Mua "đồ xịn" về làm tác phẩm, Nguyễn Xuân Lam khiến nhiều người phải bật cười

ANTD.VN - Nhớ lần làm tác phẩm “Múa rồng” tại phố bích họa Phùng Hưng bị người dân thiếu ý thức cậy mất chiếc thắt lưng, nên lần thực hiện tác phẩm “Múa lân” tại dự án nghệ thuật công cộng bãi Phúc Tân, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Xuân Nam đã mua hẳn “đồ xịn” từ chợ đêm...

Nằm sát trung tâm phố cổ náo nhiệt, bãi Phúc Tân nép mình dưới chân cầu Long Biên với những quán nước dựng vội, những ngôi nhà giản dị dựng san sát. Nơi náo nhiệt nhất ở đây chắc là sân chơi cho trẻ em với đủ hoạt động từ chạy nhảy, xích đu, đá bóng... Ngắm nhìn những em nhỏ chơi đùa, Xuân Lam đã  liên tưởng tới những con giống bột, hay còn gọi là tò he, một trò chơi dân gian cho trẻ em rất đặc trưng của Việt Nam. Và thế là ý tưởng làm những con tò he khổng lồ ra đời cho tác phẩm "Múa lân".

Tác phẩm "Múa lân" của Nguyễn Xuân Lam ở dự án nghệ thuật bãi Phúc Tân

Họa sĩ chia sẻ, nếu như ngày xưa, nhu cầu của người dân chỉ là "ăn no mặc ấm" nhưng ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống của người dân được nâng lên và tiêu chuẩn đã thành "Ăn ngon mặc đẹp". Giờ đây thật dễ dàng để bắt gặp hình ảnh của những thương hiệu xa xỉ nhất trên phố phường Hà Nội. Chính vì thế, anh đã tưởng tượng về hình ảnh của những em bé trong tranh "Múa lân" ngày nào giờ đã lớn, bước ra khỏi trang giấy và đi từ phố Hàng Trống dọc theo Hàng Ngang - Hàng Đào và dừng tại bãi Phúc Tân, tạo thành những cư dân đầu tiên của bãi ven sông Hồng ngày nay. 

Khác hẳn với những tác phẩm trong dự án nghệ thuật bãi Phúc Tân do nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển, tác phẩm “Múa lân” của nghệ sĩ trẻ  Xuân Nam mang vẻ đẹp bình dị, trong trẻo của trẻ thơ. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ chi tiết trong tác phẩm, người xem sẽ nhận thấy sự hóm hỉnh và giễu cợt của tác giả khi anh sử dụng hàng nhái của các hãng thời trang lớn trên thế giới như Louis Vuitton, Gucci… được mua từ chợ đêm. 

"Hàng nhái" các thương hiệu thời trang trên thế giới được Xuân Lam mua từ chợ đêm

Xuân Lam cho biết, những em bé múa lân, đánh trống, bế em trong tác phẩm đều được ăn diện trang phục đắt tiền của các hãng thời trang cao cấp. Đấy cũng là cái lạ khi người xem thưởng thức tác phẩm này. Dù lấy cảm hứng tác các bức tranh dân gian Hàng Trống, nhưng anh vẫn muốn thổi vào tác phẩm hơi thở của cuộc sống ngày nay. Mà điều dễ nhìn thấy nhất chính là trang phục của các em. Nhưng người xem sẽ dễ dàng nhận thấy, đó chỉ là hàng nhái và chắc hẳn, ai đó sẽ phải tủm tỉm cười với thủ pháp nghệ thuật này của tác giả.

Đây cũng là điểm nhấn trong tác phẩm “Múa lân” lần này của Nguyễn Xuân Lam với những dụng ý rất rõ ràng. Anh muốn chế giễu thói khoe đồ hiệu của không ít người và lối tiêu dùng sính ngoại.

Bản phác thảo đã ra đời từ tháng 3 /2019 nhưng đến tháng 12/2019 mới bắt đầu thực hiện. “Múa lân” là tác phẩm hoàn thiện muộn nhất trong 16 tác phẩm, thuộc dự án nghệ thuật biến bãi rác Phúc Tân thành địa điểm “check in” hấp dẫn giới trẻ Hà thành vì lý do thời tiết. Rút kinh nghiệm từ bức phù điêu tại phố bích họa Phùng Hưng, Nguyễn Xuân Lam đã không cho những người thiếu ý thức cơ hội phá hủy tác phẩm của mình. Cùng với những người thợ, Xuân Lam đã bắt vít, dán keo và đổ compite lên những chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm từ chiếc thắt lưng, chiếc cúc áo…. Anh hy vọng, trong vòng 5 năm, tác phẩm sẽ vẫn nguyên vẹn, chịu được nắng mưa và cả sự phá hủy của con người.

Cũng theo chia sẻ của Nguyễn Xuân Lam, được mang tác phẩm tới người dân là điều hạnh phúc với cá nhân người nghệ sĩ. Ở dự án lần này, anh không màng tới chuyện thù lao bởi đây là một dự án xã hội hóa. Cá nhân anh đi làm có lương trả theo tháng, nên anh coi đây là một cuộc chơi, một lần thử thách cá nhân mà không đề cao thu nhập.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Xuân Lam tốt nghiệp chuyên ngành hội hoạ tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2016. Sự đào tạo bài bản trong lĩnh vực hội họa truyền thống cùng với niềm đam mê thiết kế đồ họa đã khiến cho những tác phẩm của Xuân Lam luôn mang một phong cách riêng.

Điều làm nên nét đặc trưng cho các tác phẩm của Xuân Lam chính là hơi thở thời đại được thể hiện thông qua các kỹ thuật đồ họa của thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, Xuân Lam dành sự ngưỡng mỗ đặc biệt cho các họa sĩ bậc thầy như Gustav Klimt, Alphonse Mucha và Henri Matisse. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách và tư duy nghệ thuật của Xuân Lam.

Với sự sáng tạo không ngừng, Xuân Lam luôn để lại dấu ấn trong mỗi cuộc thi hay triển lãm mà mình tham dự. Tiêu biểu trong số đó là giải Nhất trong cuộc thi Photo Manipulation được tổ chức bởi diễn đàn Vietdesigner (2012), triển lãm Mỹ thuật Hà Nội năm 2014, triển lãm Mỹ thuật Hà Nội mở rộng lần thứ 3 năm 2015 và triển lãm của nhóm Hanoi Art 21 năm 2016.