Ra mắt cuốn sách cận cảnh quá trình “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long”

Những góc ít người biết về cuộc khai quật có một không hai

ANTD.VN - Cách đây 16 năm, năm 2002, những nhát cuốc đầu tiên đã được thực hiện tại khu đất 18 Hoàng Diệu chỉ với mục đích thám sát mặt bằng cho công trình xây dựng Nhà Quốc hội. Nhưng không ai ngờ, những dấu tích đầu tiên được phát hiện đã nhanh chóng thu hút mối quan tâm của nhân dân cả nước, giới khoa học lịch sử Việt Nam và nhiều chuyên gia khảo cổ trên thế giới. Và cuộc khai quật chưa từng có trong lịch sử khảo cổ Việt Nam đã khiến cho nhiều góc nhìn thời bấy giờ thay đổi. 

Những góc ít người biết về cuộc khai quật có một không hai ảnh 1Đầu chim phượng và lá đề bằng đất nung nằm tại vị trí được khai quật. Chủ nhiệm dự án Tống Trung Tín và Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam (người thứ ba từ trái qua) đang giới thiệu những mảnh vỡ của mái cung điện nhà Lý với các vị lãnh đạo (Khu A)

“Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long: Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội”, được xuất bản bởi NXB Thế Giới, Viện Viễn đông Bác cổ tại Hà Nội (EFEO) và Viện Khảo cổ học.

Do GS. TS. Andrew Hardy (EFEO) cùng nhà khảo cổ học TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) chủ biên, cuốn sách này không chỉ là sự nhắc lại những cảm xúc từ buổi ban đầu của đội ngũ những người đã khám phá và đang tiếp tục khám phá giá trị của di sản mà còn là sự đưa dẫn người đọc theo những lưỡi bay, nhát cuốc của các nhà khảo cổ học để dần thấy được “khuôn mặt” thực sự của Hoàng thành Thăng Long.

Đồng thời cuốn sách cũng đưa ra những nghiên cứu lịch sử mới nhất trên kết quả của việc phát lộ di tích và những suy nghĩ đầu tiên về việc gìn giữ và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long. 

Cuốn sách có sự tham gia của nhiều tác giả trong nước và quốc tế, trong đó có Giáo sư Phan Huy Lê, nhà sử học Đào Hùng, PGS.TS. Tống Trung Tín, Giáo sư Franciscus Verellen (nguyên giám đốc EFEO), PGS Diệp Đình Hoa, PGS. Phan Khanh…

Những góc ít người biết về cuộc khai quật có một không hai ảnh 2Bìa sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long: Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội”

Cuốn sách được “ấp ủ” từ 16 năm trước

Trò chuyện cùng phóng viên TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam, cũng là một trong những người trực tiếp thực hiện cuộc khai quật) chia sẻ, ý tưởng để cuốn sách ra đời xuất hiện từ khoảng những năm 2004-2006 khi Khu di chỉ 18 Hoàng Diệu vừa phát lộ một phần, tất cả những báu vật trong lòng đất hiện lên khiến giới nghiên cứu ngỡ ngàng và cả kinh ngạc. Tuy nhiên, thời điểm đó cũng có những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan tác động khiến cuốn sách chưa thể thực hiện ngay được. Tuy nhiên, ông và GS.TS Andrew Hardy vẫn âm thầm chuẩn bị và chờ “đến khi có sự thay đổi” để trình làng cuốn sách kể trên. Và thời điểm tháng 12-2018 đã chín muồi.

Thực ra, sau cuộc khai quật chấn động lịch sử đó, có rất nhiều các cuốn sách về Hoàng thành Thăng Long đã được xuất bản, song phần nhiều là sách nghiên cứu, hoặc đề cập đến di tích một cách học thuật.

TS. Nguyễn Tiến Đông cho rằng, ông muốn các kiến thức về Hoàng thành nói riêng và lịch sử Thăng Long - Hà Nội nói chung được phổ cập hơn trong mọi tầng lớp nhân dân, chính vì thế tất cả các góc nhìn đều được tiếp cận và thể hiện một cách rất gần gũi, ngắn gọn, khúc chiết, dễ đọc và dễ hình dung. Và đây cũng là cách tiếp cận lịch sử và cách làm sách lịch sử phổ biến trên thế giới. 

Năm 2004, lần đầu tiên GS.TS. Andrew Hardy (EFEO) được đặt chân tới Hoàng thành và tham quan cuộc khai quật. Ông đã kể lại chuyến thăm đầy cảm xúc này trong sách: “Tôi trở về nhà với sự kinh ngạc và có phần lo lắng: Khu di tích thật khác thường và quả nhiên rất xứng với những lời đồn đại đang lan rộng khắp thành phố lúc bấy giờ. Qua chuyến thăm ngắn ngủi này, tôi có thể nhận thấy vẻ đẹp tuyệt vời và ý nghĩa lịch sử đặc biệt của khu di tích.

Mặc dù hiểu biết của tôi về khảo cổ học còn nông cạn, tôi vẫn có thể nhận thấy rằng đó là một quần thể khảo cổ vô cùng phức tạp. Và nếu trong tương lai nó được bảo tồn (một trong những lời đồn đoán cho là vậy) thì liệu Việt Nam có đủ chuyên môn kỹ thuật để quản lý khu di tích này không? Liệu có ai đủ chuyên môn để giải quyết vấn đề bảo tồn một khu vực rộng lớn đến vậy trong điều kiện khí hậu ẩm và mưa nhiều không?”.

Sau 14 năm thì câu hỏi của nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp đã được trả lời, di chỉ khảo cổ không những đang được bảo tồn mà còn trở thành Di sản Văn hóa thế giới, Di tích đặc biệt Quốc gia và là một điểm di tích không thể không thăm khi tới Hà Nội.

Những góc ít người biết về cuộc khai quật có một không hai ảnh 3Giếng nước thời Trần được tìm thấy trong khu di chỉ 18 Hoàng Diệu 

Góc ít biết về cuộc khai quật có một không hai

Đối với PGS.TS Tống Trung Tín khi đó với cương vị Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ nhiệm Dự án lại là một tâm trạng khác, vừa mừng lại vừa lo: “Tôi còn nhớ, thầy Phan Huy Lê, khi đọc thấy tin tức trên báo chí cho biết Chính phủ sẽ cho phép Viện Khảo cổ học khai quật thăm dò 2.000m2/48.000m2 đã hỏi tôi: Tại sao không lập kế hoạch khai quật hết luôn mà lại còn phải thăm dò có 2.000 m2. Tôi trả lời thầy rằng vì tình hình thực tế của việc hiểu luật hết sức khác nhau giữa các cơ quan, do đó phải lập kế hoạch từng bước như vậy. Giáo sư cười và nhanh chóng thông cảm. Và chúng tôi chuẩn bị đào. Cuộc khai quật được chính thức bắt đầu vào ngày 17-12-2002. Ngày giờ và nghi lễ động thổ đợt khai quật thăm dò do cố GS. Trần Quốc Vượng xem xét và cho ý kiến”.

Cuộc khai quật diễn ra khá vất vả. “Những ngày đầu thật vô cùng khó khăn gian khổ. Giá rét căm căm, mưa phùn rát mặt, nước mạch lạnh buốt luôn tràn ngập hố khai quật. Nhiều đội công nhân đã chịu không nổi và bỏ về. Một vài cán bộ của Viện và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội thấy nước lõng bõng, bùn nhão nhoét đã bảo tôi: “Chắc chẳng có gì đâu”. Tuy nhiên, lo lắng cũng dần dần qua đi. Ban đầu, cán bộ trực đêm báo về cho tôi biết ở lớp mặt đã bắt đầu xuất hiện những mảnh gốm thời Lê. Hy vọng lóe lên vì đó là dấu hiệu ban đầu cho biết có thể sẽ gặp di tích ở dưới. Các hố tiếp tục đào sâu xuống".

"Đầu tiên hố A7 do Trịnh Hoàng Hiệp phụ trách thấy nền gạch vuông và dải gạch xếp hình hoa chanh thời Trần. Tôi quá mừng, yêu cầu anh em chăm chút, giữ gìn thật tốt các dấu tích đó. Tiếp theo, hố B3 của TS. Bùi Văn Liêm tìm thấy các đường chạy dài xếp đứng và nhiều di vật đẹp. Hố B5 của TS. Nguyễn Tiến Đông xuất hiện một chân tảng đá hoa sen thời Lý. Hố A1 của anh Phạm Như Hồ xuất hiện vỉa gạch xếp hình “hoa chanh” điển hình của thời Trần. Tất cả đều rất vui mừng vì biết chắc như vậy tiềm năng của di tích sẽ còn rất lớn. Các dấu tích chân tảng, nền nhà, trụ móng cột, cống nước, dải nền “hoa chanh” liên tiếp nối nhau xuất hiện. Tình hình rất khả quan và diễn biến rất nhanh. Tất cả các vị trí thăm dò đều xuất hiện di vật dày đặc với tầng văn hóa rất dày. Có tới hơn 80% hố đào xuất hiện các dấu tích nền móng kiến trúc”- nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học kể về ngày đầu vất vả, nếu như không phải là người trong cuộc thì sẽ chẳng thể nào hiểu nổi.

Và cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long: Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” sẽ đưa tới cho người đọc cả những góc còn ít người biết về cuộc khai quật có một không hai đó.

Vào lúc 18h ngày 12-12- 2018 tại Viện Văn hóa Pháp - L’Espace, các diễn giả TS. Tống Trung Tín, TS. Nguyễn Gia Đối, TS Nguyễn Tiến Đông và Giáo sư Andrew Hardy sẽ giới thiệu cuốn sách và chia sẻ những kinh nghiệm và kỷ niệm của những tháng ngày trong hố khai quật khi các chuyên gia của Viện Khảo cổ học tiến hành việc phát lộ Hoàng thành Thăng Long.