết tháng 12/2019.