Những hàng sấu cổ thụ

(ANTĐ) - Những đại lộ ở Hà Nội, thuộc khu phố Tây, thời thuộc Pháp, thường trồng sấu hoặc me, xem ra sấu được trồng nhiều hơn. Bây giờ ở những dãy phố lớn như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hoặc phố Bà Triệu... ta vẫn gặp những hàng sấu cổ thụ.

Những hàng sấu cổ thụ

(ANTĐ) - Những đại lộ ở Hà Nội, thuộc khu phố Tây, thời thuộc Pháp, thường trồng sấu hoặc me, xem ra sấu được trồng nhiều hơn. Bây giờ ở những dãy phố lớn như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hoặc phố Bà Triệu... ta vẫn gặp những hàng sấu cổ thụ.

Thuở còn bé, tôi chơi nghịch ở những dãy phố này, những hàng sấu đã cao ngang trời. Vậy là những hàng sấu Thủ đô đã thành những hàng cây trăm tuổi.

Sấu là một loại cây đẹp. Lá nhỏ, tán dày, thân lớn chậm, tuổi đếm trăm mà chỉ bằng loại cây lim đỏ (acajou) vài ba chục năm. Thân sấu mộc mạc, dãi dầu. Gốc sấu vững, có bộ rễ sâu, thân lại có những cái vấu to, ngộ nghĩnh. Có những cái vấu gần gốc, trẻ con thường tranh nhau ngồi vào, coi như một thứ ghế tự nhiên, mời mình ngồi nghỉ mát. Sấu được trồng sát vỉa hè, dọc dãy sấu là những bãi cỏ. Đường được lát ở phía trong cho người đi dạo.

Cái bãi cỏ ấy đầy hấp dẫn với đám trẻ con. Thuở nhỏ, sau buổi học hoặc những lúc chiều xuống, chúng tôi thường xách ống bơ đi đúc dế, đúc bọ ve ở đó.

Có một lần, tôi đúc được một con bọ ve nhỏ, bé bằng ngón tay út. Đến khi ngủ, thả cho nó bấu vào trong màn. Sáng ra, trời ơi, một con ve sầu kim cánh mỏng, toàn thân xanh biếc. Tôi giơ ngón tay bắt nó, bóp nhẹ vào lườn, nó phát ra một khúc nhạc ve nhẹ và thanh. Bữa ấy, tôi cho ve vào ống bơ, bọc vải màn ở trên, khoe với khắp các bạn nhỏ trong xóm, đứa nào nhìn con ve sầu kim đều thèm rỏ rãi.

Sấu trút lá không vào mùa đông mà vào những ngày hè... Lá trút một đêm ở hai vệ đường đã đầy xặc. Mùa lá sấu rụng, những người nghèo trong các xóm ven hồ, có khi tận cạnh hồ Ba Mẫu đem những bao tải đến vơ đầy, nhét chặt vào, buộc lại rồi lễ mễ đem về túp lều con của mình mà đun nấu.

Sấu ra lá rồi ra hoa, ra quả, trong một thời gian rất ngắn. Vừa hôm nào, tán sấu đầy lá cũ vàng pha xanh, nay đã ngần xanh. Hàng sấu vươn những chiếc tán trời khá đẹp. Rồi hoa sấu trổ đầy trong tán lá. Hoa sấu nhỏ li ti màu trắng phớt vàng khá đẹp. Hoa thơm thoảng hơi chua chua khác lạ. Những trưa hè, khi những thiếu nữ Hà Nội mặc áo dài trắng đi trên vỉa hè dọc phố có hàng sấu cổ thụ. Nắng non trưa dệt hoa trên lối đi. Gió thổi bay tà áo, rung một trận mưa hoa sấu, từ những chiếc tán xanh xuống tóc, xuống vai, phía trước mặt, phía sau lưng. Đó là một hình ảnh đẹp của Hà Nội phố khiến cho ai từng ở lâu Hà Nội không thể nào quên.

Hoa sấu rơi trên chiếc cặp học trò của tôi thời tiểu học. Những trận mưa hoa sấu phả vào mặt như trêu đùa thân ái, rơi trên tóc, nhẹ nhàng như tay mẹ, tay chị vuốt trên tóc mình. Tuổi thơ tôi từng đội trận mưa hoa sấu đẹp ấy tới trường.

Quả Sấu lớn nhanh như thổi. Mới dạo nào bằng ngón tay út, bằng ngón tay cái, giờ đã to đẫy tròn xoe, chi chít trên cây. Hoa nhiều nên sấu đậu quả cũng nhiều.

Và mùa hè, trong những gánh rau từ ngoại ô vào, thường đặt thêm một mẹt đầy sấu xanh. Rau luộc cho mấy quả sấu vào mà dầm thì nước luộc trong mà vị mát thơm, ăn ngon hơn là dầm chanh hay luộc cùng bó lá me nhỏ.

Vào cuối hè thì sấu chín. Giờ ra chơi, ở cổng trường, mấy bà bán quà vặt, thường gọt sẵn những quả sấu chín, cạnh đó là đĩa muối ớt. Đám học trò con gái bám vào đó như chùm sung, chùm ngái, thi nhau mua, thi nhau chấm muối, rồi xuýt xoa khoái hẩu, khiến người ngoài trông thấy cũng phải thèm. Lũ học trò chúng tôi, buổi sáng chủ nhật lại ra bãi cỏ, tìm những quả sấu chín rụng đêm qua, rồi về cùng nhau mở tiệc, cho đến khi thành phố cho thu hái bằng hết sấu mới thôi...

Có một câu thơ thời Kháng chiến chông Pháp của Chính Hữu:

Đêm Hà Nội buốt tê

Mái buồn nghe sấu rụng

Nhìn ra cửa ô, bóng những con đê

Ầm ĩ tiếng súng...

Đọc lên, thấy cả Hà Nội một thời!

Ngô Văn Phú