Một thế kỷ vương triều Lê góp mặt trong tủ sách "Thăng long ngàn năm văn hiến"

ANTD.VN - Do GS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, cuốn sách "Vương triều Lê 1428-1527" tổng kết tương đối đầy đủ, khoa học và chuẩn xác về một thế kỷ của vương triều Lê trong lịch sử dân tộc, đã vừa ra mắt bạn đọc.

Sáng ngày 17-10 tại Hà Nội, NXB Hà Nội đã phối hợp cùng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tổ chức buổi giới thiệu sách "Không gian Lịch sử-Văn hóa Hà Nội: Tiếp cận bộ phận". Tại đây, 3 cuốn sách về Hà Nội là Vương triều Lê (1428-1527), Lịch sử Hà Nội cận đại (1883-1945) và Địa danh hành chính Thăng Long-Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay) đã được ra mắt và làm đầy thêm cho tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến". 

Trong đó, cuốn "Vương triều Lê 1428-1527" là công trình tiếp nối những cuốn sash viết về các vương triều trong lịch sử Việt Nam của tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến". Công trình tập hợp và tổng kết tương đối đầy đủ, khách quan về một trong ba vương triều rạng rỡ võ công, văn trị thời kỳ văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của đất nước, của kinh đô Đông Kinh. Một vương triều đạt được những thành tựu như vậy xứng đáng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. 

Cuốn sách giúp bạn đọc có được hình dung đầy đủ, hệ thống và toàn diện về lịch sử dân tộc trong 100 năm dưới vương triều Lê sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi, thoát khỏi ách đô hộ của nhà Minh, từng bước xây dựng, phát triển nền độc lập đạt nhiều thành tựu rực rỡ cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16.

Buổi ra mắt 3 cuốn sách về Hà Nôi có sự tham dự của các nhà khoa học uy tín

Còn cuốn "Lịch sử Hà Nội cận đại 1883-1945 của GS Phạm Hồng Tung-PGS.Ts Trần Viết Nghĩa lại là công trình tái hiện một cách chân thực và toàn diện bức tranh Hà Nội thời kỳ cận đại với các nội dung: Cuộc kháng chiến của nhân dân và các lực lượng khác chống thực dân Pháp trong những thập kỷ cuối thế kỷ 19, hệ thống cai trị của thực dân Pháp, những chuyển biến căn bản của kinh tế, văn hóa, xã hội, những hoạt động của phong trào yêu nước, phong trào vận động giải phóng dân tộc...

Với nguồn tư liệu phong phú, tin cậy, cuốn sách đem đến cho bạn đọc hình dung vai trò, vị thế của Hà Nội trong tiến trình lịch sử giai đoạn 1883-1945.

Và cuốn "Địa danh hành chính Thăng Long-Hà Nội từ đầu thế kỷ 19 đến nay" của PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên là công trình tìm hiểu, khôi phục, nghiên cứu quá trình biến đổi địa danh, nhằm tìm ra nguyên tắc cấu tạo và giá trị lịch sử-văn hóa của Thăng Long-Hà Nội. Cuốn sách tái hiện bức tranh đầy màu sắc, hết sức sinh động và khoa học về hệ thống địa danh hành chính khu vực Thăng Long- Hà Nội truyền thống (tập trung chủ yếu vào 2 huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương).

Với phương pháp nghiên cứu một cách có hệ thống từ phương thức tiếp cận khu vực học, theo tiến trình lịch sử phát triển đô thị, có kết hợp xem xét nhiều nhân tố như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, công trình cung cấp dấu mốc quan trọng trong quá trình nghiên cứu về địa danh Hà Nội xưa và nay. Cuốn sách là tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy cho bạn đọc trong quá trình tìm hiểu về Thăng Long-Hà Nội đầu thế kỷ 19 đến nay.

3 cuốn sách thuộc tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" giai đoạn 2, do các nhà khoa học thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển tổ chức biên soạn, NXB Hà Nội xuất bản năm 2019. 3 tác phẩm đã góp phần dựng lại không gian lịch sử, văn hóa Hà Nội với những mảnh ghép ấn tượng.