Phim kinh dị "Bắc Kim Thang" được cấp phép ra rạp, yêu cầu dán nhãn C18

ANTD.VN - Bộ phim kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn vừa chính thức lọt qua vòng kiểm duyệt và được cấp phép phổ biến ngoài rạp chiếu với yêu cầu dán nhãn C18 (hạn chế người xem dưới 18 tuổi).

Trên Fanpage chính thức của “Bắc Kim Thang”, nhà sản xuất phim vừa vui mừng xác nhận, phim sẽ có mặt ngoài rạp từ ngày 25-10 tới và được dán nhãn C18. Cùng với đó, đại diện nhà sản xuất tiết lộ “phim có chất gây sợ liều cực mạnh” và “phim không sợ, không phải Bắc Kim Thang”. Như vậy, ngay sau khi vừa trở về từ LHP Busan 2019, trình chiếu ở hạng mục “A window on Asian cinema” (hạng mục “Cửa sổ châu Á” dành cho phim nổi bật của các đạo diễn trong khu vực), bộ phim của đạo diễn Trần Hữu Tấn đã có cơ hội đến với khán giả trong nước vào đúng dịp Halloween năm nay.

Đơn vị phát hành “Bắc Kim Thang” cho biết, phim đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua và được cơ quan quản lý điện ảnh cấp phép. Bộ phim này sẽ có suất chiếu đặc biệt vào tối ngày 24-10, sau đó chính thức phát hành trên toàn quốc từ ngày 25-10-2019, hạn chế người xem dưới 18 tuổi.

Cùng với tin vui được cấp phép, nhà sản xuất “Bắc Kim Thang” cho biết, tính tới thời điểm này, dù chưa mở suất chiếu đầu tiên song đã có gần 7.000 vé đặt xem các suất chiếu trong các ngày từ 25 đến 27-10-2019. Đây được xem là số lượng vé khả quan đối với các phim trong những ngày đầu ra rạp. Đặc biệt, chiếm phần lớn trong số các khán giả đặt vé xem phim sớm là khán giả trẻ. Điều này khiến nhà sản xuất phim tin rằng, giới trẻ vẫn rất quan tâm và đón nhận các dự án phim “made in Việt Nam” nói chung, trong đó có “Bắc Kim Thang”.

Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, phim thuộc thể loại tâm lý hồi hộp, xoay quanh câu chuyện phản ánh tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vốn từng hằn sâu trong tâm lý người Á đông và vẫn còn hiện hữu đâu đó tại nhiều miền quê ở Việt Nam bây giờ. Cũng bởi vậy, êkip sản xuất kỳ vọng sẽ mang đến cho người xem một tác phẩm tâm lý nhiều ám ảnh, nhiều tầng lớp ý nghĩa, từ đó góp phần làm thay đổi quan niệm lạc hậu này. Cũng theo đại diện nhà làm phim thì “Bắc Kim Thang” sử dụng một nhân vật mang tên “con bù nhìn” để có thể khai thác câu chuyện ở góc nhìn mới mẻ, khác biệt và táo bạo hơn. Trên thực tế, các phim thuộc thể loại kinh dị trên thế giới vẫn hay sử dụng những hình ảnh ẩn dụ quen thuộc như: búp bê Annabelle, chú hề ma quái, ma cà rồng, cương thi (xác chết biết đi)…Với “Bắc Kim Thang”, êkip sản xuất muốn xây dựng một hình tượng nhân vật khác đặc trưng cho phim kinh dị Việt Nam, cụ thể là nhân vật “con bù nhìn” mặc áo bà ba.

Tiết lộ thêm về “Bắc Kim Thang”, đại diện nhà làm phim khẳng định, đây thực ra không hẳn là một bộ phim kinh dị và cũng không có yếu tố ma, mà thực ra là một câu chuyện chứa đựng nhiều uẩn khúc được kể lại một cách hết sức bất ngờ và thú vị. Bài đồng dao “Bắc Kim Thang” được chọn là tên phim, cũng đồng thời là một phần của câu chuyện trong phim. Cụ thể, phim được xây dựng dựa trên cảm hứng từ bài đồng dao này với nội dung xuyên suốt là phản ánh quan niệm “trọng nam, khinh nữ” thông qua cuộc hành trình “truy tìm nạn nhân” trong một gia đình gồm 3 thế hệ tại Việt Nam.

Lấy bối cảnh miền Tây sông nước, phim kể về phim kể về Thiện Tâm - một thanh niên 20 tuổi trở về nhà sau 6 tháng hôn mê vì một tai nạn nghiêm trọng. Anh cảm thấy không thoải mái và kỳ lạ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Ông nội của Thiện Tâm bị đột quỵ ngay hôm anh gặp tai nạn, sau đó ông bị liệt nằm một chỗ và mất trí nhớ. Cô em họ 16 tuổi của Thiện Tâm - người cùng sống chung với anh từ nhỏ thì mất tích. Mọi người trong nhà nói với anh rằng cô bé bị đuổi đi vì chửa hoang và làm mất mặt gia đình. Thiện Tâm không tin điều đó và cố gắng kiếm tìm em mặc cho mọi người trong gia đình ra sức ngăn cản. Hình bóng cô bé thường xuất hiện mỗi đêm dần dần gợi mở cho Thiện Tâm những sự thật rùng rợn mà anh không thể ngờ tới. Lòng tham, sự đố kỵ và ghét bỏ khiến những con người cùng chung dòng máu quên mất tình thân.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ, phim ban đầu có tên gọi là “Cháu đích tôn” và ban đầu anh cùng êkip sản xuất chỉ mong muốn thực hiện tác phẩm này dưới dạng phim ngắn để gửi tham dự một số LHP quốc tế. Song sau khi tìm tòi và bắt tay vào thực hiện, nhất là khi tìm được bối cảnh ưng ý là một cù lao ở tỉnh Vĩnh Long, anh quyết định phát triển tác phẩm này thành phim chiếu rạp. Vị đạo diễn cho hay, từ lúc bắt tay vào xây dựng, qua rất nhiều lần chỉnh sửa với thời gian kéo dài tới 18 tháng, kịch bản điện ảnh cho phim mới hoàn thành, hoàn chỉnh hệ thống nhân vật, lời thoại, đường dây câu chuyện.

Với bộ phim điện ảnh đầu tay lần này, đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng được cho là khá dũng cảm khi không chọn các “ngôi sao” đảm đương các vai diễn quan trọng trong phim mà dành cơ hội đó cho những gương mặt mới như: Bích Hằng, Hữu Tiến, Minh Hy, Duy Phương…

Một thành viên trong đoàn làm phim hài hước kể, khi quay “Bắc Kim Thang”, ở một phân đoạn quay trên cánh đồng thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vào lúc 1h sáng. Khi thành viên trong tổ sản xuất vừa đem “con bù nhìn” ra dựng ở ngoài ruộng thì bỗng nhiên rùng mình vì một cơn gió lạnh thối qua khiến người này sợ quá phải nhờ một thành viên khác trong tổ thiết kế làm thay mình việc này vì “thấy con bù nhìn giống như đang sống và nhìn thẳng vào mặt anh”.