Tân Nhàn biến hóa với "chèo – xẩm – hát văn – quan họ" trong liveshow đầu tư 5 tỷ đồng

ANTD.VN - 3 tuần sau khi tạm hoãn, liveshow riêng đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của Tân Nhàn đã diễn ra tại Hà Nội trong sự “mãn nhãn” và “mãn nhĩ” của khán giả.

Trước liveshow, Tân Nhàn không ngần ngại tiết lộ, số tiền mà cô đầu tư làm chương trình lên tới 4 tỷ đồng, chưa kể gần 1 tỷ đồng tốn kém từ việc đêm diễn buộc phải hoãn lại vào phút chót. Đúng như tên gọi “Trở về”, nữ ca sĩ gốc Hà Nam đã đưa khán giả trở lại trong không gian âm nhạc đậm chất truyền thống, gợi nhắc về sự hoài cổ những giá trị xưa cũ, có điều với giọng hát và phong cách biến hóa khiến khán giả chóng mặt, nhất là khi tương tác với cô không chỉ có ban nhạc, nhóm bè mà là cả dàn nhạc giao hưởng.

Riêng với Tân Nhàn, như cô giãi bày, đây còn là cuộc trở về với tuổi thơ – nơi ghi dấu những ngày tháng cô còn là một đứa bé lủi thủi một mình ở nhà chờ mẹ đi làm ca về muộn, để rồi mỗi khi trời mưa to gió lớn, sấm chớp đì đoàng, cô bé ấy vì sợ hãi nên  vùng dậy che tấm áo mưa chạy như bay đến nơi mẹ làm để ngồi đợi tiếp. Tuổi thơ với Tân Nhàn còn là những làn điệu âm nhạc cổ truyền dân tộc phát ra từ chiếc đài cát-sét cũ kỹ và thấm vào tâm hồn cô lúc nào không hay.

Tân Nhàn thăng hoa trong liveshow riêng đầu tiên của sự nghiệp ca hát

Vốn thuộc tuýp người kiệm lời, nên trong liveshow này, Tân Nhàn chủ yếu là hát, thay vì dừng lại để chia sẻ những câu chuyện hay giao lưu với mọi người. Cũng vì thế mà nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long trong vai trò MC, cũng giống như người giãi bày hộ những ý tưởng và cả tấm lòng của chủ nhân đêm diễn. Phía sau cánh gà, ca sĩ Tuấn Anh – ông xã của Tân Nhàn đứng theo dõi và chỉ đạo trong vai trò giám đốc sản xuất, còn cậu con trai đầu lòng của cả hai cũng lặng lẽ quan sát và động viên tinh thần cho mẹ.

Về phần mình, Tân Nhàn tự nhận, đây là một chuyến đi đặc biệt, gói lại những tâm huyết và cả đam mê cháy bỏng của cô với âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống dân tộc. Với suy nghĩ này, cô muốn chỉn chu không chỉ giọng hát hay tư duy âm nhạc mà là cả hình ảnh. Đó là lý do suốt nhiều tháng trước khi diễn ra liveshow, cô đã bàn bạc kỹ lưỡng với nhiều nhà thiết kế để cho ra đời hàng chục bộ trang phục diện trong đêm diễn quan trọng này. Tiêu chí mà cô hướng đến không chỉ đẹp mà phải ăn ý và góp phần chuyển tải được thông điệp trong từng bài hát.

Trong khán phòng không còn một chỗ trống, rất nhiều khán giả đã lặn lội từ tỉnh xa, thậm chí bay từ trong TP.HCM ra để đến với liveshow của Tân Nhàn. Điều này khiến một nghệ sĩ dày dạn bản lĩnh sân khấu như Tân Nhàn cũng không tránh khỏi những lúc rưng rưng xúc động. Nhưng vượt qua những khoảnh khắc cảm xúc nghẹn ngào, Tân Nhàn đã đáp lại tấm chân tình mà mọi người dành cho mình bằng âm nhạc.

Clip Tân Nhàn hát "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa"

Không quá khi nói rằng, nếu để hát trong một đêm liveshow bình thường, Tân Nhàn có thể độc diễn từ đầu đến cuối mà không hề suy giảm năng lượng. Nhưng “Trở về” lại là một liveshow “không bình thường” khi mang đậm dấu ấn âm nhạc dân tộc, lại ghi nhận sự giao thoa với âm nhạc đương đại – nên để làm được sự không bình thường ấy, Tân Nhàn có lẽ đã phải vận dụng nội công gấp đôi, thậm chí gấp ba. Và giọng ca sinh năm 1982 đã khéo léo sắp xếp các mảng màu âm nhạc từ quen thuộc đến mới lạ, từ dễ dến khó, đưa khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Cụ thể, ở phần đầu với chủ đề “Quê mẹ”, Tân Nhàn đưa người nghe trở lại với miền ký ức ngập tràn tình yêu quê hương – nơi cô đã có một tuổi thơ êm đềm có, mà dữ dội cũng có. Rồi bước sang phần 2 với chủ đề “Trăng khuyết”, cô làm sống lại những sáng tác đã gắn bó và làm nên tên tuổi của mình từ sau cuộc thi Sao Mai 2015. Nhưng đặc biệt gây ấn tượng hơn cả lại nằm ở phần 3, cũng là phần kết của đêm liveshow.

Tân Nhàn xuất hiện ấn tượng trong tiết mục "Cô đôi Thượng ngàn" 

Tại đây, Tân Nhàn đã mạnh dạn khoác áo mới cho âm nhạc dân tộc, từ chèo, xẩm, quan họ đến chầu văn khi kết hợp táo bạo với dàn nhạc giao hưởng, nâng các tác phẩm lên một tầm cao mới, mang đến một cách thưởng thức rất mới cho khán giả. Vì lẽ đó mới có một “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” hòa quyện với âm hưởng của dàn dây, có “Mục hạ vô nhân”, “Cô đôi Thượng ngàn” pha trộn với nhịp điệu và màu sắc âm nhạc phương Tây.

Trong đó, khi trình diễn bài xẩm “Mục hạ vô nhân” cùng NSƯT Văn Ty, Tân Nhàn không chỉ phối hợp ăn ý trong cách hát với ông mà còn khiến khán giả ngạc nhiên khi cô hóa thân vào vai một cô vợ hay dỗi hờn và diễn xuất như một diễn viên thực thụ. Sự “phiêu” hết mình của Tân Nhàn đã không chỉ giúp cô mà cả khán giả như được thăng hoa trong âm nhạc.

Clip Tân Nhàn hát "Cô đôi Thượng ngàn"

Không khó nhận ra, tư duy âm nhạc mới là điều mà Tân Nhàn muốn gửi gắm trong liveshow lần này. Theo đó, tổng hoà của chương trình chính là một liveshow âm nhạc đương đại, đương đại ở đây là ở khía cạnh thuật ngữ của một dòng nhạc, bao hàm đầy đủ các yếu tố giá trị nghệ thuật, sự kết hợp Đông – Tây, Á - Âu một cách nhuần nhuyễn đúng theo xu hướng phát triển âm nhạc của thế giới hiện nay. Đó là lý do, cứ ngỡ rằng âm nhạc truyền thống là thứ gì đó xa xôi với chính Tân Nhàn, nhưng hóa ra xem cô hát nhạc truyền thống lại thấy rất gần với hơi thở đương đại. Thậm chí, nhiều đoạn, người ta còn muốn nhấp nhổm đứng dậy nhảy như khán giả một đêm nhạc Rock hay Disco.

Đêm nhạc khép lại, Tân Nhàn như vỡ òa trong cảm xúc. Cô ùa chạy từ trên sân khấu xuống dưới hàng ghế khán giả, ôm chầm lấy người thầy của mình – NSND Trung Kiên. Ở tuổi 83, sức khoẻ của NSND Trung Kiên không được như xưa, ông rất khó khăn để di chuyển, nhưng đã không ngại đội mưa gió đến xem đêm nhạc của cô học trò “cưng”, để rồi người nghệ sĩ gạo cội nghẹn ngào chúc mừng Tân Nhàn rằng: “Thầy đã khóc khi nghe con hát”. Với Tân Nhàn, đó là niềm hạnh phúc không gì đo đếm được khi cô đã có cuộc trở về với bản ngã của chính mình, trở về với cội nguồn âm nhạc dân tộc.