Khát vọng chấn hưng đất nước (3): Hai lần đi sứ nhà Minh

ANTD.VN - Cuối năm 1427, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi. Năm sau, Lê Lợi lên ngôi vua, khai sáng vương triều Lê. Để đặt bang giao và giải quyết các vấn đề mà cuộc chiến để lại, vua Lê đã cử sứ thần sang Trung Quốc.

Khát vọng chấn hưng đất nước (3): Hai lần đi sứ nhà Minh ảnh 1

Cổng vào đền thờ Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh

Trong thời gian làm quan, Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh đã 2 lần được cử sang Trung Quốc, đó là năm 1443 và 1459 với những chính sách bang giao quan trọng nhằm bình ổn quan hệ hai nước.

Lần đi sứ thứ nhất

Theo Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, trong bất kỳ một cuộc viếng thăm bang giao nào thì bối cảnh chính trị cũng đều là điều cốt lõi. Ở thời điểm nhà Lê cử sứ giả sang Trung Quốc, năm Quý Hợi 1443 là năm thứ nhất, niên hiệu Thái Hòa đời vua Lê Nhân Tông. Khi ấy Lê Nhân Tông mới 3 tuổi, việc nước do Thái hậu quyết định.

Như sách “Đại Việt sử ký toàn thư - kỷ nhà Lê”, ghi vào ngày 26 tháng 11 năm Quý Hợi, triều đình nhà Lê sai “Tham tri bạ tịch Trình Dục, Nội mật viện chánh chưởng Trình Thanh và Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Khắc Hiếu sang nước Minh tạ ơn việc sách phong”. Theo PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, Viện Sử học, để hiểu hơn về nghi lễ bang giao truyền thống liên quan đến việc sách phong này, chúng ta cần hiểu hơn về bối cảnh quan hệ hai nước thời ấy.

Năm 1427, nhân dân ta giành thắng lợi trước cuộc xâm lược của nhà Minh. Năm sau, Lê Lợi lên ngôi vua. Trong quan hệ giữa nhà Lê và nhà Minh có nhiều điều tồn tại cần giải quyết. Một trong những vấn đề quan trọng mà nhà Lê đặt ra là yêu cầu nhà Minh phải công nhận Lê Lợi là người trị vì chính thức nước Đại Việt ngày ấy và phải phong vương cho Lê Lợi.

Triều Minh do Minh Tuyên Tông đứng đầu chỉ chấp nhận Lê Lợi là người “Quyền coi việc nước”. Lê Lợi qua đời năm 1433, Lê Thái Tông lên ngôi năm 1434 nhưng nhà Minh cũng vẫn chỉ công nhận như vua cha. Năm 1435, Tuyên Tông mất, Anh Tông lên ngôi hoàng đế và chính sách có chút thay đổi.

Năm 1436, Minh Anh Tông quyết định phong Lê Thái Tông làm “An Nam Quốc vương” và đến tháng Giêng năm Đinh Tỵ 1437 cho sứ bộ mang sách phong “Quốc vương” cho Lê Thái Tông. Năm 1442, Lê Thái Tông mất tại Lệ Chi Viên trong thời gian đi tuần ở miền Đông.

Lê Nhân Tông nối ngôi, ngày 25 tháng 11, nhà Minh sai sứ thần sang phong Lê Nhân Tông làm “An Nam Quốc vương” và ngày 26, tức ngày hôm sau, sứ bộ Hoàng Trình Thanh lên đường sang cảm ơn nhà Minh như “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép. Những diễn biến trong cuộc đi sứ lần này của Hoàng Trình Thanh không được sử sách ghi chép tỉ mỉ nên hậu thế chỉ có thể dựa vào vài dòng viết ngắn gọn trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và biết được việc sứ bộ sang để cảm ơn triều Minh. 

Lần đi sứ thứ hai

Khát vọng chấn hưng đất nước (3): Hai lần đi sứ nhà Minh ảnh 2

Bia ghi công trạng ở đền thờ Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh ở Đa Sỹ

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép: Năm Kỷ Mão 1459, “Nghi Dân sai Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ, Hoàng Thanh, Nguyễn Nghiêu Tư sang nước Minh nộp cống hàng năm và xin bỏ việc mò ngọc trai”. Lê Nghi Dân làm vua vào năm 1459 và lúc này với câu văn trong sách sử “xin bỏ việc mò ngọc trai” làm cho người đời dễ hiểu là “xin nhà Minh bãi bỏ việc bắt ta mò ngọc trai”.

Nhưng theo giải thích của PGS.TS Tạ Ngọc Liễn thì nguyên văn chữ Hán lại khác, đó là “sang nhà Minh nộp cống và giải đáp về việc mò ngọc trai”. Ông Liễn đặt câu hỏi: Tại sao sứ bộ của Hoàng Trình Thanh lại có nhiệm vụ giải đáp về việc mò ngọc trai?

Đó là một câu chuyện dài và còn nhiều nghi vấn. Theo tìm hiểu của ông Liễn, ở Quảng Đông (Trung Quốc) là vùng biển sản sinh nhiều ngọc trai, nổi tiếng nhất là Ao Châu (Châu Trì) ở Hợp Phố thuộc Châu Liêm.

Một bộ sử của nhà Minh là “Minh thực lục” có chép: Trong tờ biểu văn của viên Trấn thủ Quảng Đông gửi về triều đình năm 1457 báo cáo việc thuyền của Việt Nam đến mò trộm ngọc trai: “Thuyền hai cột buồm do người Việt điều khiển... lúc nhiều lên tới 150 chiếc, không ngày nào không đến lấy trộm ngọc trai”. Minh Anh Tông đã gửi chỉ dụ sang nước ta trách cứ về chuyện này.

Bởi vậy, năm 1459, nhân cử sứ bộ sang triều cống, nhà Lê cũng gửi thư phúc đáp nói rõ về một số tội nhân lén lút giao thiệp với các con buôn ở Châu Khâm và Châu Liêm để xâm nhập Ao Châu. Đó chính là một trong những nguyên nhân để nhà Lê phải cử sứ bộ sang Yên Kinh nói rõ về việc này, chứ không phải xin nhà Minh bỏ việc mò ngọc trai để triều cống.

Vào năm 1469, tức khoảng 10 năm sau khi sứ bộ Hoàng Trình Thanh sang sứ nhà Minh thì vấn đề ngọc trai lại thành một điểm nóng. Theo lời tâu về triều đình nhà Minh của Trần Di là viên quan giữ Ao Châu ở Quảng Đông thì trong tháng 5 năm đó, hơn 10 chiếc thuyền đã vào khai thác trộm ngọc trai.

Cùng năm, khi sứ bộ triều cống nước ta rời Yên Kinh về nước, triều đình nhà Minh đã trao cho họ tờ sắc dụ yêu cầu triều đình nhà Lê quản lý nghiêm hơn ngư dân của mình. Tháng 10 năm 1470, sứ thần Quách Đình Bảo được triều Lê cử sang Trung Quốc để trình bày về vấn đề ngọc trai.

 Tâm hồn thi sĩ

Khát vọng chấn hưng đất nước (3): Hai lần đi sứ nhà Minh ảnh 3

Dù đã được công nhận là di tích, nhưng phần mộ của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh vẫn rất đơn sơ

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ của danh sĩ Hoàng Trình Thanh cho biết: “Tuy Hoàng Trình Thanh là nhà chính trị, nhà ngoại giao nhưng tâm hồn vẫn rất lãng tử. Một phần, cũng bởi xuất thân từ nho lâm, vốn ngôn ngữ phong phú nên khi trên đường đi sứ cũng thường tức cảnh vịnh thơ”.

Nhiều nhà khoa học đánh giá về tài năng thi ca của Hoàng Trình Thanh, trong số đó, có nhiều bài được được liệt hàng tuyệt bút. Chẳng hạn như tác phẩm “Chu bạc Quảng Đông thư hoài” nói về tâm trạng người xa xứ khi tết đến xuân về. Nỗi nhớ quê hương đất nước, nhớ gia đình vợ con, bạn bè.

Theo ông Xương, nhiều bài thơ của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh được sao trích trong nhiều cuốn sử. Những bài thơ của ông như những “cuốn sử” thời cuộc mà thi sĩ Hoàng Trình Thanh như một nhà viết sử chân thật của thời đại.

(Còn nữa)