Sách "Ký ức người lính" góp phần tôn vinh những chiến công oanh liệt của quân và dân ta

ANTD.VN - Chiều 29-5, tại trụ sở Chính phủ, gặp mặt Ban Chỉ đạo (BCĐ) công trình sách “Ký ức người lính”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là việc làm có tính nhân văn và ý nghĩa chính trị, xã hội rộng lớn, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân và quân đội ta.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2012, công trình sách “Ký ức người lính” đã được các cơ quan, ban, ngành tổ chức thực hiện với nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như: Phát động phong trào viết và kể lại những chiến công, kỳ tích, kỷ niệm sâu sắc trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước; tập hợp, xuất bản sách “Ký ức người lính”, triển lãm, giao lưu truyền hình và hỗ trợ nhân đạo thông qua Quỹ nghĩa tình đồng đội. 

Đến năm 2017, BCĐ đã xuất bản được 5 tập “Ký ức người lính”, mỗi tập phát hành 2.000 cuốn trên phạm vi cả nước và sẽ xuất bản 2 tập tiếp theo trong năm 2018. Từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo, BCĐ phấn đấu mỗi năm xuất bản ít nhất 2 tập sách “Ký ức người lính”; triển khai phiên bản điện tử để bạn đọc trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong tiếp cận với tác phẩm. Cùng với đó là tiếp tục kêu gọi, tổ chức và thực hiện các hoạt động nhân đạo và tìm liệt sĩ trên phạm vi cả nước.

Bày tỏ vui mừng gặp gỡ những tướng lĩnh, cựu chiến binh, những anh hùng lực lượng vũ trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh BCĐ đã thực hiện thành công công trình sách “Ký ức người lính” với hệ thống tổ chức bài bản và bước đầu đã sưu tầm, xuất bản được những tác phẩm đáng quý, góp phần tôn vinh những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng cho rằng, hoạt động của BCĐ cũng là việc làm tốt, thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Với ý nghĩa to lớn đó, Thủ tướng đề nghị BCĐ cần tiếp tục triển khai sâu rộng hơn, đa dạng hơn hoạt động liên quan đến công trình; trong đó, chú ý thẩm định kỹ nội dung, đảm bảo tính trung thực, điển hình phục vụ mục đích giáo dục truyền thống.