Không ngủ ở Mũi Đôi - nơi đón nắng sớm đầu tiên trên đất liền

ANTD.VN - Tia sáng mặt trời đầu tiên đến sớm hơn Mũi Điện (tỉnh Phú Yên) 4 giây nên về lý thuyết Mũi Đôi (nằm trên bán đảo Hòn Gốm, tỉnh Khánh Hòa) được coi là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Khác với Mũi Điện, hành trình đến Mũi Đôi vất vả hơn và luôn thách thức những phượt thủ bởi cung đường phải vượt qua đồi cát, ven biển, ghềnh đá và cả những cánh rừng nguyên sinh…

Hành trình đến cực Đông thôi thúc các phượt thủ

Hành trình gian nan

Nói một cách chính xác thì Mũi Đôi thuộc làng chài Đầm Môn, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nó cách thành phố Nha Trang khoảng 80km theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc, và cách thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 35km về hướng Nam. Đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) cũng khẳng định, căn cứ vào hồ sơ di tích quốc gia lưu trữ tại Cục thì Mũi Đôi thuộc di tích Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Đầu), có tọa độ 109o27’55’’ kinh độ Đông. Còn Mũi Điện thuộc di tích Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn, có tọa độ 109o27’06’’ kinh độ Đông. Như vậy, Mũi Đôi nằm cách xa hơn mũi Điện về phía Đông, là điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam. 

Gọi là Mũi Đôi bởi vì tại một vị trí có 2 doi đá cùng nhô ra biển. Mũi Đôi còn có tên khác là Mũi Bà Dầu, nơi đây có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp với các kết cấu đá đã tạo thành những kỳ tác muôn hình, muôn vẻ. Đặc biệt, Mũi Đôi còn là nơi đón ánh bình minh sớm nhất của ngày mới trên dải đất hình chữ S. Ngày 25-3-2005, Mũi Đôi đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng Di tích quốc gia. Để đến được với cực Đông, có thể đi bằng đường bộ hoặc đường biển. Những năm gần đây, khi du lịch phát triển, nhiều người muốn khám phá cực Đông nhưng không đủ sức khỏe đã lựa chọn đến cực Đông và về trong ngày bằng tàu từ bãi Rạng.

Sau đó chỉ vượt khoảng 1km đường ghềnh đá là có thể chạm tay vào đỉnh chóp được xây dựng trên một vách đá cao 7m sát mép biển. Dù đi đường biển khá đơn giản, nhưng lại không hấp dẫn các phượt thủ bằng đường bộ. Với dân phượt chuyên nghiệp, quãng đường 12km qua cồn cát, xuyên những cánh rừng và núi cao là không hề khó, nhưng với những người mới bắt đầu thì lại là một câu chuyện khác. Để trải nghiệm hành trình đến với cực Đông bằng đường bộ, chúng tôi đã phải dành hàng tháng trời tập luyện đi bộ khoảng 10km/ngày, trên vai đeo một chiếc ba lô nặng 3kg và kết thúc là cố gắng leo được nhiều cầu thang nhất có thể. 

Ở Mũi Đôi không có nhà nghỉ hay khách sạn, trên tuyến đường chúng tôi đi qua thỉnh thoảng mới gặp những căn nhà xây dang dở, còn phần lớn là những căn lều dựng tạm nương vào tán cây râm mát, vài ba chiếc bát ăn cơm, can nhựa vứt chỏng chơ. Cao Xuân Toàn, nhân viên Công ty Giang Nam Tourist, hướng dẫn viên du lịch của nhóm chúng tôi cho hay, những ngôi nhà đó từng là một resort đã được triển khai xây dựng từ nhiều năm trước. Do gặp bão cộng với số vốn bỏ vào đây quá lớn nên về sau nhà đầu tư đành bỏ cuộc. Tìm cách chinh phục và phượt cực Đông được coi là 1 trong những thử thách mà hầu hết các bạn yêu du lịch đều muốn vượt qua. 

Sự trải nghiệm mạo hiểm

Những tour du lịch thông thường đều được mua bảo hiểm, nhưng riêng với hành trình đến cực Đông thì không có chuyện đó. Bởi khi đã lựa chọn chuyến đi, khách du lịch sẽ không có đường lùi, dù mệt đứt hơi thì bạn vẫn phải đến đích và nơi ấy không dành cho những người sức khỏe kém hay bệnh tật. 

Trên đường từ thị trấn Vạn Giã đến Đầm Môn, bên tay phải là dải đất chạy dọc ra biển đẹp tuyệt vời có thể cho lữ khách những bức ảnh độc đáo. Một con đường cao tốc rộng thênh thang, hai bên là không gian ngút tầm mắt phủ đầy cát, nhấp nhô núi đồi, khiến ta tưởng như đang ở miền viễn Tây nước Mỹ. Sau đoạn này, du khách bắt đầu “nếm mùi” gian nan. Chúng tôi không lựa chọn xe máy mà hành quân bộ bắt đầu từ con đường đẹp như mơ ấy.

Ngày chúng tôi lên đường là đầu tháng 4, cũng là thời điểm cuối mùa khô, sức nóng của cát phả lên mặt, từng bước chân nặng nhọc vì cát lún dưới chân khiến ai cũng có cảm giác mệt mỏi, ngột ngạt, khó thở. Những đoàn dùng xe máy để di chuyển cũng không hề đơn giản. Việc đi qua những con dốc cao như núi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi cát phủ dày như sa mạc, xe bị lún tới mức không dựng chân chống mà vẫn tự đứng được. Dưới cái nắng chang chang, không ít người đã nản lòng vì trong quá trình liên tục vít ga, đẩy xe đến mỏi nhừ tay, cát bắn tung lên mặt người đẩy phía sau, chân chôn sâu xuống mặt cát nóng mà không gian phía trước vẫn mênh mông một màu trắng. 

Bữa trưa ngả vội ở một bãi đất bằng phẳng với thực đơn giản dị là bánh mỳ, giò chả, nem Ninh Hòa, chúng tôi tự chế cho mình những chỗ ngả lưng bằng tấm ván để chuẩn bị cho chặng đường còn lại cũng không kém phần gian nan phía trước. Cao Xuân Toàn động viên chúng tôi, chặng đường phía trước sẽ đi xuyên rừng nên không khí sẽ dịu mát hơn. Nhưng anh ta không hề cảnh báo về những quả núi mà chúng tôi sẽ phải vượt qua. 

Chỉ khi đứng dưới tán rừng mát rượi, chúng tôi mới biết hành trình phía trước là dốc đứng với 3 lần lên xuống các đỉnh núi. Khi lên thì thở dốc, khi xuống những bàn chân phải bấm chặt vào đất hoặc đồi cát, nhưng dù sao thì đi xuống cũng đỡ hơn leo lên. Tùy tình trạng sức khỏe, sau nhiều giờ băng rừng vượt núi, du khách sẽ tới được bãi Rạng vào cuối giờ chiều. Đây không chỉ là bãi đất rộng sát biển mà còn có kho chứa đồ của công ty tổ chức chương trình treckking đến Mũi Đôi. Một bữa hải sản tưng bừng từ chiếc ba lô con cóc của Toàn cộng thêm việc ngủ ở “khách sạn ngàn sao” là điều không ai ngờ tới.  

Khi đồng hồ chỉ 4h30 sáng, chúng tôi lục tục chuẩn bị đồ dùng cá nhân để hoàn thành nốt quãng hành trình còn lại. Khoảng cách từ bãi Rạng tới Mũi Đôi là 1km nhưng sẽ mất khoảng 45 phút đến 1 giờ nhảy ghềnh hoặc chui qua những khe đá mà du khách phải nằm rạp xuống mới lách qua được. Con đường toàn những tảng đá lớn nằm san sát chồng lên nhau, đôi khi có những vách cheo leo khá nguy hiểm.

Thử thách cuối cùng trước khi chạm tay được vào chóp inox là bám dây thừng để trèo lên tảng đá lớn nhất cao 7m. Đây hẳn là điều khó khăn với nhiều bạn gái, tuy nhiên người dẫn đường luôn đem theo dây bảo hộ và sẽ giúp tất cả leo một cách dễ dàng. Và cảm xúc sẽ vỡ òa khi bạn chạm tay vào mốc cùng đón ánh bình minh rực rỡ.

Hy vọng cho ngày mai

Hướng dẫn viên Cao Xuân Toàn cho hay, vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra đến điểm tập kết dừng chân khá khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, chặng đường “hành xác” khoảng 12km dưới trời nắng khô khiến các phượt thủ phải tự mang nước cho mình, đó là nguyên nhân rác thải nhựa trên đường đi rất nhiều dù tuyến đường này vắng người qua lại. Mỗi năm, Giang Nam Tourist lại tổ chức một tour du lịch 0 đồng đến Mũi Đôi với mục đích thu gom rác thải nhựa, nhưng thực sự không kêu gọi được nhiều người chung tay vì môi trường. 

Không chỉ nguy hiểm vì đường đi, đường đến Mũi Đôi còn không đảm bảo về an ninh trật tự. Vì là khu vực vắng người qua lại nên trộm cắp xảy ra khá thường xuyên. Lợi dụng việc du khách để đồ đạc tại bãi Rạng để vượt ghềnh vào lúc sáng sớm, một số đối tượng đã lấy trộm tài sản của họ. Hoặc đồ ăn, nước uống cất trong kho của các công ty du lịch cũng dễ bị những người đi kiếm cây cảnh “hỏi thăm”. “Có du khách mang theo nhiều tiền, trang sức đã bị kẻ gian khoắng sạch. Cứ tưởng nơi thâm sơn cùng cốc này sẽ không có trộm, nhưng hoàn toàn… nhầm” - Cao Xuân Toàn chia sẻ. 

Lãnh đạo huyện Vạn Ninh cũng nhìn nhận, cùng với nhiều địa danh du lịch khác của Khánh Hòa, Mũi Đôi cũng đang trở thành vùng đất tiềm năng. Nhưng đường bộ để đến đây khá gian nan và chưa đảm bảo an toàn, do đó địa phương đang xây dựng phương án để nơi đây trở thành một địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách. Nhiều năm về trước, Mũi Điện cũng khó đi như Mũi Đôi, nhưng giờ đây đã dễ dàng hơn nhiều bởi những con đường bê tông đưa khách du lịch ra tận nơi. Mong một ngày nào đó Mũi Đôi cũng sẽ có dự án đầu tư, vẫn giữ được vẻ thiên nhiên hoang dã, vẫn là những trải nghiệm kỳ thú và giữ được môi trường xanh cho tương lai...

Tin cùng chuyên mục