Những bộ phim Việt dở tệ, xứng đáng nhận giải Mâm xôi vàng

ANTD.VN - Thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam chứng kiến sự lên ngôi của rất nhiều dòng phim nước ngoài. Ngoài một số phim Việt được đầu tư nghiêm túc, cẩn thận thì còn rất nhiều những bộ phim dở tệ, xứng đáng nhận giải Mâm xôi vàng.

“Nàng men, chàng bóng”

Ra rạp năm 2012, phim chiếu về 2 nhân vật chính là Út Chót (Đinh Ngọc Diệp thủ vai), và Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy thủ vai) và hành trình đánh thức bản năng giới tính cho nhau. Mặc dù, phim đáp ứng thị hiếu của người dân lao động bình dân và hút khách khi ra rạp đúng thời điểm. Nhưng xét về góc độ chuyên môn thì thấy, đây là một bộ phim còn quá nhiều thiếu xót, khi khai thác nhân vật “bóng lộ” Ẽo Ợt quá áp đặt, với những tình tiết hài nhảm nhí, bóp méo nhân vật, nhiều chi tiết trong phim diễn ra phi lý, công tác hậu kỳ cẩu thả, không chăm chút…

"Nàng men, chàng bóng" - hài nhảm, vô duyên. Ảnh trong phim

“Tây du ký hậu truyện”

Ra rạp vào đầu năm 2015, “Tây du ký hậu truyện” vấp phải sự phản ứng dữ dội và bị cộng đồng mạng ném đá không thương tiếc. Bộ phim là sự chắp vá cẩu thả, dựng phim rời rạc, cốt truyện xây dựng xuyên tạc các nhân vật điển hình như: Thái Thượng Lão Quân, Hằng Nga, Đường Tăng… Phim được chỉ đạo bởi “đạo diễn thảm họa” Nhất Trung, sau đó được đạo diễn trẻ Nguyễn Thành Nam tiếp nhận để sửa chữa. Nhưng phim không thể cứu vãn được gì và đã cho ra đời bộ phim rất tệ.

"Tây du ký hậu truyện" - sự chắp vá phim cẩu thả. Ảnh: Poster phim

“Giấc mơ Mỹ”

Giấc mơ Mỹ có sự tham gia của nữ diễn viên Mai Thu Huyền và ca sĩ người Mỹ Kyo York. Phim chiếu về một nữ bác sĩ tên Linh (Mai Thu Huyền thủ vai) đến Mỹ du học và bị sốc văn hóa. Mục đích của tác phẩm là đề cao nghề y, lòng chung thủy nhưng kịch bản lại vướng phải nhiều khuyết điểm, nội dung chắp vá, chưa chặt chẽ, nhiều cảnh phim diễn ra đột ngột, tâm lý diễn viên thay đổi nhanh chóng, mà tệ hại hơn khán giả không thể cảm nhận được tình cảm của 2 nhân vật chính.

"Giấc mơ Mỹ" - không thể cảm với câu chuyện. Ảnh: Poster phim

“LaLa: Hãy để em yêu anh”

Ra mắt đầu năm 2018, phim là tác phẩm hợp tác Việt-Hàn với sự tham gia của Chi Pu và San E (nhạc sĩ nổi tiếng Hàn Quốc). Dù được quảng bá rộng rãi, truyền thông tích cực, nhưng “LaLa: Hãy để em yêu anh” lại không để lại ấn tượng cho khán giả. Dù có sự tham gia của ê kíp người Hàn, phim vẫn gây thất vọng bởi kịch bản nội dung đều đều, không có điểm nhấn, diễn xuất của các diễn viên đều rất đơ, cứng nhắc, không có tương tác ăn ý.

"LaLa: Hãy để em yêu anh" - sự hợp tác phim thất bại. 

“Cà chớn, anh đừng đi!”

Bộ phim vừa ra rạp vào tháng 5 vừa rồi, có nội dung chính về chuyện tình cảm giữa cô sinh viên nhạc viện và anh chàng họa sĩ tài ba. Nhiều khán giả đã lựa chọn phim và mong rằng họ sẽ thoải mái xem đến hết. Nhưng, “Cà chớn, anh đừng đi!” đã thật sự khiến người yêu phim phải ngao ngán vì đi theo lối làm phim tẻ nhạt những năm 1990, nội dung phi lý, cẩu thả trong cách dựng và làm phim, tính cách và tâm lý nhân vật rối loạn, không đồng nhất. Trên Zing, phim này được đánh giả chỉ 3/10 điểm.

"Cà chớn, anh đừng đi!" - cách làm phim tẻ nhạt của những năm 1990. Ảnh trong phim

Việt Nam có nhiều đạo diễn giỏi, diễn viên xuất sắc không thua kém gì nước ngoài, nhưng lượng phim Việt được khán giả đón nhận vì chất lượng lại còn quá ít. Với nhiều sự lựa chọn như hiện nay, khán giả sẽ không chỉ vì một, hai diễn viên nổi tiếng hay những yếu tố câu khách rẻ tiền mà chọn phim. Thay vào đó, họ sẽ ưu tiên những bộ phim khai thác đề tài phản ánh đúng hiện thực xã hội, đòi hỏi chất lượng đáp ứng được số tiền và thời gian đã bỏ ra xem phim.

Nghiêm túc đầu tư làm phim không chỉ nâng cao chất lượng phim mà còn là yếu tố kéo khán giả Việt về với phim trong nước. Tiêu biểu như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh” đã làm được điều đó.