Những đứa trẻ hay khóc dỗi và sợ khách giận ở Ngũ Hành Sơn

ANTD.VN - Đà Nẵng - một thành phố vắng vẻ, sạch sẽ với đường bờ biển tuyệt đẹp, bãi cát trắng mịn và làn nước biển xanh ngọc của miền nhiệt đới. Từ trung tâm đi chừng 15km là ra đến bán đảo Sơn Trà với Bãi Bụt và tượng Phật đứng trên chùa Linh Ứng soi tầm mắt xuống cả một vùng bờ biển rộng lớn lúc nào cũng lấp lánh dưới ánh mặt trời. 

Hướng dẫn viên lưu ý khách leo núi mạo hiểm ở Ngũ Hành Sơn

Từ đó chạy tắt sang Ngũ Hành Sơn chỉ mất chừng 10km. Nhìn bản đồ thấy 5 quả núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn với vô số chùa chiền và hang động, nhưng kỳ thực chỉ có Thủy Sơn là khu vực du lịch đông đúc. Vãn cảnh trên núi Thủy Sơn là một điều cực kỳ thú vị.

Trên núi có chùa Linh Ứng (cần phải nhắc thêm rằng ở Bà Bà và bán đảo Sơn Trà cũng đều có chùa Linh Ứng), chùa Tam Thai và Tháp Xá Lợi với kiến trúc đặc sắc trông ra vịnh Đà Nẵng. Động Vân Thông và Động Âm Phủ dẫn lên tận đỉnh Thủy Sơn để từ đó có thể trông ra toàn cảnh Non Nước. Nhưng thú vị nhất là Động Huyền Không với ba giếng trời tạo thành những cột ánh sáng mành, một kiến trúc ánh sáng thiên nhiên độc nhất vô nhị. 

Chuyện thằng Long, chuyện em Út

Những tưởng bên Kim Sơn và Hỏa Sơn cũng như vậy nên tôi vòng sang khu vực hang động phía Tây Ngũ Hành Sơn để tham quan chùa Quan Âm, động Quan Âm, chùa Linh Sơn, Phổ Đà Sơn và Động Huyền Vi. Tuy nhiên sang đến nơi chỉ thấy một ngôi chùa sặc sỡ nằm ngay dưới chân núi mà hai cậu bé địa phương giải thích đó là chùa Quan Âm. Lập tức tôi được một cậu bé 16 tuổi tên Long tình nguyện làm hướng dẫn viên dẫn xuống hang Quan Âm với điều kiện tôi phải thuê đèn pin với giá 5.000 đồng vì hiện nay đèn thắp trong hang đã bị hỏng. Cậu em mới 8 tuổi, người nhỏ thó như đứa trẻ lên bốn lanh chanh đòi dẫn đường. Thằng lớn sợ khách giận mới mắng át thằng em, vậy là nó lăn ra khóc.

- Để Út dẫn, tại sao không cho Út dẫn?

- Út không dẫn được.

- Út dẫn được mà.

Tôi đành phải can thiệp “Ừ, được rồi, được rồi, để Út dẫn”. Thằng Út mừng rỡ giằng lấy cây đèn pin to hơn bắp vế và hồ hởi soi đường. 

- Dì đi theo Út nhé. Dì nhìn nè. Đây là tượng Phật Quan Âm, đằng sau lồi lên đó là các tiểu đồng. Còn đây là con cá sấu, cái miệng của nó nè, kia là cái đuôi của nó. Đây là quả Phật thủ… kia nữa… khói hương đang bốc lên.

Thằng Út nói đến đâu đèn pin soi đến đó vẻ rất chuyên nghiệp. Nó thuyết minh về những hình thù bằng đá trồi lên trên vách nhũ, líu lo chất giọng địa phương với tông độ rất nhanh khiến tôi chỉ hiểu được phân nửa. Nó đề nghị “Dì đưa tay Út dẫn cho khỏi ngã”. Bàn tay, cẳng tay thằng Út gầy nhẳng chới với. Nó nhẹ bỗng trong lòng bàn tay tôi, và có đôi lúc tôi níu cho nó khỏi ngã chứ không phải ngược lại.

Khi đi vào giữa một khe hẹp trong lòng vách đá tối tăm, tự dưng thấy Út dừng phắt lại rồi léo nhéo một câu gì đó tôi không hiểu. Tôi cũng đứng im sau lưng nó chờ đợi. Định thần mất vài giây sau mới luận ra rằng: “Ai bưng Út lên cái”. Thì ra phía trước mặt là một vách đá rất cao mà việc leo lên đó là bất khả thi với một cậu hướng dẫn viên du lịch 8 tuổi. Tôi nhấc bổng cậu bé lên và Út lại tiếp tục công việc hướng dẫn viên của mình một cách hào hứng. 

Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn

Hướng dẫn viên nhí chuyên nghiệp

Sau đó tôi đề nghị hai đứa trẻ dẫn tôi sang động Huyền Vi. Cả thằng Long lẫn Út đều để đầu trần giữa trời nắng chang chang, chân đi đất. Thằng Long tay cắp dép chứ nhất định không chịu xỏ vào chân, có lẽ chúng đi đất quen rồi. Nhưng tôi thấy xót xa khi thằng Út lon ton đôi bàn chân đen đúa nhỏ xíu trên nền đất bỏng rát, rồi trèo lên vách núi lởm chởm với những đám đá răm nhọn hoắt. Thỉnh thoảng nó la lên oai oái “Á, con gì cắn Út”, mà kỳ thực là nó bị một cạnh sắc cứa vào chân.

Thằng Út bằng tuổi con gái tôi. Nhưng như hầu hết những đứa trẻ thành phố con một khác, con gái tôi chưa bao giờ được mẹ cho phép đi chân đất ở bất cứ nơi nào ngoài sàn đá hoa hay bể bơi, bãi biển. Và giờ này cô con gái mà tôi cưng như trứng mỏng có lẽ đang nằm cuộn tròn trong phòng máy lạnh mà xem phim hoạt hình. Tôi bảo Út nên về nhà xỏ dép rồi sau đó hẵng chui vào động nhưng cậu nhóc kiên quyết không chịu. Nó bảo nó cũng có một đôi dép cao su nhưng ba nó không cho đi “Ba sợ Út sang chùa rồi làm mất”. 

Động Huyền Vi cũng tối tăm không kém động Quan Âm, lại còn đầy dơi, ẩm thấp và hôi mùi phân dơi. Thằng Út dẫn tôi chui sâu vào lòng núi, qua những ngóc ngách, hẻm nước âm u như địa ngục. Trong khoảnh khắc, tôi thảng nhủ thầm rằng mình rõ dại, một thân một mình chui vào cái hang tối tăm không người ở một nơi xa xôi không ai biết, phó thác sự chỉ dẫn cho một thằng nhóc 8 tuổi. Nhưng rồi thằng Út có vẻ lanh lẹ khác thường.

Cái hang đầy ngóc ngách khiến tôi rất không an tâm này dường như là chỗ chơi hàng ngày của nó. Nó thuộc lòng từng tảng đá và ngách nước trong lòng hang. Cuối cùng chúng tôi cũng rời khu vực hang động để đi bộ sang chùa Phổ Đà Sơn và sông Cổ Cò. Thằng Út vẫn chân trần, đầu trần lội qua trảng đất nắng cháy. Lần này thì có vẻ như chính Út cũng không thể chịu đựng nổi lâu dưới cái nắng khác thường này. Nó dụi tay liên tục lên đầu kêu nóng quá.

Tôi lục túi tìm được tấm bản đồ rồi che đầu cho nó. Thành ra cuối cùng tôi phải chăm sóc “guide”, chỉ còn thiếu điều ẵm “guide” đi qua cánh đồng nữa mà thôi. Lúc đó đã quá nửa trưa, tôi hỏi hai đứa đã ăn gì rồi. Thằng anh kêu “Con ăn rồi” nhưng Út cải chính: “Con thì ăn bên chùa rồi nhưng anh Long chưa ăn gì”. Lập tức nó lại bị thằng anh mắng át đi vì sợ khách giận.

Nhà văn Di Li 

Thằng Long có phẩm chất của một “tour guide” chuyên nghiệp khi luôn lo lắng cho sự an toàn và hài lòng của khách. Và bất cứ sự gì khiến khách chạnh lòng luôn là nỗi sợ lớn nhất của guide. Hai đứa trẻ này còn một cậu anh trai 20 tuổi nữa, đi làm phục vụ bàn trong một khách sạn. Bố là lái xe còn mẹ buôn bán lặt vặt. Chúng sống chủ yếu nhờ lòng hảo tâm của nhà chùa nhưng vẫn được đi học đàng hoàng. 

Kết thúc tour, tôi tặng thằng anh một khoản thù lao hậu hĩnh, còn Út chỉ hai tờ tiền nhỏ. Thằng anh mắt lấp lánh ngời sáng trong khi Út xịu mặt rồi mếu.

- Tại sao anh Long được nhiều tiền mà Út chỉ được có nhiêu này?

- Út còn nhỏ đâu đã biết tiêu tiền, con muốn mua kem nhờ anh Long mua hộ nhé.

Út òa lên khóc rồi đứng dán vào yên xe dỗi không thèm nói chuyện với khách du lịch nữa. Khách đành phải cuống quýt dỗ dành “guide”. 

Cảnh trí bên khu Kim Sơn và Hỏa Sơn không có gì đặc sắc để tham quan, vì thế vắng hiu hắt cho dù cả “guide anh” và “guide em” đều hết sức tự hào về quần thể hang động ở ngôi làng nằm ven sông Cổ Cò… 

Tôi vẫn hạnh phúc vì đã mang theo một hồi ức không thể quên về một “guide” nhí hay khóc dỗi với khách du lịch và một cậu “guide” lúc nào cũng chực sợ khách giận bỏ về.