Không phải cứ đi lễ rồi nhét tiền vào tay thánh thần hay lễ lạt to là cầu được ước thấy

ANTD.VN -Cảnh chen chúc, xô lấn nhau rồi đua nhau dâng sao giải hạn hay những biến tướng tâm linh không còn mới với mùa lễ hội đầu xuân. Căn nguyên của những điều này xuất phát từ niềm tin mù quáng của phần lớn người dân vào thánh thần. Trong khi kiến thức và tâm thế đi lễ chùa mới là hai điều quan trọng.

Tục đi lễ chùa đầu năm vốn đã trở thành một tập quán đặc trưng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Tại Hà Nội thì các ngôi đền, chùa, điện, phủ luôn tấp nập người đến trong dịp đầu xuân này.

Mâm cao lễ to, ai hưởng đầu tiên?

Phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, chùa Trấn Quốc… là những di tích nổi tiếng ở Hà Nội. Lượng người đổ về đây lên tới cả vạn lượt dịp đầu năm. Theo Ban quản lý các địa điểm này thì bắt đầu từ đêm 30 Tết cho tới Rằm tháng Giêng thì lượng khách luôn ở mức cao điểm, lên tới hàng ngàn du khách một ngày về đây tham quan hay lễ bái.

Đến Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) người ta dễ dàng thấy cảnh ngàn người chen chân nhau. Các con đường dẫn vào phủ như Xuân Diệu hay Yên Phụ tắc kẹt cứng vào thời điểm ban trưa vì đây là lúc cao điểm lượng người đổ về đây. Dù Ban quản lý đã bố trí bãi để xe rộng cả trăm nghìn mét vuông nhưng cũng không đủ, người ra kẻ vào nườm nượp. Hai cổng ra vào Phủ đều chen chúc nhau khiến lực lượng an ninh cật lực làm việc. Các gánh hàng rong bị cấm hoạt động trong phạm vi xung quanh Phủ để tránh tắc đường.

Nhiều người đi sớm để chen chân đặt lễ tại Phủ Tây Hồ

Tại sân Phủ, do số lượng lễ quá nhiều nên một chiếc bàn 2 tầng bên ngoài sân được thiết kế thêm nhưng cũng không đáp ứng đủ số mâm lễ được đặt lên. Không chỉ người già mà ngay cả những người trẻ cũng cảm thấy uể oải vì bị xô đẩy, chen chúc.

“Đi lễ Phủ đầu năm đã trở thành thói quen của gia đình tôi rồi. Sắm một mâm lễ to một chút để mong được Mẫu chứng giám rồi phù hộ cho lộc làm ăn”, vợ chồng anh Vũ Đức Minh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

Không chật chội, bon chen nhau như ở Phủ Tây Hồ nhưng Thăng Long Tứ trấn – 4 ngôi đền linh thiêng nhất tại Hà Nội cũng luôn trong cảnh đông đúc. Bởi những ngôi đền này được biết đến là những địa điểm đi lễ nổi tiếng xin công danh, tài lộc với những người dân học tập và làm việc tại Hà Nội.

Thăng Long Tứ trấn bao gồm 4 ngôi đền ngự ở 4 phía của kinh thành Thăng Long nhằm giữ bình an và cho người dân sống no ấm. Đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) trấn ở phía Đông thờ thần Long Đỗ - Quảng lợi Bạch Mã đại vương; đền Voi Phục (Thụy Khuê) trấn ở phía Tây thờ Linh Lang Đại Vương; đền Quán Thánh (đường Thanh Niên) trấn ở phía Bắc thờ Huyền Thiên Trấn Vũ và cuối cùng là đền Kim Liên (phường Kim Liên) trấn phía Nam.

Ngay từ 10h sáng thì bãi để xe của đền Bạch Mã đã chật cứng và nhiều người lựa chọn giải pháp khác là gửi tại nhà dân xung quanh với giá khoảng 10.000 đồng/lượt. Càng về trưa chiều thì lượng người đổ về lại càng đông, nhiều đoàn khách đứng đợi bên ngoài khi nào vãn thì vào. Do đi lễ Tứ trấn khá đơn giản, có thể không cần lễ nên không có cảnh người người phải mướt mải đội lễ lên đầu như ở nơi khác.

Lượng người đi lễ đông nên các dịch vụ ăn mùa lễ hội được mùa đắt hàng như tôm tươi. Một đoạn đường ngay cổng Phủ Tây Hồ đã có cả vài chục ông thầy viết sớ, thầy nào thầy nấy cũng bận rộn luôn tay vì khách đông.

Chị Đào Thị Thoa (Cầu Giấy, Hà Nội), một người giao giấy sớ ở đây được 4 năm cho biết nếu như ngày thường thì khi nào người ta gọi điện mới cầm giấy qua nhưng những ngày này thì không cần gọi vì ngày nào hết ngày ấy. Các quán bán vàng mã xung quanh cũng được mùa thu hoạch như vậy.

Quán bánh tôm gần cổng Phủ Tây Hồ

Tay không, dụng cụ chế biến đồ ăn ngay dưới đất là điểm chung của rất nhiều quán ăn ở xung quanh đền, chùa nhưng không vì thế mà vắng khách. Ngược lại quán nào cũng phủ kín bàn, giá cũng tăng hơn so với ngày thường và nhân viên vẫn cứ đon đả đứng ra tận đường mời khách vào.

Chưa biết thánh thần phù hộ cho họ được hưởng như nào nhưng người được hưởng nhiều nhất thì lại chính là những dịch vụ ăn theo này.

Kiến thức và tâm thế mới là quan trọng

Trong số hàng vạn người đi lễ chùa thì không phải ai đi lễ cũng hiểu được ý nghĩa thực sự của việc đi đền chùa đầu năm. Thậm chí nhiều người còn chẳng biết ngôi đền này thờ ai, chỉ thấy đồn thiêng là sắm lễ to đi khấn. Phần vì tâm lý đám đông, khi thấy người ta kéo đi nên cũng đi cho bằng người.

Chị Nguyễn Thu Huệ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi lễ đầu năm tại Đền Voi Phục cho biết “Tôi ít khi đi lễ còn hôm nay đi cùng cơ quan vì thấy mọi người truyền tai nhau là xin công danh ở đây thiêng lắm”.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, người có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng rất nhiều người Việt tấp nập kéo về lễ chùa đầu năm bằng lòng tham, sân, si, với tâm lý “mặc cả với thánh thần”. Nhiều người bị cuồng vào niềm tin với thánh thần, lễ lạt cả tiền triệu những mong được thần thánh phù cho một năm mới được thăng quan tiến chức, học hành thi cử đỗ đạt, mọi mong cầu trở thành hiện thực. Mong cầu không xấu nhưng nhiều người đi vào guồng mê muội mà tự hạ thấp mình.

Thực chất, việc đi lễ thì cần có “tâm” và “tín” nhưng nhiều người đang mù quáng với chữ “tín”. Ông cha xưa vẫn dạy rằng đi lễ là để có đức tin và thể hiện tín ngưỡng nhất tâm hướng Phật, mong cho những nỗ lực được đền đáp chứ không phải khấn gì được lấy mà không cần làm. Có người khấn xin sức khỏe nhưng quanh năm bia rượu, thuốc lá tàn phá sức khỏe. Có người xin tài lộc mà không chịu khó làm ăn thì chẳng biết Thánh, Phật nào ban lộc được.

Hay thậm chí “Người ta cứ khấn vái xin thần thánh cho công danh rồi bình an, phát lộc nhưng khấn xong chỉ biết mình mà tiện tay xả rác bừa bãi ra chùa thì không biết có linh ứng được không”, bà Vũ Thị Thành, nhân viên vệ sinh ở Đền Bạch Mã bày tỏ.

Vốn dĩ người ta tìm đến chốn chùa chiền là để tâm thanh tịnh, khơi dậy thiện niệm của chính bản thân. Nhưng trong đời sống hiện đại ngày nay thì nhiều tư tưởng bị lệch lạc về ý nghĩa của việc đi lễ.

Một môi trường văn hóa mang bản sắc dân tộc thì cần sự tham gia tích cực và tổng thể từ người dân tới các cơ quan quản lý liên quan. Với người dân thì điều quan trọng nhất khi đi lễ chùa chính là kiến thức về đền, chùa và tâm thế khi đến lễ bái. Chẳng có quan điểm nào của nhà Phật dạy rằng phải mâm cao lễ to thì mới thiêng.

Về phía các nhà quản lý văn hóa cần cho người dân nhiều cơ hội để thực sự hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của việc tham dự lễ hội để có thái độ ứng xử hợp lý. Giá trị đi lễ chùa không nằm ở mâm lễ to, nhét tiền đầy tay thánh thần mà ở tâm người đi và những việc làm thiết thực trong đời sống cá nhân.