"Sách cho trẻ tự kỷ"- cẩm nang chăm sóc những em bé "đặc biệt"

ANTD.VN - Cùng với các cộng sự, GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cho ra mắt bộ sách gồm 5 cuốn nhằm trang bị kiến thức cho các bậc phụ huynh, các cô giáo giúp trẻ tự kỷ sớm tiến bộ, hòa nhập cộng đồng. GS Nguyễn Thanh Liêm ước tính, Việt Nam hiện nay có khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi hội chứng tự kỷ trong đó có các em nhỏ, cha mẹ, ông bà và các anh chị em ruột…. tuy nhiên, sự quan tâm của cộng đồng lại chưa tương xứng.

Tại buổi giao lưu và ra mắt bộ sách diễn ra vào ngày 1-4, GS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, trẻ em chính là quà tặng của Thượng đế, hay như dân gian vẫn gọi “con cái là lộc trời cho”, là những mầm sống chứa đựng biết bao ước mơ và hy vọng của ba mẹ chúng. Chăm sóc những em bé bình thường vốn đã không đơn giản. Nuôi dưỡng những em bé đặc biệt có lẽ là một “sứ mệnh” mà khó có ngôn từ nào diễn tả được hết ý nghĩa thiêng liêng của nhiệm vụ ấy.

Trong đó, thái độ của bố mẹ các em sẽ quyết định tới sự tiến bộ của trẻ tự kỷ. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ sớm tiến bộ. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, những mặc cảm, sự sỹ diện với họ hàng, làng xóm đã khiến không ít các gia đình giấu diếm việc con em mắc hội chứng tự kỷ, vẫn cho các em đến trường học với các bạn bình thường mà không phải các trường chuyên biệt. Điều đó dẫn tới, các em không những không tiến bộ mà sẽ trở nên thụt lùi về các kỹ năng tương tác.

Cũng theo GS Liêm, việc dạy trẻ tự kỷ là công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Không ai khác, chính cha mẹ các em mới là người quyết định sự tiến bộ của con em mình. Những kỹ năng đơn giản như: dạy trẻ đánh răng, cầm đũa, tự vệ sinh cá nhân… với trẻ tự kỷ phải dạy nhiều lần, cần nhiều thời gian. Thời gian ở nhà mới thực sự quan trọng để cha mẹ gần gũi, hướng dẫn con. Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, việc các bậc phụ huynh mải miết với công việc đã khiến cho việc gần gũi và giáo dục trẻ tự kỷ càng trở nên khó khăn hơn.

Và để giúp các gia đình sớm nhận biết và có kiến thức, kỹ năng cơ bản nhằm hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại nhà, GS Liêm và các cộng sự gồm các chuyên gia, các huấn luyện viên có chứng chỉ về can thiệp trẻ tự kỷ đã cùng nhau làm nên bộ sách “Sách cho trẻ tự kỷ”. Được viết theo “lối cầm tay chỉ việc”, bất kỳ gia đình nào cũng có thể làm theo khi đọc bộ sách. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa với những gia đình không có điều kiện đưa các em đến với các trung tâm giáo dục chuyên biệt, với mức chi phí đắt đỏ và tốn nhiều công sức, vẫn có thể tự thực hành tại nhà. 

Trong hành trình gian nan đưa các em tự kỷ hòa nhập cuộc sống, khi đọc cuốn sách “Những đứa trẻ mộng mơ” nằm trong bộ sách, nhiều ông bố bà mẹ sẽ hiểu rằng, các em tự kỷ hoàn toàn có thể tiến bộ, trở nên nhanh nhẹn và có khả năng hòa nhập tốt với bạn bè, xã hội. Bởi vậy, các phụ huynh cần giữ vững niềm tin để đồng hành cùng các con trên con đường nhiều gian khó.

GS Nguyễn Thanh Liêm (bên trái)

Cũng trong buổi ra mắt và giao lưu cùng nhóm tác giả, những ý kiến chia sẻ của các bậc phụ huynh có con tự kỷ và các chuyên gia về giáo dục trẻ tự kỷ đều có mong muốn nhận được sự chia sẻ và thông cảm của mọi người, tránh thái độ kỳ thị và phân biệt với các em mắc hội chứng tự kỷ. Đó là liều thuốc tinh thần tiếp sức cho các bậc phụ huynh đồng hành cùng con trong chặng đường gian nan hòa nhập xã hội.

Series “Sách cho trẻ tự kỷ” do NXB Phụ nữ ấn hành gồm 5 cuốn, trong đó có 3 cuốn sách của các tác giả nước ngoài được dịch sang tiếng Việt (Thúc đẩy giao tiếp – 300 trò chơi và hoạt động cho trẻ tự kỷ; Can thiệp phổ tự kỷ hằng; Hướng dẫn cha mẹ thực hành kỹ năng trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỷ) và 2 cuốn sách viết bằng tiếng Việt (Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình; Những đứa trẻ mộng mơ) của các tác giả Việt.