Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet:

"Lực hấp dẫn tự nhiên đưa tôi đến với những ngôi chùa Việt Nam"

ANTD.VN - Khoảng thời gian 30 năm qua lại Việt Nam đã biến một nhiếp ảnh gia phương Tây như Nicolas Cornet bị “Việt hóa” một cách tự nhiên như nói tiếng Việt, ăn và nấu các món Việt một cách thành thục. Đặc biệt, ông cùng nỗi lo trước sự mai một của văn hóa truyền thống của người Việt tới mức, đã làm hẳn một bộ ảnh 20.000 bức chỉ để ghi lại cảnh quan, kiến trúc những ngôi chùa mang đậm phong vị thuần Việt.  

"Lực hấp dẫn tự nhiên đưa tôi đến với những ngôi chùa Việt Nam" ảnh 1Bức ảnh chụp các Phật tử của Nicolas

- Phóng viên: Thưa ông, vì đâu mà những ngôi chùa Việt Nam đã hấp dẫn ông đến như vậy?

- Nicolas Cornet: Đó là một sự hấp dẫn rất tự nhiên. Ở phía Bắc, chùa được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, đặc biệt là những mảng điêu khắc trong chùa, rất đẹp, cổ kính, mang lại cảm giác rất đặc biệt. Chùa ở Huế lại rất chú trọng yếu tố phong thủy. Từng mảng kiến trúc, thậm chí từng cái cây, bông hoa đều mang ý nghĩa riêng. Chùa ở Huế mang đến cảm giác thiền. Khi đến đây tôi thường ngồi ở bậc thềm của chùa để ngắm nhìn xung quanh. Chùa ở Sài Gòn lại rất đa dạng, không gian cởi mở. Những ngôi chùa ở đây có rất nhiều cửa, mở rộng đón mọi người, có cảm giác như ngôi chùa vẫn sống trong lòng thành phố vậy. Người dân ở đây cũng rất cởi mở, họ đi lễ, không phân biệt đâu là chùa người Hoa, đâu là chùa người Khmer.

- Từ việc “bị hấp dẫn tự nhiên” tới việc bắt tay vào thực hiện bộ ảnh trong suốt 4 năm, hẳn là phải có cú “hích” nào đó chứ?

- Vào năm 2014, tôi muốn đến thăm một số ngôi chùa nổi tiếng mà tôi thích ở phía Bắc. Khi đến nơi, các ngôi chùa đã được “đổi mới”. Trong thực tế, thay vì được cải tạo, những ngôi chùa, kiến trúc truyền thống đã thực sự bị hư hại.

Tôi đã quyết định tạo ra dữ liệu về các ngôi chùa cổ, dưới dạng sách được chăm chút cẩn thận để ghi lại những hình ảnh vô giá. Vì tình yêu với Việt Nam, tôi mong muốn, con tôi - một nửa dòng máu trong người cháu là Việt Nam, cũng như con của những người bạn Việt Nam của tôi có thể có một ký ức đẹp về những ngôi chùa trước khi chúng biến mất vì “trùng tu”. 

- Khi ấy, những người đi lễ đã phản ứng ra sao trước sự xuất hiện của một ông Tây cứ ngồi ngày này sang ngày khác tại ngôi chùa của họ? 

- Ban đầu họ cũng lấy làm ngạc nhiên lắm! Nhưng sau đó, họ thấy tôi chỉ ngồi, quan sát họ thực hành tín ngưỡng và chụp ảnh thì họ không còn tỏ ra lạ lẫm nữa. Người Việt Nam rất niềm nở, họ chào đón tôi và lấy làm vui khi một người nước ngoài quan tâm đến những ngôi chùa ở nơi họ sinh sống. 

- Cách ông biểu thị sự tôn trọng với những người đi lễ là ngồi và quan sát? 

- Tôi biết hầu hết các nghi lễ và thực hành tôn giáo của người dân nhưng là một người nước ngoài, tôi cần phải có một cách tiếp cận không làm những người địa phương cảm thấy sợ hãi. Chính vì thế, tôi chọn cách ngồi và lặng lẽ quan sát họ. Đó cũng là một cách tôn trọng những người đi lễ của Việt Nam. Cũng nhờ đó, tôi đã lấy được lòng tin của họ rằng tôi không làm hại gì tới ngôi chùa hay những người dân địa phương. 

- Sự tin tưởng của người đi lễ dành cho ông khi đến những ngôi chùa lớn tới mức nào?

- Tôi có thể nói tiếng Việt khá tốt. Nhờ đó, tôi trò chuyện với những người đi lễ, đặt câu hỏi và chia sẻ cuộc sống với họ. Đó là sự tin tưởng rất lớn của người dân địa phương dành cho một người nước ngoài như tôi. 

- Với 30 năm qua lại Việt Nam và 4 năm tập trung cho bộ ảnh để ra đời cuốn sách “Chùa Việt Nam”, ông đã tự nhận mình là người Việt Nam thực sự hay chưa?

- Vợ tôi là người Việt Nam. Cô ấy là một bác sỹ y khoa thực hành tại Pháp. Cứ 5 năm một lần, tôi và vợ lại về Việt Nam trong các kỳ nghỉ, đồng thời thăm gia đình bố mẹ vợ ở Huế. Với một xuất xứ như thế, tôi cũng đã bị ảnh hưởng bởi thói quen, nếp sống của người Việt. Đặc biệt, với 4 năm rong ruổi trên nhiều vùng đất, đi đến nhiều ngôi chùa, tôi đã học cách ăn chay. Tôi đã xin các sư thầy được vào bếp để học cách nấu các món ăn chay và giờ thì tôi đã rất thành thục với công việc này.

Phải nói, các món ăn chay do người Việt làm rất ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng lại dễ thưởng thức. Tôi còn tự tay nấu các món ăn này cho vợ và các con cùng ăn. Dù vậy, tôi chỉ dám nhận mình là một người phương Tây bị ảnh hưởng của Việt Nam, chứ là người Việt Nam thật sự thì chưa. Cứ thử nhìn cách người Việt đặt niềm tin vào đạo Phật với sự thành kính, ngưỡng mộ thì một người phương Tây như tôi chưa làm được. 

- Trong cuộc sống đời thường, ông giải tỏa căng thẳng theo cách nào? 

- Đến mỗi nước tôi đều quan tâm đến tôn giáo cũng như văn hóa của dân tộc đó, vì đó là cách để tìm hiểu được nét đặc sắc của dân tộc đó. Với 4 năm thực hiện bộ ảnh này, tôi đã tập thiền và thiền đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Thiền giúp tôi biết cách hít thở, biết cách làm mới hơi thở. Thiền giúp tôi kết nối với bản thân, thay đổi mối quan hệ giữa tôi và người khác. Tôi nghĩ là tôi đã nhìn cuộc đời khác hơn.

- Những bức ảnh ông chụp về chùa Việt Nam liệu sẽ có mặt tại một cuộc thi  nhiếp ảnh nào đó? 

- Bản thân tôi không quan tâm nhiều đến các cuộc thi. Với tôi nhiếp ảnh rất đỗi đời thường. Tôi chụp các bức ảnh  này để lưu lại kiến trúc, điêu khắc tại các ngôi chùa cổ rất đẹp của Việt Nam. Khi đến những nơi tôi dự định chụp ảnh, tôi ở cùng, ăn cùng, sống cùng người dân. Tôi cảm thấy tôi thuộc cộng đồng đó, chứ không phải người nước ngoài. Tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc đời thường. Lý do tôi thực hiện bộ ảnh chỉ có vậy. 

- Sau dự án “Chùa Việt Nam”, ông sẽ tiếp tục các dự án nghệ thuật khác tại Việt Nam?

- Tất nhiên là có chứ. Tôi sẽ thực hiện nhiều dự án hình ảnh khác như: tổ chức một cuộc hội thảo để giúp các nhiếp ảnh gia Việt Nam thực hành nhiếp ảnh và nâng cao kiến thức của họ về bộ môn này. Vào năm 2019, tôi sẽ tổ chức triển lãm ảnh và sách của tôi tại Huế và Đà Nẵng. 

- Xin cảm ông về cuộc trò chuyện!

"Lực hấp dẫn tự nhiên đưa tôi đến với những ngôi chùa Việt Nam" ảnh 2
Nicolas Cornet, 55 tuổi, người Pháp. Từng là phóng viên ảnh cho các tờ báo và tạp chí như L'espresso, Mare, Le Monde, D-La Repubblica, Siette Leguas, El Mundo, Figaro Magazine… nghệ sĩ đã nhiều lần triển lãm ở các nước: Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Cuốn sách “Chùa Việt Nam” của Nicolas chia làm 5 chương, 2 chương đầu để nói về các ngôi chùa ở miền Bắc: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Bổ Đà (Bắc Giang), chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Đậu, chùa Hương, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, chùa Trấn Quốc (Hà Nội)…