Hoàng Thành Thăng Long cũng quét vôi mới: Bảo quản chứ không phải trùng tu?

ANTD.VN - Di tích Đoan Môn, cổng chính dẫn vào Hoàng thành Thăng Long mới đây đã được quét màu vôi mới, khiến cho những người đã từng biết đến Di sản thế giới với vẻ rêu phong, cổ kính lại có phần không quen mắt.

Việc quét vôi mới ở Đoan Môn được thực hiện từ giữa tháng tháng 12-2016 và dự kiến kéo dài đến ngày 20-1-2017 (23-12 âm lịch). Trao đổi với báo chí chiều ngày 16-1, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long cho biết, hoạt động này nhằm bảo quản di tích, chống bị rêu mốc, xuống cấp. Giải thích về việc vì sao lại quét vôi vàng , ông cho biết thêm “lớp vôi ve được giữ đúng màu nguyên bản. Tường gạch nên được quét vôi, nếu dùng xi măng và sơn thì sẽ dễ bị ngưng tụ nước, khiến tường nhanh bị mốc và rêu”.

Đoan Môn - lối vào Hoàng thành Thăng Long vừa được quét vôi vàng

Ông Trần Việt Anh cũng nói rõ, đơn vị đã dùng phương pháp truyền thống là trộn vôi với cát và rất ít xi măng để vá những phần gạch bị lộ ra ngoài. Ngoài ra không quét thêm gì khác. Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long cũng nhấn mạnh, việc quét vôi cho Đoan Môn là hoạt động bảo quản, chứ không phải trùng tu.

Theo đơn vị thi công, vệc làm này để tránh cho di tích khỏi bị ẩm, mốc

Việc sửa sang, làm vệ sinh là điều kiện cần, tránh cho di tích bị xuống cấp. Nhưng gần đây nó bỗng biến thành đề tài “nóng”. Cụ thể là một số hạng mục trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám bỗng được quét lên lớp vôi trắng xám khiến cho dư luận được "một phen dậy sóng". Cũng với câu chuyện tương tự, đơn vị chịu trách nhiệm thi công cho biết chỉ sử dụng than bùn và vôi để quét lên tường, tránh nấm mốc, rêu bám và cam đoan không làm ảnh hưởng đến bộ mặt di tích. Tuy nhiên, lời giải thích này cũng không được lòng công chúng cũng như giới chuyên môn khi cho rằng nơi Thánh đường đạo học uy nghi đã được “khoác” một chiếc áo mới.

Diện mạo Ô Quan Chưởng sau trùng tu vướng nhiều tranh cãi

Năm 2010, dự án trùng tu Ô Quan Chưởng do Viện Bảo tồn di tích chịu trách nhiệm thực hiện cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Với nhiều người dân Hà Nội, việc trùng tu Ô Quan Chưởng đã làm cho cửa ô duy nhất còn sót lại của Hà Nội đánh mất vẻ xù xì, thô ráp, cổ kính, rêu phong ban đầu. Những hàng gạch có phần chỉn chu, những bức tường được xây trát thẳng tắp trong con mắt của nhiều người, đẹp thì có đẹp, nhưng kém duyên. Bởi cái cũ đôi khi có thể xộc xệch không hợp thời, nhưng nó đã trở thành quen mắt với đại bộ phận người dân. Và hơn hết, chính cái cũ, cái không hợp thời ấy làm nên cái hồn di sản.

Thế nên những người hoài nhớ cái cổ, cái xưa cũng có cái cớ để mà lo lắng. Biết bao giờ sơn mới nhạt, di tích mới “cũ” trở lại?