Thay đổi số phận 2 bức tranh cổ động trên phố Bạch Mai

ANTD.VN - Do mở đường, 2 bức tranh cổ động hoành tráng đặt tại ngã tư Bạch Mai và Minh Khai do họa sĩ Trường Sinh thực hiện năm 1983 và 1984 dự tính sẽ bị phá bỏ. Trước nguy cơ này, nhiều người đã cảm thấy tiếc nuối và lên tiếng bảo vệ di sản. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ có như vậy…

Thay đổi số phận 2 bức tranh cổ động trên phố Bạch Mai ảnh 1Cận cảnh bức tranh khắc vữa của họa sĩ Trường Sinh 

Khẳng định giá trị của 2 bức tranh cổ động

2 bức tranh của họa sĩ Trường Sinh được đặt tại ngã tư Bạch Mai-Minh Khai. Sự hiện diện của bức tranh đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội trong suốt hơn 30 năm qua với ngôn ngữ cổ động đặc trưng cho một thời kỳ đất nước vừa giải phóng, tiến lên xây dựng CNXH. Hiện trạng của 2 bức tranh còn khá nguyên vẹn, dù bề mặt tường nhiều khu vực đã ố bẩn và phần viền tranh có đoạn vữa đã rơi ra. Hơn nữa, do bức tường đặt tranh cũng bong tróc nên về tổng thể chung, 2 bức tranh trông khá mờ nhạt và thiếu hấp dẫn. 

Dẫu vậy, 2 bức tranh cổ động hoành tráng này đã mang trong mình giá trị lịch sử và nghệ thuật của cả một thời kỳ. Vì thế, nó có thể coi như di sản của đô thị. Trong một khảo cứu cách đây hơn 10 năm về các công trình nghệ thuật công cộng tại Hà Nội, nhà báo Đào Mai Trang, tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ VH-TT&DL) đã được tiếp cận và tìm hiểu về 2 bức tranh. Theo đánh giá của nhà báo, bức khắc vữa (bức phù điêu) mang ngôn ngữ của cổ động tuyên truyền, tạo hình khỏe khoắn, trẻ trung…

Tác phẩm có chiều ngang khoảng 10m, chiều cao khoảng 3m, được làm theo hình một chiếc lá cờ đang sải rộng theo gió. Trên đó, hình ảnh lớn nhất là tạo hình một nhân vật nam công nhân, tay phải cầm cờ Đảng, tay trái giơ thẳng sang bên phải. Bên dưới cánh tay trông vững chãi, khỏe khắn đó là nhóm nhân vật khác, gợi hình dung là bác sĩ, chiến sĩ, nông dân, nữ công nhân.

Còn bức tranh ghép với chiều ngang khoảng 3,5m, chiều cao khoảng 2,5m, không hẳn là tuyên truyền, có tính trang trí cao hơn, đồng thời có những hàm nghĩa thông qua việc chọn tạo hình mô típ mây và tháp rùa có gắn cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp. Tiếc là theo thời gian, vị trí và không gian công cộng nơi đặt hai bức này dần bị chuyển đổi công năng sử dụng, khác xa với thời điểm chúng được đặt tại đó, đã làm giảm vẻ đẹp, giá trị và ý nghĩa của 2 tác phẩm. 

Cần thành lập hội đồng nghệ thuật để đánh giá

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đánh giá, 2 bức tranh có giá trị lịch sử, chuyển tải tinh thần của thời đại lịch sử, lưu lại một giai đoạn lịch sử khó khăn và lạc quan của người Việt. Xét ở góc độ nghệ thuật, 2 tác phẩm ở mức trung bình khá. 

“Do nhu cầu mở đường, chúng ta phải chấp nhận việc 2 bức tranh này bị dỡ bỏ. Nhưng dỡ bỏ không có nghĩa là phá hủy mà có thể chuyển sang một địa điểm mới như đặt trong khuôn viên của Bảo tàng Hà Nội, khu nhà Hà Nội cổ. Tất nhiên, việc làm này chỉ khả thi với bức ghép gốm, còn bức phù điêu thì gần như không thể vì khả năng bóc tách và chuyển đi nơi khác là quá khó khăn”, ông Vi Kiến Thành đưa ra ý kiến cá nhân. 

Còn họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại cho rằng, không phải các tượng đài, các công trình mỹ thuật có thời gian tồn tại lâu dài đều cần giữ lại do quá trình mở đường. Chúng ta cần có hội đồng đánh giá để thẩm định 2 bức tranh này có nên bảo tồn. Và bảo tồn thì có cần di dời đi nơi khác, hay vẫn ở con phố đó nhưng lùi vào trong cùng với quá trình mở rộng con phố. 

Ông Trần Khánh Chương lấy ví dụ, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), trong quá trình mở rộng và xây dựng thành phố đã bỏ đi 70% các tượng đài cũ, thay thế bằng các công trình mới hoành tráng hơn. Điều đó không đồng nghĩa, cứ tác phẩm nghệ thuật cũ là bỏ đi. Việc giữ lại hay phá bỏ phụ thuộc vào tính nghệ thuật độc đáo của các công trình ấy. 

Nhà báo Đào Mai Trang vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Chị cho rằng, 2 bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh đã hoàn thành “trách nhiệm xã hội” của chúng, nên đưa về một bảo tàng nào đó phù hợp để lưu giữ như những hiện vật minh chứng cho một giai đoạn xã hội đặc biệt của Việt Nam, giai đoạn sau năm 1975 và trước khi đổi mới.