Phá hỏng kiến trúc một ngôi đình hàng trăm năm tuổi: Sao chỉ khiển trách?

ANTD.VN - Tháng 8-2018, sự việc tu bổ ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trở thành đề tài “nóng” trong dư luận khi đình cổ bị dỡ sạch thay vào đó một công trình 100% bê tông cốt thép. 

Đình Lương Xá trong quá trình xây dựng

Khác với nhiều di tích bị tu bổ sai nguyên tắc thi thoảng vẫn xảy ra, tức là sai nhưng vẫn còn chỗ vịn vào mà sửa, hỏng thì vẫn còn hy vọng để cứu, còn với Lương Xá, hỏng là hỏng hẳn, không thể dùng bất cứ kiến thức gì về kiến trúc hay phục hồi mà cứu vãn được.  

Bàn cách cứu đình sau hành động phi bảo tồn

Ngay khi xảy ra sự việc, trong lúc “nước sôi lửa bỏng” thì những người trong cuộc mới chỉ bàn đến duy nhất một vấn đề: Lỡ rồi thì bây giờ phải làm thế nào? Các mảng chạm đẹp đẽ trên đầu đao gác mái bị dỡ xuống rồi vứt lăn lóc ngoài sân đình ấy thì tái sử dụng được nữa hay không, hay cho vào nhà lưu niệm hoặc xây xong đình bê tông thì mang mảng chạm ấy lên gắn keo vào…

Trong cuộc họp bàn cách cứu vãn tình thế do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức, có vài phương án được đưa ra, trong đó nếu thực hiện nghiêm Luật Di sản Văn hóa thì công trình sai phạm phải bị phá dỡ. Xây rồi phá, đúng là việc đau xót! Tiền là tiền công đức của dân, để xây dựng đình, mỗi người trong làng phải đóng góp số tiền là 800.000 đồng. Một con số không hề nhỏ ở địa phương này.

Ngày 16-8, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tham vấn các chuyên gia, cơ quan quản lý và lắng nghe đề xuất của chính quyền địa phương để đề ra biện pháp xử lý công trình vi phạm tại đình Lương Xá. Các chuyên gia đã bàn nhiều giải pháp, trong đó phương án nhận được đồng thuận cao nhất là việc giữ nguyên vật liệu bê tông của tòa đại bái. Hoàn thiện cấu trúc đình gần nhất có thể với không gian cấu trúc và tổng thể vốn có. Trên mái phục hồi toàn bộ phần trang trí, đặc biệt là phải lợp mái ngói. Phần hậu cung hoàn toàn làm cấu trúc bằng gỗ. Một số cấu kiện có giá trị phải niêm phong đưa về hậu cung.

Phương án “chữa cháy” tiếp theo được khá nhiều đồng thuận nhưng khiên cưỡng, đó là thôi đã lỡ rồi thì cứ hoàn thiện cho xong, nhưng cảnh quan bên ngoài buộc phải làm hài hòa với ngôi chùa kề bên cạnh cùng không gian hồ nước phía trước.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc sư chuyên ngành bảo tồn lo lắng, giải pháp nào cũng có cái hay cái dở, việc tìm giải pháp “chữa cháy” này không khéo sẽ trở thành tiền lệ, các địa phương đua nhau bê tông hóa di sản kiến trúc thì chỉ vài năm nữa thôi là sạch bách, không còn gì.

Người ngoài - tức là các nhà bảo tồn thì xót xa nhưng “người trong cuộc” thì có vẻ như vẫn chưa ý thức được việc “chuyển đổi” từ kiến trúc gỗ truyền thống sang bê tông hoành tráng… thì thiệt hại gì. Chính vì thế, họ đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho hành động rất phi bảo tồn này là: “Do đình xuống cấp quá!”.

Hay đến như ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Bạt cũng đưa ra lý do “đình xuống cấp quá”, rồi ông kể về lịch sử 4 lần trùng tu đã làm kiến trúc nguyên bản đình thay đổi ra làm sao. Và tất cả những chuyện cẩu thả nêu trên được tóm lại bằng kết luận của đại diện chính quyền xã “thiếu sót trong công tác vận hành”.

Chưa làm rõ người chịu trách nhiệm cao nhất

Ngay sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, UBND TP Hà Nội yêu cầu báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm, cá nhân tập thể vi phạm ở đình Lương Xá. Đến ngày 27-8, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành 3 Công văn về việc thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Văn Chính và cán bộ văn hóa xã Phạm Hồng Quân bằng hình thức khiển trách.

Đình Lương Xá khi chưa tu bổ thành đình bê tông như bây giờ

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, UBND huyện Ứng Hòa chỉ kỷ luật 3 cá nhân ở mức khiển trách còn chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm cụ thể. Trong khi đáng ra, chính quyền địa phương phải chỉ rõ ai là người quyết định trực tiếp cho phép người dân tháo dỡ, tự ý hạ giải và xây dựng đình Lương Xá. Không thể áp dụng hình thức kỷ luật giống nhau, phải có người chịu trách nhiệm cao nhất hoặc thấp nhất thì  mới đủ sức răn đe, để các sự việc tương tự không xảy ra nữa.

Chúng ta đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ di sản. Thế nhưng cho tới thời điểm này, sau rất nhiều sai phạm trong tu bổ, thậm chí là trầm trọng như trường hợp đình Lương Xá thì việc chịu trách nhiệm chính gần như không tìm thấy ai, toàn là lỗi tập thể. Và khi đã là lỗi tập thể thì nặng nhất cũng chỉ… khiển trách.

Cả một di tích mấy trăm năm tồn tại phút chốc trở về niên đại “sơ sinh” thì người ta vẫn chỉ tính chuyện trách nhiệm ở mức “giơ cao đánh khẽ”. Và sự thật là từ trước tới nay, chưa ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì làm sai lệnh di tích khi tu bổ tôn tạo di tích. Trong khi, xét về một góc độ nào đó thì tu bổ sai lệch không khác gì phá hoại. 

Có lẽ, đã đến lúc cần một quy định rõ trách nhiệm, để địa phương được phân cấp quản lý, cá nhân hay tập thể đều phải hết sức cẩn thận khi can thiệp vào di tích. Đã đến lúc chúng ta không thể mãi chạy theo “chữa cháy” mỗi khi có sai phạm và du di cho nhau với lý do “việc đã rồi”.