Nhà văn xin nghỉ việc vì sợ hết thời gian để… viết

ANTD.VN - Công việc của nhà văn là viết - đây không phải một yêu cầu của cơ quan đoàn thể nào mà là sự thôi thúc tự thân của người có duyên với nghiệp văn chương. Nhưng cảm hứng, nhiệt huyết, dự định sáng tác là chưa đủ, nhà văn cần có thời gian, không gian dành cho sáng tạo. Vì thế, để tập trung trọn vẹn cả tinh thần và thể lực cho văn chương, có không ít nhà văn sẵn sàng viết đơn xin nghỉ việc không ăn lương, hoặc xin nghỉ hưu trước thời hạn.

Nhà văn La Quán Miên

Nghỉ hưu “non”  để viết sách

Nhà văn La Quán Miên (Quán Vi Miên) quê ở mường Khủn Tinh (nay là xã Châu Quang), huyện Quỳ Hợp, miền Tây Nghệ An. Sinh ra, lớn lên ở bản mường nên những phong tục, tập quán của vùng đất này thấm vào ông từ thuở nhỏ, và ông biết được già làng, thầy mo là một “kho” văn hoá cổ, kho tri thức phong phú của người Thái.

Mặc dù đã xuất bản 30 cuốn sách, nhận về 39 giải thưởng, đăng hàng trăm bài báo nhưng ông vẫn sợ không còn quỹ thời gian để viết hết về bản mường quê hương mình. Nhà văn quyết định làm đơn xin nghỉ hưu trước 5 năm để tập trung vào công việc mà ông đam mê từ khi còn trẻ, đó là sưu tầm, dịch, nghiên cứu và viết về văn hoá, phong tục các dân tộc thiểu số. 

Sau khi về hưu sớm, ông có thời gian đi khắp các bản làng để sưu tầm, nghiên cứu tư liệu của đồng bào dân tộc Thổ, Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu… ở Nghệ An và viết sách. Vào bản xa, người ta thích tìm rượu uống còn ông đi tìm thầy mo để nghe kể chuyện, tìm kiếm văn bản cổ. Thấy trẻ con hát đồng dao, chơi trò chơi là ông xin tham gia để được thêm một lần sống lại thời thơ ấu và ghi chép lời đồng dao.

Chỉ trong mấy năm, nhà văn La Quán Miên đã cho ra đời hàng loạt công trình, tác phẩm viết về phong tục cưới xin, tang lễ, những câu đố, đồng dao, sử thi, truyện cổ như: “Vùng đất hoa Cờ Mạ”, “Lai Khủn Chưởng”, “Tục ngữ Thái giải nghĩa”, “Mường Bôn huyền thoại”, “Trông mường”, “Đám cưới trên núi”... Đặc biệt là bộ “Khủn Chưởng - sử thi Thái” gồm ba tập dày gần 1.000 trang và bộ “Mo hồn” (mo tang lễ), “Mo vía” cũng không kém phần đồ sộ. 

Với La Quán Miên, viết là để trả ơn bản mường nơi đã sinh mình ra và nuôi dưỡng mình lớn lên từ những câu chuyện. Nhà văn cho biết đã ký hợp đồng với dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam từ năm 2008 đến nay, ngoài ra còn một số tập về văn xuôi, truyện ngắn, truyện vừa, thơ, dịch thuật... đang hoàn tất bản thảo để chuẩn bị “xuất xưởng”.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai

“Không cho nghỉ tôi cũng nghỉ”

Nhà thơ Đỗ Trung Lai nổi tiếng với bài thơ đầu tiên trong đời - bài  “Đêm sông Cầu”, đã được nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ thành bài hát  “Tình yêu bên dòng sông quan họ”. Sau đó, ông xuất bản tập thơ có tên “Đêm sông Cầu” và được trao giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1994.

Đỗ Trung Lai có thời gian dài phụ trách ấn phẩm Quân đội nhân dân cuối tuần, một tờ báo mang bản sắc riêng, vừa nóng hổi hơi thở thời cuộc lại vừa lãng mạn như tâm hồn người lính trẻ. Vì mê thơ hơn làm báo, ông chuyển về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò Vụ phó Thường trực. Đang “yên ấm” đường công danh, Đỗ Trung Lai bất ngờ xin về hưu trước thời hạn 4 năm để dành trọn vẹn thời gian nghiên cứu Đường thi, vẽ tranh và làm thơ.

Hôm trước vẫn còn đến cơ quan làm việc bình thường, sáng hôm sau ông cho người mang lá đơn xin nghỉ hưu đến nộp cho Đài, trong đơn nhấn mạnh: “Tôi xin được nghỉ hưu bắt đầu tính từ hôm nay, mong các đồng chí giải quyết cho tôi. Nếu các đồng chí không đồng ý cho nghỉ thì tôi vẫn cứ nghỉ...”.

Sau khi xin nghỉ hưu với chức Phó tổng Biên tập Thường trực của Báo Tiếng nói Việt Nam, nhà thơ bắt tay thực hiện những kế hoạch lớn của đời mình. Ông chọn dịch thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… và in thành 3 cuốn dày dặn, tiếp đó còn viết thư pháp trên những khổ giấy lớn để tổ chức một buổi ra mắt sách long trọng.

Tiếp đó, ông chọn dịch 100 nhà thơ Đường xuất sắc sau Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và in thành một tuyển tập dày vài nghìn trang. Bên cạnh sáng tác, dịch thơ Đường, ông còn đắm mình vào thú “chơi màu sắc” với toan và sơn dầu như một họa sỹ thực thụ. Tranh Đỗ Trung Lai có những lúc được đề giá bán cao hơn cả các họa sĩ chuyên nghiệp, tiền bán tranh đủ cho ông xây được căn nhà hiện tại đang ở.

So với những người cùng tuổi, dường như Đỗ Trung Lai được “lời” hơn khi quyết định về hưu sớm, bởi nhìn lại, ông thấy mình “gặt hái” được gấp nhiều lần, tính cả về giá trị tinh thần lẫn vật chất.

Nhà văn Dương Hướng

Không ăn lương ngồi viết tiểu thuyết

Mãi đến năm 36 tuổi, nhà văn Dương Hướng mới có truyện ngắn đầu tay đăng trên Báo Hạ Long. Đến năm 1990, khi đã 41 tuổi, ông mới có tiểu thuyết đầu tiên ấn hành tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn. Viết ít nhưng tác phẩm của Dương Hướng luôn được đánh giá là “nặng ký” trong làng văn Việt Nam, tiểu thuyết “Bến không chồng” đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991.

Nhà văn kể: “Khi viết tiểu thuyết này, tôi đã xin nghỉ không ăn lương đến 6 tháng của Cục Hải quan Quảng Ninh. “Bến không chồng” được thai nghén từ lâu rồi, khi đã lên bàn viết thì tôi không ngại gì cả, chỉ ngại lực bất tòng tâm, ngại không thể hiện được những gì như mình muốn. Với ý nghĩ đó, tôi lao vào bàn viết thật say mê, viết như bị ma ám. Khi viết tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” sau này, tôi cũng nghỉ không ăn lương 6 tháng và cũng lên bàn viết cũng say mê, cũng như bị ma ám vậy”.

Dương Hướng đến với nghề văn rất hồn nhiên, không ép mình phải trở thành chuyên nghiệp bằng cách ngày nào cũng gò lưng ngồi viết như một số nhà văn từng đặt ra kỷ luật làm việc khắt khe cho mình. Ông bảo: “Tôi sáng tác vô tội vạ, chẳng có giờ giấc nào. Tôi thấy sướng là “cày” cả ngày lẫn đêm. Lúc hứng chả ai lôi được tôi đi đâu cả”.

Nổi tiếng nhờ văn chương nhưng ông vẫn luôn cảm ơn ngành hải quan đã dành cho ông cơ hội trọn vẹn cả thời gian và tâm huyết với sáng tác, mặc dù có vẻ như hai lĩnh vực trái ngược nhau hoàn toàn. Nhà văn còn cảm thấy may mắn, bởi chính ở môi trường hải quan, người cầm bút lại tránh được áp lực của cái nghiệp văn chương đeo đẳng, cho nên ông quan niệm: “Thích thì viết, đã viết thì không để ý gì, mọi sự xung quanh không là gì, không sợ mất trật tự. Có hứng thì đến cơ quan trực tôi cũng ngồi viết. Còn không hứng thì thanh vắng cũng không nặn ra chữ nào”.