Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn: Năng lực đặc biệt ở khả năng "nghe" hình và màu trong hội họa

ANTD.VN - Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, tác giả của các ca khúc nổi tiếng như: “Quê em”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Chiều trên bến cảng” còn là một họa sỹ với khả năng đặc biệt trong "nghe" hình và màu giống như trong âm nhạc. Với số lượng lớn các tác phẩm đã ra đời, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã cùng phối hợp với gia đình cố nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn ra mắt triển lãm "Những giai điệu vẽ bằng màu sắc" nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông. 

Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, giám tuyển độc lập của bộ sưu tập tranh tư nhân về họa sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn nhận định, ở nước ta, có nhiều nhạc sỹ vẽ, nhưng dường như chỉ có 3 nhạc sỹ coi vẽ như nghề nghiệp thứ hai của mình là Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sỹ. 

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn đã được đào tạo về hội họa trước khi đến với âm nhạc. Ông học vẽ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1944. Hơn thế, thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha, cụ Nguyễn Đức Thụ, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20, ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn đã được xem như một họa sỹ.

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn

Từ những năm 1980, nhạc sỹ hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn. Ông vẽ rất nhiều, vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài. Thậm chí, vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc. Trong các họa sỹ- nhạc sỹ, ông là người sử dụng nhiều loại chất liệu nhất. 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng chia sẻ, cách tiếp nhận trong mỗi chuyến đi thực tế của ông, chẳng hề giống nhà văn, nhà báo, cứ hỏi han, ghi chép. Còn nhạc sĩ các ông thì như đang “thiền”, không hỏi han, không ghi chép mà cứ mở ra, phanh tất cả ra cho gió, cho hương, cho mọi thứ nhập vào mình, ám ảnh mình. Chờ đến một lúc nào đấy, một bài hát ra đời. 

Tác phẩm "Ráng chiều" của nhạc sỹ, họa sỹ Nguyễn Đức Toàn

Các bức tranh của Nguyễn Đức Toàn có lẽ cũng đã ra đời, là kết quả của một quá trình trải nghiệm trong lĩnh vực cảm xúc như thế.

Nếu ông hay bắt đầu một bài hát với một câu văn thật giản dị như một câu nói thường ngày, kiểu như: “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng. Ta chia tay nhau, trong lòng bao lưu luyến”, thì ông cũng hay bắt đầu một bức tranh với một cấu tứ giản dị đã quen thuộc như: những con đường làng, những gốc đa, những cái cổng, những mảng ruộng, những ngôi nhà, những đống rơm, mái chùa cổ, mặt trăng, hoặc thiếu nữ hoa lá cây...

Rồi sau đó, là sự thăng hoa lấp lánh của mộng tưởng và liên tưởng: “Anh đi ra khơi theo luồng cá biển. Em đi lên rừng theo tiếng sáo nai”- để rồi trùng một quãng, giai điệu nhạc bỗng vút lên cao như cánh diều: “Ôi, đất nước đang gọi mình đi. Những cánh chim của đồng quê. Hỡi em yêu, ta lại hẹn, đến ngày về.”

Trong âm nhạc cũng như trong hội họa, Nguyễn Đức Toàn dường như không cầu kỳ ở giai điệu hay tiết tấu, mà ông rất chú trọng đến thủ pháp luôn luôn nhắc lại và biến hóa.

Tác phẩm "Chải tóc" trên chất liệu lụa, 1983

Theo nhà phê bình Quang Việt, âm nhạc không chỉ tạo cho hội họa Nguyễn Đức Toàn những khoảng cách cần thiết với sự thật, với thực tại, cũng như khoảng cách giữa thực nghiệm và đề tài, mà âm nhạc còn tạo cho ông một năng lực “nghe” hình-màu mà không phải họa sĩ nào cũng có.

Tranh của ông có rất nhiều “giọng” lạ, mà đôi khi chỉ khác bình thường một chút là đã đủ trở nên đặc sắc. Kỹ năng nghề nghiệp khá vững chắc về hội họa ở Nguyễn Đức Toàn cũng xứng tầm để ông thể hiện tất cả những gì ông muốn.

Bên cạnh một Văn Cao họa sỹ "lập thể”, một Nguyễn Đình Phúc họa sĩ “biểu hiện”, thì Nguyễn Đức Toàn là một họa sĩ “trữ tình” như có cả hai cái đó.

Triển lãm tranh của nhạc sỹ, họa sỹ Nguyễn Đức Toàn sẽ khai mạc chiều 19-7 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền và kéo dài đến hết ngày 28-7.