Tác phẩm "Mục đồng chăn trâu thổi sáo" trở về quê hương sau thời gian chu du ở xứ người

ANTD.VN - Bức tranh mang đậm tâm hồn Việt "Mục đồng chăn trâu thổi sáo" của cố họa sĩ Phạm Hậu, một trong những có công đặt nền móng và xây nên những “tòa tháp” đầu tiên của nghệ thuật sơn mài Việt đã cán mốc 3.725.000 HKD (khoảng 11 tỷ đồng) tại phiên đấu giá Christie's Hongkong mang tên "Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại". Điều đặc biệt hơn, sau nhiều năm chu du xứ người, bức tranh tuyệt đẹp của họa sĩ Phạm Hậu sẽ trở về quê hương. 

Phiên đấu giá vừa diễn ra ngày 25-5-2019 tại Hong Kong (Trung Quốc). Danh tính của nhà sưu tầm người Việt đã bỏ tiền tỷ ra mua bức tranh "Mục đồng chăn trâu thổi sáo" đến nay vẫn nằm trong vòng bí mật. Tuy nhiên, sự trở về của tác phẩm điển hình cho tinh thần hội họa trong sơn mài Việt vẫn làm nức lòng người hâm mộ.

Bức tranh miêu tả phong cảnh và cuộc sống người dân miền Bắc với những hình ảnh đặc trưng. Nhưng điểm khác biệt ở bức tranh này so với các tác phẩm hội họa có cùng chủ đề, là chất vàng son lộng lẫy sâu thẳm của sơn mài cùng những nét bút tinh tế ở từng chi tiết, khiến cho bức tranh trở nên hoàn hảo. Qua bao nhiêu năm tháng, màu thời gian đã phủ lên tranh sức quyến rũ đặc trưng khó cưỡng, khiến cho bức tranh càng trở lên thu hút.

Họa sĩ Phạm Hậu (1903 – 1994) là một trong những người có công đặt  nền móng và xây nên những “tòa tháp” đầu tiên của nghệ thuật sơn mài Việt. Ông học khóa V (1929 – 1934) của trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với các bạn đồng môn: Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quyền, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Văn Thuần. Khi môn chuyên nghệ Sơn ta được các giáo sư nghệ thuật Pháp đưa vào chương trình học năm 1932, ông cùng các họa sĩ đồng thời ở các khóa sau như Lê Phổ, Trần Quang Trân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn… tiếp nhận và phát triển nó như một chất liệu nguồn gốc từ văn hóa dân tộc, nhưng sẽ đem lại tương lai đặc sắc cho hội họa Việt Nam.

Bức tranh sơn mài "Mục đồng chăn trâu thổi sáo" của cố họa sỹ Phạm Hậu sẽ trở về quê hương sau thời gian chu du ở xứ người

Sau đó, ông rất sớm nổi danh giữa thập kỷ 30 với xưởng tranh sơn mài đầu tiên chuyên vẽ tranh bình phong và các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ thượng hạng ở quê hương Đông Ngạc. Năm 1935, loạt tác phẩm của ông được trao Huy chương Vàng Salon 1935 trong triển lãm lần đầu tiên của Hội Khuyến khích phát triển Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI).

Năm 1944, ông triển lãm chung cùng Nguyễn Gia Trí tại Tràng Tiền. Năm 1949, ông cùng họa sĩ Trần Văn Du, Trần Quang Trân thành lập trường Quốc gia Mỹ nghệ (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp). Ông soạn thảo văn bản giáo khoa đặt nền móng lý thuyết cho việc dạy học về nghệ thuật sơn mài và trực tiếp giảng dạy. Sau 1954, ông vẫn tham gia giảng dạy sơn mài cho đến tận khi về hưu (1965).

Suốt 30 năm sung sức thực hành sáng tác và giảng dạy về nghệ thuật sơn mài, công lao của họa sĩ Phạm Hậu để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam chủ yếu ở hai mảng là các tác phẩm bình phong sơn mài lớn và sự nghiệp truyền nghề cho các họa sĩ sơn mài thế hệ sau. Hiện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ còn lưu giữ được hai tác phẩm của ông là “Gió mùa hạ” và “Cơn giông”.