Ở nhà Hà Nội

ANTD.VN - Vâng, ở nhà hay nhà ở Hà Nội cũng gần tương tự nhau. Tôi muốn nói đến những căn nhà ở Hà Nội cho hơn 8 triệu dân trú ngụ. Trong số này tất nhiên tập trung vào nội đô. Nhà ở ngoại thành thuộc các vùng nông thôn số người ở ít hơn nhiều.

Trước khi bàn đến nhà ở dù rất không thích dẫn ra những con số nhưng bắt buộc tôi phải đề cập đến. Hiện, Hà Nội có mật độ dân số trung bình 2.398 người/ km2. Mật độ dân số này được phân bố không đều bởi theo điều tra dân số mới nhất thì những quận trọng điểm nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng có mật độ dân số cao nhất 30.500 người/km2. Một con số không tưởng cao hơn cả những con số tính toán dự báo cho nhiều năm sau. Dự báo này nằm ở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030. 

Thấy gì ở những con số ấy? Nghĩa là ngay từ bây giờ Hà Nội đã bị nhồi nhét cư dân vượt trước thời gian tận hơn chục năm. Tôi nhắm mắt tưởng tượng đến năm 2030 ấy mật độ dân cư sẽ là con số lớn đến nhường nào. Kinh khủng ở chỗ đất nội đô không thể đẻ ra thêm được một tấc. Bài toán tiếp tục theo hướng khai thác không gian. Vấn đề ở chỗ đó. Những tòa nhà chọc trời chen chúc nội đô tiếp tục được xây dựng. Một Hà Nội hình hộp với những tòa tháp vươn cao phá vỡ mọi thứ, cảnh quan, không gian, giao thông tắc nghẽn... Lạy giời thôi chả tính nữa!

Hà Nội tính từ năm 1954 hình thành những cụm nhà ở được phân thành mấy nhóm rất dễ nhận biết. Khu phố cũ, khu phố cổ, các làng cổ và khu phố mới. 

Khu phố cũ hay được gọi là khu phố Tây là những con phố được người Pháp xây dựng cho chính người Pháp và những công chức người Việt ở trước năm 1954. Đây là những con phố được thiết kế đẹp có nhiều biệt thự và hè phố rất rộng thoáng. Có thể kể những con phố cũ tiêu biểu như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng... Khi Hà Nội được giải phóng, nhà ở những con phố này được phân phối cho các cơ quan, đoàn thể làm trụ sở, những hộ gia đình cán bộ đủ thành phần. 

Những cán bộ cao cấp được phân biệt thự nguyên căn. Còn lại thì tùy theo cơ quan theo chức vụ chia nhau vào ở. Thế mới có những số nhà lịch sử gồm nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng ở cùng. Số phận những biệt thự này theo thời gian được chuyển đổi thành nhà ở hiện đại. Ở thời điểm hiện tại, thành phố vẫn giữ được một số căn nguyên trạng không cho xây dựng để bảo tồn. Mặc dù, một số tòa nhà chung cư đã chen vào tất cả các khu phố cũ nhưng cơ bản phố cũ vẫn giữ được nét xưa, mặc dù chúng được cải tạo và biến đổi cho phù hợp với thực tế.

Khu phố cổ tập trung ở trung tâm thành phố gồm các phố có tên Hàng. Xen vào là một số phố mang tên khác nhưng vẫn có thể tính vào phố cổ. Đây chính là vùng lõi của thành phố. Đã hình thành một số phố đi bộ tập trung giáp hồ Hoàn Kiếm. Kiến trúc phố cổ đa số là nhà ống và mặc dù có chính sách bảo tồn phố cổ nhưng hầu như phố cổ đã biến dạng với đủ thứ kiến trúc chắp vá mới cũ đan xen. Tôi nghĩ phố cổ giờ có lẽ chỉ còn lòng đường được bảo tồn nguyên vẹn bởi chúng không thể bị lấn chiếm. Nhà ở trong khu phố cổ do khống chế xây dựng nên không có nhiều nhà cao tầng, đa số là cải tạo chắp vá và cư dân những khu phố này chấp nhận ở chật chội để bám trụ. Phố cổ có lợi thế về buôn bán, làm ăn và cả tính thụ hưởng. Đến giờ những gì tinh túy về ẩm thực vẫn tập trung trong phố cổ.

Nói đến Hà Nội đương nhiên phải tính đến những làng cổ. Những ngôi làng này như những pháo đài bao bọc bảo vệ nội đô. Ngày nhỏ tôi cùng đám bạn nghịch ngợm có thể chạy nhảy đi bộ khắp Hà Nội. Những dân cư làng cổ Hà Nội tôi nghĩ đây mới chính là đích thực người Hà Nội. Bởi gốc rễ sâu xa của nó. Trong các làng cổ có những dòng họ lớn là hậu duệ của những người xưa có đất phong và gia phả của họ có rất nhiều đời trong khi khu phố cổ chỉ được tính đến nhiều lắm là dăm, bảy đời. Điển hình là những làng như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Yên Phụ, Hoàng Mai, Mai Động, Nghĩa Đô... Theo thời gian những làng cổ này đã biến mất thành phố thành phường còn may là những đình, chùa, đền vẫn còn được giữ lại.

Ở nhà Hà Nội ảnh 2Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Phố mới hoàn toàn được hình thành sau năm 1954. Chúng được xây dựng từ những vùng đất ngoại vi Hà Nội cũ. Phố mới xâm lấn làng mạc ngoại thành và phát triển phình ra. Đó là những con phố nối vào để mở rộng Hà Nội theo nhu cầu từng thời kỳ. Dọc đê sông Hồng giờ cũng là phố lớn trong đó có cả chung cư. Đáng nói ở phố mới là nơi xây dựng những khu nhà cao tầng đầu tiên.

Hà Nội những năm 60, 70 bắt đầu xây dựng những khu nhà tập thể cao tầng. Cao nhất cũng chỉ là 4 đến 5 tầng, sau này thì mới có khu làm đến 6 tầng. Cấu trúc các khu nhà có khác nhau nhưng cơ bản là gần thống nhất. Các khu Thành Công, Trung Tự là những nơi tôi có người nhà ở đều cấu trúc kiểu nhà 5 tầng. Mỗi căn hộ phân chia phòng ở có ngăn ra làm hai và chạy dọc theo phòng ở là bếp và khu vệ sinh. Tổng diện tích cả phụ vào quãng 40 mét vuông. Phía trước mỗi nhà là hành lang chung. Mỗi căn hộ thế này ban đầu thường là có hai thế hệ cùng ở. Theo thời gian đến quãng cuối thập niên 80 là 3 thế hệ. Cá biệt có thể là tứ đại đồng đường trong cùng một căn hộ khi thời gian leo sang thập niên 90. 

Với diện tích như thế, cấu trúc như thế sự chật chội ngày thêm bức bối. Thế là ra đời phong trào chuồng cọp. Vì là nhà đơn khối có khoảng cách từ khu tập thể này sang khu khác khá rộng nên chuồng cọp được làm cả mặt trước lẫn sau. Mặt trước trừ hành lang chung không thể xâm phạm còn thì các hộ cứ chiểu mặt tiền nhà mình mà lấn chiếm khoảng không. Nếu các hộ từ tầng 1 liên kết với các tầng trên họ có thể xây chồng lên nhau từ mặt đất. Còn nếu làm riêng rẽ thì sẽ đục tường chèn giá đỡ và lắp khung nhà bằng sắt thép. Trong những buồng cơi nới này cũng có vách kín và mặt nền lát đá hoa hẳn hoi. Những chiếc chuồng cọp cứ thế mọc ra như nấm làm biến dạng mọi khu tập thể bất chấp nguy hiểm. Tuy thế, căn hộ cơi nới kiểu này đã làm tăng diện tích ở đáng kể cho các cư dân.

Đến thập niên 90 sự bùng phát kinh tế Hà Nội bắt đầu xây dựng nhà nhiều tầng. Nở rộ là những năm đầu thế kỷ 21. Các khu chung cư cao vài chục tầng được xây theo thiết kế hiện đại. Chúng có mặt ở những vùng lân cận nội đô, phát triển mạnh thành từng khu lớn ở Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Trì... và lan sang bên kia bờ sông Hồng. Người dân Hà Nội dường như chấp nhận một cách thỏa mãn những căn hộ chung cư đủ loại tùy theo điều kiện kinh tế. Các khu đất trong nội đô được mệnh danh là đất vàng cũng lần lượt bị thôn tính. Một loạt các địa chỉ công nghiệp như dệt 8-3, cơ khí Trần Hưng Đạo, Mai Động, cơ khí Hà Nội, Nhà máy cao su Sao Vàng thậm chí cả khu triển lãm Giảng Võ biến mất thay vào đó là những khu chung cư hiện đại. 

Có thể nói tất cả những khu đất, khu nhà nào có diện tích rộng vừa đủ để xây chung cư đều được tận dụng. Con số mật độ dân cư vài chục nghìn người trên một cây số vuông chính là do những khu nhà này mang đến. Lợi hay hại chưa bàn nhưng cư dân Hà Nội có điều kiện đều vào ở những khu nhà này. Ở nhà chung cư có nhiều tiện lợi hơn nhà mặt đất nên người dân chấp nhận dù giá những khu chung cư trong nội đô đắt hơn rất nhiều những khu chung cư ở ngoại vi.

Tâm lý cư dân Hà Nội ở thời điểm chung cư nở rộ phân hóa thành nhiều hướng. Dân phố cổ ít chịu rời đi khỏi trung tâm. Họ chịu đựng ở chật chội vì mưu sinh là phần nhiều và cả thói quen. Các hộ ở những khu tập thể cũ đa phần chuyển đến những khu mới tiện nghi hơn vì cư dân nhà tập thể cũ chủ yếu là thành phần trung lưu. Dân các tỉnh có tiền ào về chiếm lĩnh chung cư Hà Nội khiến dân số nhập cư tăng vọt. 

Một số trung thành với quan niệm nhà mặt đất. Họ xây cất nhà có độ cao vài tầng. Tôi nằm trong số này. Nhà chung cư với tôi có vẻ bó buộc dù nó tiện lợi. Căn nhà tôi đang sống ở quận Hoàng Mai xưa là vùng hồ ao liên tiếp nay biến thành phố xóa sổ các tên làng. Nhà mặt đất có ưu thế về diện tích và sự riêng biệt nhưng cái này cũng tùy thuộc vào từng quan niệm.

Không thể không nói đến một phương thức ở của dân nhập cư. Họ đa số là lao động ngoại tỉnh về Hà Nội kiếm sống. Có cầu tất có cung, vậy là Hà Nội mọc ra nhiều khu cho thuê trọ. Các hộ gia đình có diện tích bèn xây cất thêm các phòng ở cho thuê. Có thể là một chung cư mini dăm bảy tầng hoặc các nhà trọ xây cất tạm bợ gọi theo cách cũ là những nhà cấp 4. Số cư dân này chiếm một lượng đông đảo.

Cũng không thể bỏ qua khía cạnh này. Một số hộ đồng thời sở hữu nhiều căn nhà, mặt đất có, chung cư có. Động cơ là tích trữ của cải bằng cách đầu tư bất động sản và kinh doanh cho thuê. Người Hà Nội giờ có mốt ở nhà thuê dù họ sở hữu nhà cửa đàng hoàng. Những địa điểm mặt phố hoặc tiện lợi kinh doanh cư dân sẵn sàng cho thuê và bản thân thì đi thuê nhà khác ở. Phần kinh tế dôi ra từ việc chuyển đổi này thành nguồn sống. Âu cũng là tiện lợi đôi bề.

Chuyện ở nhà Hà Nội là một câu chuyện dài không hồi kết vì sự phát triển cuộc sống như một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ. Hà Nội sẽ còn tiếp tục mọc lên nhiều chung cư nữa cả nội đô lẫn ngoại thành. Tôi không biết chắc mình sẽ trụ được ở nhà mặt đất bao lâu vì tuổi tác dày lên khó có thể leo tầng cao và cũng chẳng thể biết chắc chỗ mình ở liệu có trở thành một dự án cao tầng trong tương lai.

Hôm rồi vợ tôi chính thức thông báo đã đăng ký mua một căn hộ tầng 31 ở Hà Đông để dăm bảy năm sau chuyển đến ở dưỡng già. Tất nhiên tôi không thể phản đối. Tôi sẽ góp đồng nhuận bút ít ỏi của bài báo này vào chuyện mua căn hộ chung cư cho dự án tương lai. Ôi, ở nhà Hà Nội...

Hà Nội 19-12-2019

Tin cùng chuyên mục