Kịch ma, siêu thực làm nàng Kiều "biến hóa khôn lường" trên sàn diễn

ANTD.VN - Không hẹn mà thành, năm 2019, sân khấu Việt sẽ liên tiếp đón nhận các vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Nàng Kiều sẽ biến hóa khôn lường dưới bàn tay dàn dựng của các đạo diễn và ở đó, nhiều thủ pháp nghệ thuật và quan điểm nghệ thuật khác nhau, thậm chí là trái chiều sẽ được ra mắt khán giả.

Đầu tiên, dự án “Kiều” do Viện Goethe hỗ trợ sẽ ra mắt khán giả vào tháng 10/2019. Có đến 4 đạo diễn sẽ cùng dàn dựng, mỗi tác phẩm có thời lượng 20-25 phút.

4 đạo diễn gồm: đạo diễn Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ), đạo diễn Trần Lực (đoàn kịch xã hội hóa LucTeam), đạo diễn Lê Quốc Nam (sân khấu kịch Hồng Vân) và nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer.

Với một tác phẩm đồ sộ như Truyện Kiều nhưng thời lượng tác phẩm chưa đến nửa tiếng đồng hồ, đã tạo ra những thách thức không nhỏ với cả 4 đạo diễn đầy kinh nghiệm của Việt Nam và Đức. Tuy nhiên, khó khăn lại tạo ra động lực để mỗi đạo diễn thể hiện cách nhìn nhận của riêng mình. Trong đó, điểm chung ở cả 4 cách dựng là những lát cắt về thân phận người phụ nữ theo cách nhìn hiện đại.

Cảnh diễn Kiều bán mình trong vở múa đương đại "Truyện Kiều" Ảnh: Ninh Hạ

Nếu như đạo diễn Như Lai có ý định nhờ tác giả Nguyễn Thu Phương chấp bút kịch bản với 4 chủ đề: Định mệnh, tình yêu, thân phận và tự do thông qua hình thức kịch đương đại và kịch đọc, thì đạo diễn Lê Quốc Nam lại tự tay viết kịch bản và khai thác phân đoạn Kiều trả thù những kẻ đã rắp tâm hãm hại mình, dùng thủ pháp kịch kinh dị bên cạnh sử dụng vũ đạo. Trong khi đó, đạo diễn Trần Lực sẽ tiếp tục hợp tác với Đỗ Trí Hùng viết kịch bản và anh sẽ trung thành với lối dựng kịch của Lucteam là sử dụng ngôn ngữ sân khấu ước lệ.

Chưa hết, Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa khởi công dàn dựng vở “Thân phận nàng Kiều”. Thúy Kiều sẽ xuất hiện trong tác phẩm với một hình hài hoàn toàn khác, khác rất nhiều so với các vở kịch nói, múa hay tuồng chèo đã dàn dựng trước đây. Theo tiết lộ của ê kíp, trừ 2 nhân vật Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều và một số nhân vật khác sẽ được tạo hình theo lối siêu thực, ước lệ, rất phiêu mà vẫn chuyển tải được thông điệp của thời đại.

“Tôi sẽ không xây dựng một nàng Kiều giống như các loại sân khấu khác đã từng thể hiện. Nếu nghệ thuật múa rối bắt chước những loại hình sân khấu khác dựng Kiều thì chắc chắn sẽ thất bại. Mọi tình tiết, cảnh trí trong “Thân phận nàng Kiều” sẽ được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối, bằng không gian, ánh sáng trừu tượng mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại”, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng là đạo diễn của vở khẳng định.

Ở sân khấu phía Nam, Nhà hát Thế giới Trẻ đã đưa lên sàn tập vở “Kiếp hồng nhan”, tác giả Lê Chí Trung viết dựa trên Truyện Kiều và dự kiến ra mắt vào tháng 8-2019.

Một trong những điều đặc biệt nhất của Kiếp hồng nhan là kịch bản được viết theo kiểu “đo ni đóng giày” cho từng diễn viên của Nhà hát Thế Giới Trẻ. Các nhân vật ở Kiếp hồng nhan không thay đổi tính cách so với các nhân vật của Truyện Kiều, nhưng được khai thác thêm những chi tiết, cá tính và cả thế mạnh ngoại hình, diễn xuất… của từng diễn viên.

Khác biệt ở Kiếp hồng nhan còn là việc xây dựng tình huống, khai thác tâm trạng, cảm xúc… của nhân vật “phía sau” những vần thơ Nguyễn Du. Với cách kết cấu kịch bản này, Hoạn Thư hứa hẹn sẽ là một trong những nhân vật đa chiều và tạo được nhiều điểm nhấn. Đó có thể nói là một vở diễn hiện đại, không dùng thơ của Nguyễn Du nhưng xem vở vẫn thấy… rất Nguyễn Du bằng việc nhấn mạnh vào các nhân vật biểu tượng như: Kiều, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh…

"Kiều" của NSND Anh Tú trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Thảo Vân

Trước đó, tháng 6/2019, biên đạo múa Yoo Oh Chum đến từ đất nước Hàn Quốc đã “trình làng” vở múa đương đại “Truyện Kiều” tại TP.HCM. Ở vở diễn này, bà đã sử dụng tới 3 nàng Kiều thay vì một cô Kiều xuyên suốt toàn tác phẩm.

Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến đã thể hiện những cao trào xung đột và nội tâm phức tạp của nàng Kiều, diễn viên múa Nguyễn Thu Trang đảm nhận vai diễn thể hiện linh hồn của Kiều, còn Phan Tiểu Ly là nàng Kiều thứ ba – “tương lai của Kiều”.

Khán giả đã hoàn toàn bị thuyết phục vì được thưởng thức một tuyệt phẩm văn học dưới hình thức nghệ thuật đương đại, đẹp lộng lẫy cùng sự kết hợp thăng hoa của âm nhạc và nghệ thuật trình diễn.

Với 3 dự án sắp ra mắt và 1 vở múa đương đại đã “trình làng”, nàng Kiều sẽ xuất hiện trước khán giả với nhiều sắc thái khác nhau, cho dù các tác phẩm này có cùng chung một cái gốc là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Điều đó minh chứng cho sức sống trường tồn và sức hút của tác phẩm văn học này đối với các nhà viết kịch và đạo diễn sân khấu.