Lễ hội Thành Tuyên: Sản phẩm du lịch độc đáo

ANTD.VN - Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng 8 âm lịch, du khách thập phương lại nườm nượp đổ về Tuyên Quang để trải nghiệm không khí Trung thu riêng có ở đây. Các nhà hàng, khách sạn lúc nào cũng tình trạng quá tải, nhiều khách phải chuyển sang ở dịch vụ homestay ở vùng ven thành phố. Có thể nói, mỗi mùa lễ hội đi qua là động lực, cú hích để du lịch tỉnh nhà phát triển.

Lễ hội Thành Tuyên được manh nha hình thành từ năm 2004, khi những tổ dân phố tự phát làm mô hình đèn Trung thu hình thù các con giống cỡ lớn. Việc các tổ dân phố kéo mô hình đi trên đường phố khiến người dân tò mò, thích thú. Tổ này làm được, rồi tổ kia cũng làm, dần trở thành một phong trào tự giác.

Nhận thấy đây là nhu cầu chính đáng của người dân, UBND thị xã Tuyên Quang khi đó đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, cho thi mô hình. Điều bất ngờ là tiếng vang của Lễ hội Thành Tuyên ngày càng bay xa, trở thành một lễ hội đường phố độc đáo vượt qua khuôn khổ của một lễ hội Trung thu truyền thống chỉ dành riêng cho con trẻ.

Lễ hội Thành Tuyên hình thành từ ý tưởng của một số tổ dân phố vào dịp Trung thu

Sức lôi cuốn của Lễ hội Thành Tuyên hừng hực, lan tỏa, khiến UBND tỉnh quyết định nâng cấp thành lễ hội cấp tỉnh vào năm 2014.

Ông Nguyễn Vũ Phan - Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - khẳng định, mỗi năm Lễ hội Thành Tuyên được gắn với một chủ đề mới. Như năm 2015 gắn với “Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ V năm 2015”. Mùa lễ hội năm 2016 gắn với Chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 8. Năm 2017 gắn với Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và năm 2018 với chủ đề Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất.

Sự phố hợp nhịp nhàng, khoa học giữa tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khiến cho Lễ hội thêm phần sôi động, tăng tính giới thiệu quảng bá các loại hình văn hóa ra công chúng và giới truyền thông, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ngoài ra, gian hàng của các huyện, thành phố trong tỉnh có cơ hội quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những đặc sản, nông sản, ẩm thực nổi trội của địa phương mình.

Những hình ảnh rước ấn tượng trong Lễ hội Thành Tuyên

Từ khi tổ chức Lễ hội Thành Tuyên đến nay, diện mạo du lịch của Tuyên Quang đã có những thay đổi rõ rệt. Năm 2010, tổng lượng khách du lịch lên Tuyên Quang là 530 nghìn lượt người, đến năm 2017 là trên 1,4 triệu lượt du khách, trong đó có lượng khách không nhỏ của Lễ hội Thành Tuyên.

Nếu như vào năm 2010, toàn tỉnh mới có 129 cơ sở lưu trú du lịch thì đến năm 2017, lên tới hơn 1.000 cơ sở lưu trú, trong đó có 130 khách sạn. Hiện nay, tỉnh có trên 13.000 lao động tham gia trong các hoạt động, dịch vụ du lịch, trong đó lượng lao động trực tiếp có trên 3.000 người.

Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên được gắn với Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 20 đến 23-9-2018 tại thành phố Tuyên Quang. Một số loại hình văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu được trình diễn như: Cồng chiêng Tây Nguyên (Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam), Dân ca Quan họ (Bắc Giang), Đờn ca tài tử (Bạc Liêu), Dân ca Ví, Giặm (Hà Tĩnh), Khèn Mông (Hà Giang), Chầu văn (Nam Định), Xòe Thái (Sơn La); Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), Hát Bài Chòi (Quảng Nam), Hát then của dân tộc Tày, Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; Nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu (Tuyên Quang)…

Điểm mới nữa của lễ hội 2018 là việc nhiều tổ dân phố đăng ký, làm mô hình mới với chất lượng nghệ thuật cao. Đã có hơn 70 mô hình được đăng ký, thành phố tạo mọi điều kiện, khuyến khích nghệ nhân các tổ sáng tạo ra các mô hình chất lượng.

Tuyên Quang rực rỡ sắc màu trong những ngày lễ hội

Bà Khương Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ 4, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) phấn khởi nói, vào năm 2017, tổ 4 giành giải nhất với mô hình “Chim Phượng Hoàng”. Năm nay cả tổ bàn bạc thống nhất làm mô hình “Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận”, ai cũng ủng hộ đóng góp. Nhờ vậy mà công việc huy động nguồn lực bằng việc xã hội hóa diễn ra khá thuận lợi, khi có sự đồng lòng vào cuộc từ chính các hộ dân.

Bà Tươi chia sẻ, để nâng tầm lễ hội theo đúng tinh thần của Ban tổ chức, tổ 4 đã tập trung trí tuệ để thiết kế ra mô hình có tính nghệ thuật cao nhất, cống hiến sự mãn nhãn cho người xem.

Thời điểm này, dòng người đổ về thành phố Tuyên Quang ngày càng đông. Vào buổi tối, trên các tuyến phố hàng trăm mô hình diễn diễu, trảy hội, thúc giục du khách đến với lễ hội có mô hình Trung thu lớn nhất Việt Nam để trải nghiệm.