"Kỳ nhân tiền cổ" Hà thành và bộ sưu tập chân dung nhỏ nhất Việt Nam

ANTD.VN - Danh họa Bùi Xuân Phái vẽ chân dung bạn bè không phải chuyện gì đặc biệt. Nhưng khi ông Phái vẽ nhà giáo Nguyễn Bá Đạm lại tạo nên điểm khác lạ. Đó là những bức tranh chân dung nhỏ nhất Việt Nam được vẽ trên bao diêm gồm 12 bức.

"Kỳ nhân tiền cổ" Hà thành và bộ sưu tập chân dung nhỏ nhất Việt Nam ảnh 1Ông Nguyễn Bá Đạm nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội 2018

Người bạn thuở hàn vi của danh họa Bùi Xuân Phái

Ông Nguyễn Bá Đạm vốn là một thầy giáo dạy môn Sử. Việc ông kết bạn và trở thành tri kỷ với giới văn nghệ sĩ như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng… cũng là cái duyên và là cái lạ mà cho tới ngày nay, con trai của họa sĩ Bùi Xuân Phái (họa sĩ Bùi Thanh Phương) cũng không lý giải nổi. 

Trong trí nhớ của họa sỹ Bùi Thanh Phương, ông Đạm ít nói, hay cười hiền lành, cá tính của ông cũng điềm đạm như chính cái tên của cụ vậy. “Nhớ lại, tôi thấy ông giáo Đạm là người gần gũi và hiểu rõ cái tài cái tình của ông Phái, và cách ứng xử của ông giáo Đạm với Bùi Xuân Phái là đúng mực nhất so với tất cả các nhà sưu tập thời đó”, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết. 

Ông Đạm đến chơi nhà họa sĩ Phái mỗi ngày. Và vì tâm đầu ý hợp nên ông cũng chính là người mẫu được danh họa vẽ nhiều nhất. Cho tới nay, theo con số thống kê, Bùi Xuân Phái đã vẽ hơn 200 bức chân dung, với đủ các chất liệu. Ngoài ra, đặc biệt và ấn tượng nhất là ông giáo Đạm còn có một bộ tranh chân dung do Bùi Xuân Phái vẽ trên vỏ... bao diêm. Những bức chân dung nhỏ xíu, có thể nói đó là bộ tranh chân dung nhỏ nhất Việt Nam. 

Ông Đạm đã làm bạn với họa sĩ Bùi Xuân Phái từ thuở hàn vi, khoảng thập niên 60, 70. Lúc đó, gia đình ông Phái còn nghèo, sống ở căn gác chật chội trên phố Thuốc Bắc. Đặc biệt, với nhà ông Phái, ông giáo Đạm còn là ân nhân từng giúp đỡ gia đình những ngày còn khó khăn. Chuyện là, vào khoảng năm 1964, bà Phái nói với chồng xem thử vay mượn bạn bè một số tiền để làm cái gác xép cho ông có xưởng vẽ. Với tính cách của ông Phái và lòng tự trọng của một nghệ sĩ, đó quả là việc làm khó khăn. Nhưng vì chiều vợ, ông Phái đành cất công đi vay tiền nhưng không vay được của ai cả. Cuối cùng, ông chợt nhớ ra ông giáo Đạm. Thay vì đưa ra nhiều lý do để từ chối, vợ chồng ông giáo Đạm vui vẻ cho mượn ngay lại còn cho người nhà đưa Bùi Xuân Phái về tận nhà. 

Vinh dự nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội

Với số tiền ấy, gia đình đã làm cho họa sĩ Bùi Xuân Phái một xưởng vẽ riêng trên căn gác xép thiếu ánh sáng và chật chội, chỉ với diện tích 8 thước vuông. Từ đây, ông đã có không gian riêng để sáng tạo nghệ thuật. Sau khi trả món nợ ấy, nhiều chục năm sau, ông Phái vẫn nhớ ân huệ của Nguyễn Bá Đạm, người đã giúp đỡ ông trong lúc khốn khó. 

Đó cũng có thể là lý do khiến ông giáo Đạm là người mẫu được ông Phái vẽ nhiều nhất. Ban đầu là các bức ký họa, rồi vẽ trên vỏ bao diêm nhưng về sau, ông giáo đã đặt danh họa vẽ hoặc mua để sở hữu các bức tranh to hơn, chứ không còn xin nữa. Từ một nhà giáo với niềm đam mê sưu tầm tiền cổ, ông giáo Đạm đã nhập cuộc sưu tầm tranh và có được kiến thức hiểu biết sành sỏi về hội họa bắt nguồn từ cụ Phái. 

Dù nắm trong tay bộ sưu tập quý giá, thế nhưng, ông giáo Đạm lại tự tay bán đi những bức tranh ấy để lấy tiền theo đuổi niềm đam mê sưu tập tiền cổ. Vì vậy, nhiều bức chân dung về người mẫu đặc biệt này đang lưu lạc ở trời Tây. 

Năm nay đã 97 tuổi, ông Nguyễn Bá Đạm vẫn minh mẫn. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2018. Với những người chơi đồ cổ ở Hà Nội, ông Đạm được biết đến là “kỳ nhân tiền cổ”. 

Những bức tranh vẽ ông giáo Đạm sẽ có mặt tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn, 63 Hàm Long, Hà Nội từ ngày 1-9-2019 nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái. Các tác phẩm này nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm tranh Tira Vanichtheeranont (Thái Lan).