Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: "Dù đúng hay sai, cần nhìn người trẻ với con mắt bao dung"

ANTD.VN - Sau cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”, cái tên Trần Quang Đức bỗng nổi bật trong giới nghiên cứu. Đặc biệt, với các dự án phục dựng trang phục cổ của người Việt, anh luôn được mời vào vị trí cố vấn. Trái ngược với sự khắt khe và dè chứng trước các dự án do người trẻ thành lập, nhà nghiên cứu trẻ này cho biết “Tôi luôn nhìn các dự án của người trẻ hơn với con mắt bao dung, họ có thể làm sai nhưng không nên đánh dập đầu ngay từ khi manh nha một ý tưởng tốt" 

PV: Anh dường như dành rất nhiều sự ưu ái cho những người trẻ trong các dự án phục dựng trang phục cổ?

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Nói thật, tôi thích hợp tác với các bạn trẻ hơn. Nhưng nói như thế, không có nghĩa tôi sẽ không hợp tác với những người có kinh nghiệm. Nhưng người trẻ với cái nhìn cởi mở, họ dễ chấp nhận những cái tưởng như vô lý. Tôi nói ngay chuyện nhuộm răng đen, khi tôi hợp tác với các đoàn làm phim, họ thường phản bác ý kiến của tôi. Nhưng người trẻ lại dễ dàng chấp nhận điều đó.

 PV: Đây có phải là lý do anh đã nhận lời làm cố vấn chuyên môn cho nhóm các bạn trẻ 9X chuyên về trang phục cổ?

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Ưu điểm của các bạn trẻ là họ nhìn nhận về văn hóa truyền thống không bị cứng nhắc và bảo thủ. Trong khi truyền thống không phải là bất biến. Mỗi triều đại lại có truyền thống khác nhau. Người trẻ nhìn xâu chuỗi theo dòng lịch sử, truyền thống xuất phát từ thời nào, sự lựa chọn của các bạn ấy là tìm các nét hay, nét đẹp để giới thiệu cho công chúng. Đó là một trong những ưu điểm rất mạnh của các bạn trẻ.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức luôn nhìn người trẻ với con mắt bao dung trước các dự án phục dựng trang phục cổ

Với các bạn trẻ của Ỷ Vân Hiên, tôi trân trọng cách làm của thế hệ 9X hướng về truyền thống. Những mẫu họa tiết, hoa văn mà các bạn lấy chủ yếu ở thời Nguyễn nên không gây ra nhiều tranh cãi. Hơn thế, việc ra mắt các dự án trang phục cổ của người Việt là một xu hướng mới mà cách đây 10 năm chưa hề có. Dù đúng, dù sai thì hướng đi đó, tôi luôn ủng hộ. Còn nếu cứ nhìn bằng con mắt khắt khe sẽ khó để xuất hiện cái mới.

PV: Được biết, Trần Quang Đức rất ít khi chê các mẫu trang phục do người trẻ dựng lại. Vì sao anh lại kiệm lời như thế trước những cái chưa được?

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Cá nhân tôi luôn nhìn người trẻ với con mắt bao dung. Các bạn trẻ làm có sai, có đúng nhưng đây là các viên gạch nền, sau các bạn ý sẽ có thế hệ kế cận làm tốt hơn nữa. Những dự án đã ra mắt, có dự án bị chê hơi hướng Hàn Quốc quá cũng là phải thôi! Bởi các bạn đã chọn triều đại nhà Lê có niên đại cách đây quá xa, các dữ kiện không còn đầy đủ. Chính vì thế, vẽ những thứ mình không nhìn thấy thì tự do, thỏa sức hơn. Còn vẽ những gì cụ thể, chỉ cần chệch đi một tý sẽ bị lên án ngay.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức

Tuy nhiên, vẫn cần những tiếng nói ngược lại để những người thực hiện hiểu rằng, không phải làm thế nào cũng được. Tất cả, người ủng hộ, người phản đối, đặt trên một bàn cờ đều cần thiết như nhau. Họ vừa nổi lên mà mình đã đánh cho dập đầu ngay thì không nên. Hơn thế, các dự án ấy đều do các bạn bỏ tiền túi ra thực hiện nên tôi trân trọng sự đóng góp của thế hệ 9X.

PV: Cái tên Trần Quang Đức giờ đang rất “hot” trong giới cổ phục. Sao anh không điền tên mình vào các dự án lớn, có tiếng vang mà lại nhận lời đồng hành cùng người trẻ?

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Thực ra với những dự án lớn có những vấn đề về chuyên môn nên đã không thể ngồi nói chuyện được với nhau. Tôi nói ví dụ như về phim, tôi muốn làm thật chuẩn chỉ thì lại không muốn, lại bảo sao giống Trung Quốc thế! Các đoàn làm phim thích làm theo lối phóng tác từ cái cũ nhiều hơn. Còn với các bạn trẻ, họ biết đâu là Lê, Nguyễn, đâu là những cái phóng tác. Người Việt bình thường bị ám thị truyền thống dựa vào tuồng, chèo. Giờ giới nghiên cứu đưa một cái chuẩn chỉ lại không quen và có điều qua tiếng lại. Dĩ nhiên, sự phổ biến kiến thức về mặt trang phục cổ là chưa có và cần có thời gian.

Nhóm Vietnam Centre tái hiện nghi lễ sắc phong Hoàng hậu thời Hậu Lê

PV: Xu hướng người trẻ tìm về cổ phục của người Việt có nói lên điều gì không, thưa anh?

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Xu hướng này là chung, không chỉ Việt Nam mà cả Hàn Quốc, Malaysia, cộng đồng Hoa kiều... cũng có phong trào về mặt trang phục, khôi phục trang phục truyền thống. Sau khi trải qua những cơn sang chấn văn hóa giữa các luồng văn hóa ngoại lai, người Việt có nhu cầu định vị lại, cái này của Việt Nam, cái kia của ngoại lai và đi sâu tìm hiểu nguyên nhân. Đó là nhu cầu chính đáng và cần cổ vũ việc tìm về truyền thống của người trẻ để họ hiểu về nguồn gốc và quá trình phát triển của dân tộc. Khi người ta đã hiểu ra thì sẽ yêu và trân trọng các giá trị cốt lõi ấy. Còn bây giờ, nhiệm vụ của người trẻ là đi tìm và củng cố, định vị lại bản sắc, văn hóa dân tộc. Còn nhiệm vụ của những người đồng hành như tôi là khích lệ, động viên người trẻ dấn thân và khám phá nhiều hơn nữa. 

Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Trần Quang Đức về cuộc trò chuyện!

Ỷ Vân Hiên được thành lập bởi nhóm các bạn trẻ 9X hướng đến bốn mục tiêu: Nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; Tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; Cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước; Tư vấn về lĩnh vực văn hóa. Đồng hành cùng Ỷ Vân Hiên là các nhà nghiên cứu, học giả có uy tín trong vai trò cố vấn chuyên môn như: Học giả Trần Quang Đức - Tác giả của công trình nghiên cứu “Ngàn năm áo mũ”; Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam Nguyễn Mạnh Đức; Nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc,...