Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn:

Phần lớn nghệ sĩ sống dựa vào nhà sưu tầm nước ngoài

ANTD.VN - Dự án nghệ thuật làm đẹp cho đường hầm nhà Quốc hội đã được bình chọn là một trong các sự kiện mỹ thuật tiêu biểu của năm 2018. Tuy vậy, không phải ai cũng có điều kiện đặt chân tới nơi đây. Chính vì thế, vào những ngày đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi, nhóm các họa sĩ đã thực hiện triển lãm “Tranh tối tranh sáng” để thỏa lòng mong mỏi của những người yêu nghệ thuật. Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, thành viên của nhóm nghệ sỹ đương đại. 

Phần lớn nghệ sĩ sống dựa vào nhà sưu tầm nước ngoài ảnh 1 Một góc triển lãm

- PV: Triển lãm “Tranh tối tranh sáng” có thể được coi như một phiên bản thu nhỏ của dự án nghệ thuật làm đẹp cho đường hầm nhà Quốc hội không, thưa anh? 

- Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn: Với sự góp mặt của các nghệ sĩ đã thực hiện dự án làm đẹp cho đường hầm nhà Quốc hội như Trần Hậu Yên Thế, Trịnh Minh Tiến, Lê Đăng Ninh… triển lãm lần này được coi như dòng chảy nối tiếp của dự án kể trên. Dù không giống nhau hoàn toàn nhưng các tác phẩm mang phong cách, hơi hướng và quan niệm rất giống với các tác phẩm đã bày tại đường hầm nhà Quốc hội.

Vì không phải ai cũng có điều kiện để vào xem các tác phẩm nghệ thuật ở một tòa nhà đặc biệt như vậy. Do vậy, chúng tôi đã cùng nhau tạo nên triển lãm lần này với mong muốn, làm thỏa lòng những ai có nhu cầu được đặt chân tới đường hầm đẹp mắt ấy. Tuy nhiên, triển lãm lần này cũng xuất hiện các tác phẩm khác hẳn, không giống với những tác phẩm đã ra mắt tại nhà Quốc hội. 

- Ở dịp đầu năm mới, nhiều người thắc mắc, sao các nghệ sĩ  lại đặt tên triển lãm nghe khá bí hiểm?

- “Tranh tối tranh sáng” được đặt bởi chính cách chiếu sáng ở mỗi tác phẩm đã tạo nên hiệu ứng thị giác lúc tối lúc sáng. Có họa sĩ đã chọn cách chiếu từ trong ra ngoài nhưng có họa sĩ lại chọn cách chiếu sáng truyền thống là từ ngoài vào trong. Nhưng “Tranh tối tranh sáng” còn có nghĩa, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn ở trong bối cảnh thị trường nghệ thuật nước ta còn nghiệp dư nhưng đã xuất hiện các loại hình nghệ thuật mới. Và đương nhiên, sự đón nhận của công chúng còn chưa nồng nhiệt, dẫn tới đời sống của nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. 

- Là một nghệ sĩ thị giác nổi tiếng với các triển lãm đã ra mắt như: Nhà mặt phố, Nhà Tây biến hình, Từ phố Phái tới nhà mặt phố… Không lẽ, anh cũng nằm trong tình cảnh chung này? 

- Nhờ một vài triển lãm trong nước mà được nhiều người biết tới tôi. Tôi không gặp khó khăn nào về đầu ra cho tác phẩm. Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm của tôi được bán cho người nước ngoài. Các nhà sưu tầm Việt vẫn thích mua tranh mà không phải sưu tầm tác phẩm theo một quá trình hình thành nên một tên tuổi. Đúng hơn, họ vẫn thích hội họa giá vẽ thay vì những tác phẩm nghệ thuật thị giác mới mẻ. Điều đó đã đẩy các tác phẩm nghệ thuật đương đại có giá trị của Việt Nam vào tay các nhà sưu tầm nước ngoài. Và phần lớn các nghệ sỹ trong nhóm của tôi cũng đang sống dựa vào bảo tàng, các nhà sưu tầm ở “trời Tây”

Phần lớn nghệ sĩ sống dựa vào nhà sưu tầm nước ngoài ảnh 2

- Đây có phải là lý do, anh thường xuyên ra nước ngoài làm triển lãm?

- Nếu tôi không ra nước ngoài làm triển lãm một năm vài cuộc, liệu tôi có thể bán được tác phẩm của mình không? Đây là cách tôi quảng bá tên tuổi và khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền nghệ thuật đương đại thế giới. Và tôi luôn hy vọng, các nghệ sĩ thị giác sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn trong thị trường mỹ thuật Việt Nam. Cứ với đà này, các tác phẩm tốt nhất lại được công bố ở nước ngoài và có sự “chảy máu nghệ thuật” không hề nhẹ ngay ở thời điểm hiện tại. 

- Theo anh, để nghệ thuật đương đại Việt Nam ngưng “chảy máu”, điều nào cần thực hiện trước tiên?

- Một biện pháp muôn thuở cần đặt lên hàng đầu là giáo dục. Cứ thử nhìn vào mặt bằng chung về giáo dục nghệ thuật hiện nay có thể thấy, Việt Nam chưa coi trọng điều này. Khi người dân không được giáo dục về nghệ thuật đúng mức, họ sẽ có thái độ thờ ơ với các loại hình nghệ thuật mới ra đời hay các lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm như opera, ballet… Vì thế, tôi cho rằng, để “cầm máu” những tác phẩm đẹp chảy ra nước ngoài không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian và kéo dài từ thế hệ này tới thế hệ khác. 

- Trong khoảng thời gian dài chờ đợi người dân được nâng cao về thẩm mỹ, anh và các nghệ sĩ thị giác sẽ làm gì để sống với nghề một cách đàng hoàng? 

- Chúng tôi sẽ năng làm các triển lãm để quảng bá về nét đẹp của nghệ thuật đương đại Việt Nam hiện nay như “Tranh tối tranh sáng” chẳng hạn. Tôi tin, với triển lãm này và nếu ai được tận mắt xem các tác phẩm nghệ thuật tại đường hầm nhà Quốc hội đều hiểu rằng, nghệ thuật thị giác không cao siêu mà gần gũi, ai cũng có thể xem và thưởng lãm được. 

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!