Không nên chờ “cháy” mới “chữa”

(ANTĐ) - Cả tuần qua dư luận xôn xao về việc một đoạn tường của Hoàng thành Thăng Long vừa xuất lộ trong quá trình thi công tuyến đường Văn Cao - hồ Tây đoạn qua đường Hoàng Hoa Thám, thì đã nhanh chóng bị máy xúc san phẳng.

Không nên chờ “cháy” mới “chữa”

(ANTĐ) - Cả tuần qua dư luận xôn xao về việc một đoạn tường của Hoàng thành Thăng Long vừa xuất lộ trong quá trình thi công tuyến đường Văn Cao - hồ Tây đoạn qua đường Hoàng Hoa Thám, thì đã nhanh chóng bị máy xúc san phẳng.

Đường Hoàng Hoa Thám đang được thi công gấp rút
Đường Hoàng Hoa Thám đang được thi công gấp rút

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, đoạn thành này đã từng được nhắc đến trong bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1490, Cục Di sản văn hóa cũng cho biết, đã từng cảnh báo về chuyện này từ vào năm  2006... Nhưng rồi đơn vị thi công lại cự nự rằng, đoạn đường Hoàng Hoa Thám chưa từng là di tích.

Những vụ “chữa cháy” điển hình

Nếu điểm lại các vụ khai quật trong thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội, mới thấy, chuyện “chữa cháy” còn nhiều hơn cả việc “phòng cháy”. Là mảnh đất có bề dày hơn 1.000 năm lịch sử, vì thế có thể khẳng định rằng, ở Hà Nội đào đâu cũng thấy di vật. Diễn ra gần như cùng thời điểm với cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long năm 2002, một cuộc khai quật lớn cũng đã được tiến hành tại 62- 64 Trần Phú, tổng diện tích các hố đào lên tới gần 3.000m2, điểm gây được sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu là việc xuất lộ nhiều đoạn móng tường kè hào bằng đá ong - gạch vồ - đá xanh, móng tường thành bằng gạch ngói với cùng đất sét đầm chặt diện tích từ 1 đến 2m2.

Dấu vết kiến trúc xuất lộ tại Di chỉ Đàn Xã Tắc trong khi thi công nút giao thông Kim Liên - Ô Chợ Dừa

Dấu vết kiến trúc xuất lộ tại Di chỉ Đàn Xã Tắc trong khi thi công nút giao thông Kim Liên - Ô Chợ Dừa

Đây chính là dấu tích còn lại của “Trấn Bắc thành” thời Nguyễn do vua Gia Long cho xây dựng. Đến năm 2006, khi thi công tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, di tích Đàn Xã Tắc xuất lộ, thêm một cuộc “khai quật chữa cháy” nữa lại được thực hiện. Rồi trước khi xây dựng tòa B tháp Vincom cũng có một cuộc khai quật được thực hiện nhằm vớt vát chút gì sót lại của di chỉ Đàn Nam Giao....

Rất cần một bản đồ quy hoạch khảo cổ học

Đầu năm 2010, dư luận xôn xao khi di chỉ Vườn Chuối - thôn Lai Xá, xã Kim Chung huyện Hoài Đức, một di chỉ có niên đại cách ngày nay từ 3.000 đến 3.300 năm với các dấu tích phản ánh quá trình phát triển của cư dân Việt cổ về văn hóa, đời sống, sản xuất thời kỳ tiền sơ sử, văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho đến văn hóa Đông Sơn... đã nằm gọn trong quy hoạch Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Theo bản đồ quy hoạch chi tiết, tổng diện tích xây dựng là 170,29ha, diện tích đất ở là 41,45ha.

Ngoài ra, quy hoạch này còn dành đất cho các công trình hỗn hợp, công viên cây xanh, đường giao thông, bãi đỗ xe. Nếu được triển khai, toàn bộ “Khu bảo tàng dưới lòng đất Vườn Chuối” sẽ bị xóa sổ. Quay trở lại chuyện của tuyến đường Văn Cao - hồ Tây. Không phải bây giờ khi đơn vị thi công xúc cả đoạn tường của Hoàng thành Thăng Long đổ đi thì các nhà nghiên cứu lịch sử mới biết, bởi trước đó, căn cứ vào bản đồ Hoàng thành Thăng Long được vua Lê Thánh Tông cho vẽ vào năm 1490 thì đã biết được rằng, khu vực đường Hoàng Hoa Thám có thành bao bên ngoài.

Chỉ có điều, vị trí cụ thể của đoạn tường đó ở đâu thì chưa ai xác định được. Cách đây vài năm, cố GS Trần Quốc Vượng đã cùng một số đồng nghiệp của mình đề nghị các cơ quan chức năng xếp hạng để bảo tồn tuyến đường Hoàng Hoa Thám, sau này nếu có điều kiện sẽ tiến hành nghiên cứu. Nhưng đề nghị này cho đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Chưa phải là di tích, không nằm trong bất cứ một bản đồ quy hoạch khảo cổ nào, vì thế đơn vị thi công khẳng định rằng họ không có lỗi. Đương nhiên, họ cũng có cái lý để biện minh cho hành động của mình.

Trong khoản 3, điều 37, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đã quy định: “Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di vật cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...”. Nếu áp điều khoản này mà kết luận chủ dự án và đơn vị thi công là “đã sai” thì điều chắc chắn mà công luận nhận được sẽ là: “Chúng tôi có phải nhà chuyên môn đâu mà nhận ra được đâu là tầng văn hóa Lý-Trần-Lê”...

Đoạn tường của Hoàng thành Thăng Long tại đường Hoàng Hoa Thám có thuộc thời Lý - Trần hay không thì còn phải nghiên cứu tiếp, nhưng GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia chắc chắn rằng, đó chính là dấu tích Hoàng thành thời Lê. Thôi thì, không biết thì đổ tại “bất tri bất trách”, nếu đã biết rồi thì điều cần nhất bây giờ là phải ứng xử với những di tích còn nằm sâu dưới lòng đất đó thế nào?

Không chỉ là riêng vấn đề của Dự án đường Văn Cao - hồ Tây, Hà Nội còn vô số các di chỉ quý giá khác mà vì những lý do này kia, các nhà nghiên cứu lịch sử chưa “với tay” tới được. Vẫn biết, giữa bảo tồn và phát triển luôn tồn tại mâu thuẫn và xung đột. Không thể bảo tồn mọi di vật, di chỉ dưới lòng đất Thăng Long - đó là điều cực đoan và không tưởng. Nhưng cũng không thể viện cớ phát triển, hiện đại để xóa đi những giá trị tinh thần của quá khứ, bởi thiếu nó, còn đâu hồn cốt Thăng Long?

Trước áp lực phát triển đô thị, đã đến lúc phải nâng cao hơn nữa vai trò của Khảo cổ học đô thị, quan trọng hơn là thiết lập một bản đồ quy hoạch khảo cổ học Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Có như thế thì mới tránh được những việc đáng tiếc, và khi đã có được bản đồ quy hoạch khảo cổ học thì các nhà khoa học mới chủ động “phòng cháy”, chứ không phải cứ mãi chạy theo “chữa cháy” như hiện nay.

Vân Quế