Ký ức nghệ thuật hồi sinh trong bức tranh đa sắc cho phố Gầm Cầu - Phùng Hưng

ANTD.VN - Tháng 7-2017, UBND TP Hà Nội công bố ý tưởng đục thông 127 vòm cầu từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên, kiến tạo không gian đô thị, thiết lập địa điểm sinh hoạt cộng đồng nhằm làm tăng giá trị văn hóa Thủ đô. Ngay lập tức ý tưởng này đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía các kiến trúc sư, các nhà văn hóa cũng như người dân Thủ đô. Để từng bước triển khai hiện thực hóa ý tưởng này, một phố bích họa khổ lớn đã dần hình thành trên đoạn phố Phùng Hưng nối từ Lê Văn Linh tới Hàng Cót.

Ký ức nghệ thuật hồi sinh trong bức tranh đa sắc cho phố Gầm Cầu - Phùng Hưng ảnh 1Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1 của tổng dự án tác động vào 127 vòm cầu. Ảnh: LAM THANH

Chính thức triển khai từ ngày 3-11, 4 bức bích họa đầu tiên ở khu vực các vòm cầu số 56, 58, 59, 74 đã dần hình thành. 14 bức bích họa còn lại sẽ được triển khai và dự kiến hoàn thiện vào cuối tháng 11 này. Để chuẩn bị cho sự ra đời của không gian nghệ thuật, tại các đoạn vỉa hè này đang được chỉnh trang, hứa hẹn nơi đây trở thành một con phố nghệ thuật.

Đây chỉ là bước đầu tiên cho ý tưởng đục thông 127 vòm cầu đường sắt cổ dọc phố Phùng Hưng. Sau khi dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” hoàn thành, năm 2018, sẽ bắt tay vào nghiên cứu để đục thông các vòm cầu như đề xuất. Riêng đoạn 18 vòm cầu vẽ bích họa dự kiến sẽ được giữ nguyên. “Việc giữ lại một số vòm cầu nhất định với những cách trang trí riêng cũng là cách làm hay để tạo nên bức tranh đa sắc cho vòm cầu”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết.

Việc làm đẹp cho “phố vòm cầu” đang được UBND TP Hà Nội cho phép người dân Thủ đô và những người yêu Hà Nội có quyền hy vọng về một con phố nghệ thuật, nơi kết nối lịch sử và hiện tại, nơi ký ức nghệ thuật hồi sinh và cũng là nơi thực sự dành cho nghệ thuật cộng đồng.

“Việc đục thông vòm cầu chính là khôi phục lại giá trị nguyên bản, kết hợp với đời sống đương đại như ý tưởng của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là đưa vào đó các hoạt động nghệ thuật, trung tâm sáng tạo, đặc biệt là đánh thức nghệ thuật cộng đồng, bảo tồn di sản đô thị”.

Ông Phạm Tuấn Long (Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, cầu Long Biên, đường dẫn cầu Long Biên và không gian phụ cận được xác định nằm trong quần thể di sản đô thị. Có thể bây giờ chưa được xếp hạng, nhưng trong tương lai nhất định sẽ được xếp hạng. Trong xu thế hiện nay, việc sắp xếp lại không gian công cộng cho hiệu quả là nhiệm vụ mà UBND quận Hoàn Kiếm đang tính đến. Việc đục thông vòm cầu chính là khôi phục lại giá trị nguyên bản, kết hợp với đời sống đương đại như ý tưởng của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là đưa vào đó các hoạt động nghệ thuật, trung tâm sáng tạo, đặc biệt là đánh thức nghệ thuật cộng đồng, bảo tồn di sản đô thị. 

Ví dụ cụ thể, trước khi phố đi bộ quanh hồ Gươm được hình thành thì tuyến đường quanh hồ cũng chỉ đơn thuần phục vụ giao thông, nhưng khi nơi này trở thành phố đi bộ vào 3 ngày cuối tuần thì nó thực sự trở thành một không gian văn hóa. 

Hiện tại trong khu vực phố cổ có 3 tuyến phố đi bộ gồm có: Tuyến Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy; tuyến Đào Duy Từ - Tạ Hiện, cùng phố đi bộ Hoàn Kiếm. Nếu tuyến phố đi bộ Phùng Hưng ra đời, tuy là dự án thành phần sẽ là dự án hạt nhân lan tỏa trong phát huy di sản đô thị. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm, trong quy hoạch tương lai toàn bộ khu phố cổ sẽ trở thành phố đi bộ. Việc này xác định lâu dài, làm từng bước, vừa làm vừa nghiên cứu, điều chỉnh sao cho đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của người dân cũng như du khách, đồng thời thúc đẩy thương mại.

Dự kiến, ngay sau khi các bức bích họa được hoàn thành, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ có phương án bảo vệ, phát huy giá trị với việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc phát huy giá trị đoạn vòm cầu Long Biên thuộc di tích Khu phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm. Bộ VH-TT&DL cho rằng, việc trang trí và sử dụng không gian một số vòm đá tại đường dẫn lên cầu Long Biên góp phần tôn tạo và phát huy giá trị Khu phố cổ Hà Nội trong tổng thể di sản đô thị Hà Nội. Do đó, Bộ VH-TT&DL cơ bản đồng tình với chủ trương nêu trên của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên cũng lưu ý một số vấn đề như: Đánh giá kết cấu, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho việc khai thác các vòm đá dưới cầu. Cần có phương án cụ thể về quản lý, sử dụng vỉa hè, tuyến phố để đảm bảo cảnh quan và tầm nhìn dành cho các bích họa, chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt lưu ý tổ chức vệ sinh công cộng, phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cũng lưu ý việc lựa chọn đề tài nội dung bích họa và các loại hình tổ chức bên trong vòm đá cần tham khảo ý kiến các nhà khoa học có liên quan và cộng đồng nhân dân trong khu vực.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc sử dụng các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên. Trong đó, thống nhất chủ trương triển khai vẽ bích họa trang trí 26 vòm cầu (giai đoạn 1) đoạn từ ngã ba phố Lê Văn Linh - Phùng Hưng đến Hàng Cót. Đảm bảo nguyên tắc không thay đổi hình dạng, kích thước và đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, có biện pháp gia cố kết cấu chịu lực của công trình cầu để đảm bảo khả năng chịu lực khi khai thác chạy tàu.

Việc khai thác sử dụng không gian bên trong các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên (giai đoạn 2) đề nghị tiến hành kiểm định, đánh giá khả năng chịu tải và có giải pháp gia cố phù hợp để phá dỡ các vòm tiếp theo nhằm đảm bảo an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt…