Hậu Covid – 19: "Du lịch xanh" liệu có thể trở thành trọng tâm tại Việt Nam?

ANTD.VN - Những điểm đến gần gũi với thiên nhiên, sử dụng dịch vụ đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường hay ưu tiên chất lượng… đang được nhiều chuyên gia nước ngoài dự báo là trọng tâm trong mùa du lịch tới, nếu dịch Covid – 19 được kiểm soát.

Theo ghi nhận ý kiến từ nhiều chuyên gia đăng tải trên tờ The Guardian (ngày 28/5) về tình hình chung của ngành du lịch thế giới, Covid-19 đã mang lại những lợi ích môi trường khác thường: không khí sạch hơn, lượng khí thải carbon thấp hơn… Câu hỏi lớn lúc này là liệu chúng ta có thể tận dụng thời điểm này!

Nhiều thành phố tại châu Âu quay lại với “du lịch xanh”

Ông James Thornton, Giám đốc điều hành của Intrepid Travel trả lời trên tờ The Guardian rằng: “Trong suốt thời kỳ “ngủ đông” này, chúng ta đã thấy được lợi ích đối với thiên nhiên và khí hậu. Ví dụ đơn giản như người dân ở Venice nhìn được cá trong nước kênh, từ Ấn Độ có thể nhìn thấy dãy Himalaya và mọi người đã có thời gian để nghỉ ngơi, nhìn lại mình. Du khách cũng nhận thức rõ hơn về tác động của du lịch đối với môi trường và cộng đồng, nơi mà họ ghé thăm”.

Đường mòn Runkerry ở Bắc Ireland: du lịch chậm hơn có thể bao gồm nhiều xe lửa và xe đạp hơn. (Ảnh: David Lyons / Alamy)

Cho tới thời điểm hiện tại, một số nơi trên thế giới, du lịch có dấu hiệu phục hồi dù các chuyến bay quốc tế chưa xác định thời gian hoạt động bình thường lại. Chính vì vậy, theo dự đoán, dường như du lịch dành sự tập trung vào đổi mới việc di chuyển chậm hơn, cung cấp nhiều chuyến khởi hành trái mùa, trong đó có những chuyến đi dã ngoại và chăm sóc sức khỏe được quan tâm nhất.

“Chúng tôi sẽ tìm cách đưa du lịch đến các khu vực thực sự có lợi nhưng nó phải được thực hiện đúng cách. Tôi hy vọng rằng một xu hướng du lịch mới, chậm hơn sẽ xuất hiện nhưng sự phục hồi cần phải đủ chậm để ngành công nghiệp này đưa ra quyết định đúng đắn khi nó đứng lên lên từ đống tro tàn”, ông Paola Mar, Ủy viên hội đồng thành phố Venice trả lời phóng viên của The Guardian.

Ngành kinh tế mũi nhọn này sẽ tìm ra một hướng đi mới, thích nghi với một thị trường toàn cầu, nhưng tính bền vững có thể là trung tâm của một mô hình du lịch. Rõ ràng là cuộc khủng hoảng lần này đã chỉ ra rằng có bao nhiêu khu vực trên thế giới phụ thuộc vào du lịch. 

Tuy nhiên, bản chất của sản phẩm du lịch có thay đổi như thế nào thì vẫn có thể dự đoán. Đây là thời điểm tốt để ngành du lịch tái cấu trúc.

Khách du lịch tại Quảng trường St Mark gần như trống rỗng, Venice, trong tháng 5.

(Ảnh: Manuel Silvestri / Reuters)

Tại Venice, nơi từng đón 25 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, hiện chính quyền đang cho tạm dừng để chọn du lịch lấy cốt lõi là bền vững và chất lượng, kêu gọi người dân địa phương quay trở về định cư. Bên cạnh đó, chính quyền còn thảo luận với trường đại học về việc cho sinh viên thuê các điểm du lịch hay khôi phục những công trình cũ thành nhà ở xã hội.

Amsterdam đón 18,3 triệu lượt khách du lịch trong năm 2019 nhưng hiện đang chững lại. Thành phố hy vọng, thay vì chỉ nhìn nhận đó là khó khăn thì đây sẽ là chất xúc tác cho du lịch. Chính quyền cùng các đơn vị kinh doanh du lịch nhấn mạnh về việc hết sức cẩn trọng cho việc mở cửa trở lại, phát triển ngành du lịch bền vững, không gây hại cho thành phố và lôi kéo người dân địa phương.

Tại Barcelona, Athens, Paris hay Berlin đang đánh giá lại các ưu tiên phát triển du lịch, cân bằng nguồn khách. Hiện thực hóa một phần kế hoạch này, các thành phố đang dần triển khai những con phố dành riêng cho người đi bộ, đi xe đạp…

“Du lịch xanh” liệu có mới tại Việt Nam?

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ban hành quy định số 1356/QĐ-BVHTTDL về  Quy định trình tự, thủ tục đánh giá và cấp thí điểm Chứng nhận Nhãn Du lịch bền vững “Bông sen xanh” cho các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam.

““Du lịch xanh” không phải là xu hướng mà là tính chất. Rõ ràng khi chưa mở cửa đường bay quốc tế thì khách nội địa sẽ tìm đến những điểm du lịch trong nước, tìm lại những gì mang tính chất truyền thống, hoài niệm. Châu Âu có tốc độ đô thị hóa cao nên dĩ nhiên nhiều người tìm đến các vùng nông thôn để khám phá”, ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty cổ phần Hanoi Redtours nhận định xu hướng “du lịch xanh”.

Cũng tương đồng như vậy, theo bà Hương Lan, giảng viên Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, “du lịch xanh” không hẳn mới có mà có từ trước đó nhưng tại Việt Nam thì điểm “du lịch xanh” còn chưa phổ biến, hoặc chỉ tồn tại được một thời gian.

Chính vì vậy, nhiều công ty du lịch, các hãng lữ hành đang đi chọn hướng khác cho cao điểm mùa du lịch tới. Trong đó, an toàn – chi phí – yếu tố mới là ba điểm mà các hãng tập trung mạnh nhất.

Xét về tiêu chí an toàn, rõ ràng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến Covid – 19 đã làm nổi bật vị trí của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, gây sự tò mò cho cả khách nội địa và khách quốc tế. Dường như tâm lý e ngại đám đông sau dịch Covid - 19 ở Việt Nam ở mức thấp.

Còn về chi phí, các công ty lữ hành hiện tung ra các khuyến mãi chưa từng có và chất lượng nâng cao hơn. Nhiều khu nghỉ dưỡng trước đây vốn phù hợp với chi tiêu của khách quốc tế thì nay nhiều khách Việt hoàn toàn có thể trải nghiệm với chi phí phải chăng.

Cuối cùng, yếu tố mới không thể thiếu cho mùa cao điểm du lịch tới, thậm chí là còn để giữ liên lạc với khách quốc tế. Điểm đến mới và dịch vụ mới đang được các công ty du lịch xây dựng nhằm tái cấu trúc thị trường nguồn khách, không để lỡ nhịp khi du lịch quốc tế mở cửa.

Trước đó, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về việc nhân sự ngành du lịch chuyển sang ngành khác do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Nhưng theo ghi nhận từ các công ty du lịch, sự dịch chuyển này mang tính chất ngắn hạn và hiện nay nhiều người quay lại. Bởi đây là ngành đem lại nguồn thu nhập cao, tương đối ổn định và đặc biệt với những người có kỹ năng cao nhanh chóng được tận dụng.