Hai người trên hoang đảo

ANTD.VN - Không ít những người đàn ông từng ít nhất một lần trong đời mơ tưởng được dạt lên một hòn đảo hoang với một cô gái xinh đẹp và cũng không ít phụ nữ mơ đến ngày được dạt lên đảo vắng với một người đàn ông quyến rũ. Ở đó có những bụi dây leo rậm rì bí ẩn, những bãi cát vàng ruộm nuôi sóng vỗ bờ và những đêm trăng trên bờ biển, ánh sáng dát bạc phủ đầy dãy núi đá hoang sơ.

 Câu chuyện này được bắt đầu như thế. Nó xuất phát từ trên boong con tàu mang tên “Âm thanh của biển khơi”. Đó là một con tàu du lịch năm sao chu du quanh Vịnh Đá Trăng. Tàu chỉ có ba tầng, nhưng chở đầy những khách du lịch sang trọng và lịch lãm. Tối đầu tiên, “Âm thanh của biển khơi” đã tổ chức dạ hội.

Trong tiệc khiêu vũ, có hai điểm sáng rất nổi bật, chính là hai nhân vật chính duy nhất của câu chuyện này. Chàng có vẻ là người Nam Âu với sống mũi kiểu Hy Lạp và một vết xanh của bộ râu quai nón mới cạo trên gò má rám nắng. Nàng là một mỹ nhân châu Á điển hình có nước da mịn màu sáp ong, đôi môi đầy đặn, mắt đen ướt nước và thân hình nhỏ nhắn tròn lẳn trong chiếc váy vai trần đỏ rực.

“Quyến rũ quá”, chàng nghĩ thầm và suy tính cách nào tách nàng khỏi đám đông những người hâm mộ đang xúm xung quanh. Nàng liếc nhanh chàng “Một gã hấp dẫn, nhưng mình khó mà chen vào giữa lũ đàn bà kia”. Đêm hôm đó, “Âm thanh của biển khơi” đưa ra một chương trình thú vị: Câu mực đêm. Khá đông người tham gia, trong đó có chàng và nàng.

Chủ tàu cho hạ những chiếc xuồng và cần câu xuống biển. Thực không may mắn, đêm hôm đó biển động một cách bất ngờ không theo dự báo “đêm không mưa, ngày nắng, gió nhẹ” của Nha khí tượng thủy văn. Cho dù là trong Vịnh, những cơn sóng dữ dội cũng khiến chiếc xuồng câu mực xoay tít điên cuồng. Hình ảnh cuối cùng mà nàng nhìn thấy là một luồng nước đen lạnh buốt vụt qua mắt.

Hai người trên hoang đảo ảnh 1Minh họa của Trần Đỗ Nghĩa

Khi tỉnh dậy, nàng thấy người mình nóng rát, mặt trời chói chang trên mặt và cát bỏng rãy dưới lưng. Nàng cố ngóc đầu lên nhìn quanh và hiểu ngay ra tình thế thảm hại của mình. Nàng đã bị sóng biển đánh dạt vào một bờ biển. Cùng lúc đó, có một sinh vật to lớn cũng đang đụng đậy. Nàng nheo mắt trong ánh nắng và nhận ra ngay người đồng hành trên tàu, là anh chàng đẹp trai trong buổi dạ vũ. Nàng lên tiếng trước, thử cầu may bằng một câu chào tiếng Anh.

- Hello. How are you?. 

Chàng cũng nheo mắt nhìn nàng.

- Fine. Where are you from?

Lạy Trời, nếu không thuộc quốc tế ngữ Esperanto thì tiếng Anh cũng có thể dùng tạm trong tình huống bất đắc dĩ này. Chàng và nàng cùng lồm cồm bò dậy. Chàng nhanh chóng nhìn thấy hầu hết bộ ngực của nàng sau lớp váy áo rách tả tơi. Chúng hơi nhỏ so với những gì chàng đã hình dung. Họ vội vã đi tìm người thứ ba.

Chàng đi trước, nàng đi sau. Quần áo của chàng cũng rách nát không kém và nàng hơi thất vọng khi nhận ra cơ thể chàng không săn chắc như nàng vẫn tưởng. Không bao lâu sau, họ phát hiện ra một điều khủng khiếp rằng mình đang đứng trên một hòn đảo hoang không có người ở, xung quanh chỉ là mênh mông sóng nước. Chàng thiểu não.

- Thế là chúng ta sắp chết rồi. 

Còn nàng khóc òa lên. Viễn cảnh kết thúc cuộc đời tươi đẹp ở một nơi hoang vu giữa biển cả khiến nàng không sao cầm được nước mắt. Bất chợt bầu trời kéo mây đen vần vũ. Họ vội vàng lo chuyện trước mắt, quên mất thảm cảnh trong tương lai. Nàng nhặt nhạnh những cành cọ khô và chàng tìm được bốn thân cây nhỏ, đủ dựng một chiếc lều tạm tựa vào vách núi. Vừa xong, mưa rơi như trút nước. Đó là ngày đầu tiên của họ ở trên đảo.

Ngày thứ hai trên đảo hoang

Họ đã tìm được một ít quả dại và bắt được con cá nhỏ bằng bàn tay xinh xinh của nàng. Họ cặm cụi nướng con cá bằng nùi rơm đánh đá lửa theo cách mà chàng học được hồi tham gia hướng đạo sinh ở trường. Sau khi nướng chín, con cá thậm chí còn thu nhỏ hơn nữa. Chàng nuốt nước miếng, bày con cá lên chiếc lá, tay giơ kiểu quý ông đang dự tiệc tối “Please”. Cơn đói gần hai ngày trời khiến nàng làm con cá nướng biến mất trong nháy mắt. Chàng kinh ngạc nhìn bữa tối trống trơn trên mặt lá khô, rồi cười gượng và đành nhấm nháp vài trái cây dại đắng chát.

Ngày thứ ba 

Họ may mắn tìm được một con dao rỉ. Điều đó khiến cả hai nhen nhóm một niềm hy vọng cháy bỏng rằng nơi này đã từng có người đặt chân tới. Trong lúc đang len lỏi giữa những bụi cây rậm rạp, một con rắn màu xanh vắt ngang đường họ đi. Theo thói quen của những ngày sống trong xã hội văn minh, nàng kêu lên một tiếng thất thanh, nhưng chàng còn hét một tiếng to hơn và nhảy tót ra sau lưng nàng, người run lẩy bẩy. 

- Anh làm sao thế? - Nàng ngạc nhiên. 

- Tôi sợ… rắn lắm. - Chàng rên rỉ. 

- Đồ hèn nhát.

Nàng lẩm bẩm bằng thứ ngôn ngữ của dân tộc mình rồi giằng con dao rỉ từ tay chàng, và nhanh như cắt, chặt con rắn ra làm đôi. Hình ảnh này làm chàng lảo đảo suýt ngất, mặt xanh như tàu lá. Nàng dùng mũi dao gảy gảy cái đầu rắn còn đang ngọ nguậy, mặt hoan hỉ.

- Thế là tối nay có bữa rắn nướng. 

Nói đoạn, nàng nhặt xác con rắn rồi vung vẩy mang về lều. Nàng tự tay làm thịt rắn, nướng lên thơm lừng. Chàng trốn biệt trong lều, thỉnh thoảng thò mặt ra, lắc đầu nguầy nguậy.

- Tôi không ăn rắn đâu nhé.

Nàng không mời đến câu thứ hai, chỉ loáng sau, món thịt rắn đã để lại một đống xương vụn bên đám lửa. 

Ngày thứ tư

Chàng đói lả đến mức hầu như không đứng lên nổi. Tuy nhiên, bản năng sinh tồn vẫn khiến chàng đi theo nàng vào rừng để tìm thức ăn. Họ đào được vài thứ củ lạ và nhặt được một con chim bị thương. Nguồn lương thực ít ỏi này cũng làm họ phấn chấn đôi chút. Lần này, chàng cảnh giác nhìn cái miệng xinh xinh của nàng sau khi món chim quay đã được bày xuống mặt đất.

“Mình là đàn ông. Cô ấy là phụ nữ. Đàn ông thì phải ga lăng”, chàng huy động nốt phép tắc xã giao cuối cùng được giáo dục ở thế giới văn minh và run run chìa bàn tay “Please”. Chàng tròn mắt nhìn theo món ăn quý giá đang ngự trên mười đầu ngón tay búp măng và như có phép thần, dần dần biến mất trước sự đau khổ của chàng. Không kìm nổi, chàng kêu lên.

- Cô có thể để dành cho tôi một cái cánh được không. Làm sao cô có thể ăn khỏe thế được. 

Nàng ngừng lại, tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Anh thực là… đây là bữa ăn đầu tiên trong ngày của tôi, mà lẽ ra nó phải là bữa thứ ba rồi.

- Còn tôi thì bốn ngày nay chưa được thứ gì vào bụng. - Chàng kêu lên giận dữ. 

Nàng chìa phần còn lại một cách hào phóng.

- Thì đây, anh là đàn ông mà thật chẳng ga lăng chút nào. 

Chiều nào, họ cũng ra bờ biển ngóng chờ tín hiệu của một vật chuyển động trên mặt biển, nhưng vô vọng, mỗi lần quay về là một lần thất bại não nề.

Một tháng sau

Cả chàng và nàng đều gầy xọp đi. Thực phẩm thì ngày một ít, cho dù thời gian đã khiến họ thích nghi với cách săn bắt và hái lượm. Trời đã trở sang đông. Một sáng nọ, chàng hơi nhăn mũi vì khứu giác trở nên thính nhạy vừa cảm thấy một mùi lạ. Chàng buột miệng kêu lên.

- Cô nên đi tắm gội một chút.

- Anh điên à. Trời lạnh thế này mà anh xui tôi xuống biển. Anh muốn tôi cảm chết trên cái hòn đảo không một hiệu thuốc tây này hử? - Nàng thản nhiên nhìn chàng đang xích người ra xa. - Mà anh nên tránh xa tôi ra, tôi cũng không thể chịu nổi tiếng ngáy như bò Tây Ban Nha của anh. - Nàng trả đũa. 

- Đúng thế, tốt hơn hết cô nên tìm chỗ khác mà ở. - Chàng tỏ vẻ khó chịu. 

- Đây là lều chung, có công sức của cả hai. Nếu anh không muốn xẻ đôi cái lều này thì tự làm lấy một cái khác.

- Được rồi, tôi cũng không muốn ở chung với cô nữa. Cô thật tham lam, lắm lời và đáng ghét. 

Nói là làm, chàng đứng bật dậy và đi tìm nguyên vật liệu tự dựng một chiếc lều khác ngay bên cạnh. Điên tiết, sau khi kết thúc công việc, chàng còn dựng thêm một hàng rào bằng lá cây ngăn lãnh thổ giữa hai chiếc lều.

Càng ngày, hy vọng trở về đất liền của họ càng trở nên tàn lụi. Thấp thoáng ngoài biển chỉ có những cánh chim chấp chới lượn vòng rồi ghé vào đảo. Họ cũng không thể xác định được hòn đảo của mình nằm ở vị trí nào trên bản đồ, nhưng chắc chắn là đã bị dạt vào một vùng biển rất hoang vu. Chàng thở dài, an ủi nàng, đúng ra thì tự an ủi mình là nhiều hơn.

- Ngày xưa Robinson Crusoe sống 28 năm trên hoang đảo, săn bắn kiếm ăn, rồi trồng ngô, lúa mạch, nuôi dê lấy thịt, làm nồi đựng nước, hạ được cây cổ thụ để làm thuyền độc mộc, cuối cùng cũng có tàu đến cứu. 

Nghe đến số 28, nàng bật khóc tu tu. Nàng nghĩ đến lúc tóc đã bạc phơ mới có thể quay trở về dự những bữa tiệc khiêu vũ sôi động trên đất liền mà thấy thương thân. 

- Mình không có dê, không có giống ngô, không có dụng cụ để làm thuyền độc mộc. - Nàng nói trong nước mắt. 

- Ngày mai ta sẽ đi dọc bãi biển xem có xác tàu đắm nào không. Biết đâu sẽ có giống ngũ cốc và vài con gà. Từ đó ta có thể gây dựng một trang trại. - Chàng nói sôi nổi. 

“Rồi sau đó sẽ hình thành một khu dân cư nhờ việc sinh con đẻ cái”, nàng trộm nghĩ, vô tình cũng trùng với ý nghĩ của chàng. Nàng khiếp đảm nhìn sang anh hàng xóm khổng lồ râu ria đầu tóc móng tay móng chân đã mọc dài như người rừng. Còn chàng lén liếc nhìn cô láng giềng quần áo lôi thôi rách nát đầu bù tóc rối như người nguyên thủy một cách ngán ngẩm. 

Từ ngày có lều riêng, họ sinh ra tính tư hữu, nghĩa là của ai người nấy dùng. Đồ đạc trên đảo chẳng có gì, quanh quẩn chỉ mấy khúc củi nhặt được, một vài thứ củ dại và bộ quần áo họ mặc trên người lúc bị rơi khỏi xuồng câu mực. Một chiều nọ, chàng đi kiếm củi về và phát hiện ra nàng đang nghiễm nhiên diện chiếc áo vest trắng mà giờ đã biến thành màu của đất. 

- Tại sao cô dám mặc áo của tôi? - Chàng hét lên. 

- Anh không thấy là trời đang trở gió à? Anh muốn tôi ốm chết để anh làm Robinson không có Thứ Sáu hử?

- Cô dám đột nhập vào lều của tôi. Đó là tội xâm phạm tài sản riêng bất hợp pháp.

- Hừ. - Nàng vênh váo. - Anh đang làm quan tòa giữa đảo hoang đấy hử? Tôi rét và tôi muốn mặc thêm một chiếc áo nữa cho ấm.

- Ai bảo mặc phong phanh làm điệu. - Chàng cười gằn nhìn chiếc váy hở vai đỏ rực của nàng giờ như miếng vải cuốn chằng vào người. - Tóm lại cô nên trả lại tôi chiếc áo, nếu không…

Chàng sấn lại gần vẻ như muốn lột phăng chiếc áo khoác quý giá khỏi người nàng. Tức thì nàng vung con dao rỉ lên, mắt long lanh.

- Anh dám? 

- Cô là đồ kẻ cướp. - Chàng gào lên.

- Còn anh chẳng hơn gì. - Nàng hừ mũi. - Đồ keo kiệt, ích kỷ, đáng ghét. Lẽ ra anh nên nhường áo cho tôi mặc mới đúng phép lịch sự.

- Tôi không nhường áo cho một con quỷ cái như cô. - Chàng giơ hai tay lên trời như cầu Chúa, nửa giận dữ nửa bất lực.

Hai tháng sau

Họ may mắn tìm được vài thứ quý giá dọc bãi biển. Đó là một chiếc ba lô bị đánh dạt lên đảo, chứ không phải một xác tàu đắm. Có thể một khách du lịch nào đó đã làm rớt xuống biển và sóng đã đưa nó lên đây. Đồ đạc trong ba lô bị va vào mỏm đá ngầm sát bờ nên vương vãi một quãng dọc bãi biển.

Nàng tìm được một bánh xà phòng, hai chiếc áo sơ mi, vài đĩa CD, một hộp cá trích rất to và cả bộ dao inox sáng loáng nữa. Còn chàng tìm được một cuốn sách ướt sũng nước, hai cái quần soọc, một đôi dép lê, một túi bánh mỳ gối, một cái lược, một tuýp kem đánh răng và một chai shampoo. Họ hoan hỉ khuân hết về lều riêng của mình. Sáng hôm sau, chàng đứng trước cửa lều nói chõ sang.

- Này, tôi biết là cô có một bánh xà phòng. Cho tôi mượn chút.

- Không được. - Nàng vẫn ngồi nguyên trong lều nói vọng ra. - Tôi chỉ có một bánh xà phòng để dùng trong 28 năm. Không cho mượn được.

- Thế trao đổi vậy. - Chàng năn nỉ.

- Đổi thế nào? - Nàng vọt ra ngoài cửa lều.

- Tôi có một túyp kem đánh răng.

- Đồng ý, cho tôi mượn thêm cả shampoo nữa.

- Không được, như thế thì thiệt cho tôi quá.

- Vậy thì thôi. - Nàng nguây nguẩy bỏ vào trong lều.

- Thôi được rồi. - Chàng thở dài. - Cô là một mụ đàn bà không biết điều, vừa tham lam vừa xảo quyệt.

Nàng mỉm cười, đứng tựa vào hàng rào với dáng điệu quyến rũ nhất có thể tạo ra.

- Này anh bạn hàng xóm thân mến, tôi biết là anh có cả một chiếc lược. 

- Đúng thế.

- Anh cho tôi đi.

- Không được.

- Anh giữ lược để làm gì? Anh có nhiều tóc đâu. - Nàng ngạc nhiên.

- Để lúc nào muốn đổi chác gì tôi còn có thứ mà đổi chứ. - Chàng cười tinh quái.

- Càng ngày tôi càng phát hiện ra anh là kẻ tiểu nhân ưa tính toán. - Nàng giận dữ.

Thời gian này họ đã tìm ra thêm nhiều giống rau dại trong rừng. Họ ươm trồng rau, củ, quả trước cửa lều đề phòng nguồn thực phẩm thiên nhiên sẽ cạn kiệt. Tất nhiên là mỗi người canh tác trên một thửa riêng.

Họ cũng bắt đầu có kinh nghiệm hơn trong việc đổi chác. Một củ mài sẽ đổi được một túm quả, nhưng một túm quả chỉ đổi được hai bó rau. Nếu hôm nào đó chàng may mắn bẫy được con chim rừng hay bắt được con cá biển, đó sẽ là một món lớn và đổi được khá nhiều thứ trong vườn nhà nàng.

Có đợt mưa lớn quá, hoa màu của họ bị hỏng gần hết và trở nên khan hiếm. Họ đành phải mang các thứ của nả quý giá trong lều ra để đổi lấy lương thực. Chiếc đĩa CD dùng để làm bát đựng thức ăn đổi được chục củ mài và cuốn sách phơi khô dùng để nhóm lửa cũng đổi được một trang sách một bó rau.

Về sau, thấy công việc cân đối mọi thứ khá phức tạp, chàng mới nảy ra sáng kiến là cắt những miếng gỗ mỏng ra thành các mẩu hình vuông, rồi chia đều mỗi người một nửa. Họ dùng những mẩu gỗ này để đổi lấy vật dụng và thực phẩm cho tiện. Họ gọi đó là “đồng tiền vàng”. Một bó củi -  1 đồng tiền vàng. Một túm quả - 2 đồng tiền vàng. Một con cá khô - 5 đồng tiền vàng. Nhưng một chiếc quần soọc sẽ đổi được 50 đồng tiền vàng và con dao inox là đắt giá nhất - 100 đồng tiền vàng. Dần dần, những đồng tiền vàng còn được sử dụng vào nhiều mục đích khác nữa.

- Này anh, làm hộ tôi cái mái che vườn rau.

- 10 đồng tiền vàng.

- Đắt quá. - Nàng cười chúm chím và đưa tay vuốt mái tóc mượt mà nhờ lược và shampoo. - 5 đồng thôi, việc này chỉ tốn của anh nửa tiếng là cùng.

- 8 đồng là giá cuối cùng.

- 6 đồng nhé. - Nàng chỉnh lại chiếc váy đỏ xẻ ngang đùi.

Chàng liếc nhanh khoảng trống lấp ló sau những nếp vải đỏ rồi bước qua hàng rào.

- Thôi được. Tôi lấy rẻ cô lần này, hy vọng lần sau cô biết điều hơn.

Lần khác, chàng mang chiếc áo sơ mi lụa xám sang lều của nàng.

- Cô vá hộ tôi cái áo. Nó rách ba chỗ.

Nàng xem xét chiếc áo rất kỹ rồi nhỏ nhẹ.

- 20 đồng tiền vàng.

Chàng nhảy dựng lên.

- Cô là trùm tư bản muốn giở trò độc quyền hử? Cô ra giá ấy khác gì cắt cổ tôi.

- Vậy thì thôi, tôi có bắt ép anh đâu. Anh có quyền lựa chọn của anh. Hãy mang cái áo quý giá ra tiệm may Luciano ở phố Broadway mà sửa lại. - Nàng cười chế giễu. - Mà áo đã có vết rách, không vá ngay sẽ càng ngày càng doãng to ra đấy. Mùa đông thì còn dài.

- 15 đồng thôi vậy. - Chàng xuống giọng năn nỉ.

- Xin lỗi.

- Thôi được rồi. Tôi đồng ý. Cô là đồ hút máu người.

Từ ngày có đồng tiền vàng làm vật định giá, chàng nhận thấy một điều hiển nhiên rằng nàng giỏi đàm phán hơn chàng rất nhiều. Càng ngày chàng càng trở nên túng thiếu, nhiều lần phải vay nàng một ít đồng tiền vàng, tất nhiên là phải trả lãi. Còn nàng rất tinh quái trong việc buôn bán với láng giềng.

Thậm chí có lần áng chừng biển sắp động, nàng lẳng lặng thu hái hết hoa màu ngoài vườn rồi mang vào lều tích trữ. Khi cơn bão ập đến, vườn tược bị phá sạch, hàng xóm nhịn đói mất một ngày, nàng mới mang lương thực ra rao với giá cao.

Sau vài lần đầu cơ như vậy thì chàng nợ như Chúa Chổm. Chàng trở nên lo lắng. Chàng không thể nợ nần mãi. Nếu mọi việc cứ theo chiều hướng như thế này, chẳng mấy chốc chàng sẽ biến thành nô lệ lao động không công cho nàng để gán nợ. Chàng bắt đầu mưu đồ một âm mưu đen tối. 

Sau vài cuộc thương lượng mua bán, như mọi lần, nàng kiểm kê kho tiền vàng của mình theo vòng tuần hoàn mặt trời lặn. Nàng kinh ngạc nhận thấy trong số những đồng tiền vàng cũ kỹ có lẫn cả những đồng tiền rất mới, mới đến còn thơm cả mùi gỗ. Những đồng tiền mới xuất hiện liên tục, cho đến khi chúng chiếm tới một phần ba số của cải thì nàng bắt đầu để tâm theo dõi gã hàng xóm.

Sáng sớm, khi chàng vào rừng lấy củi như thường lệ, nàng bí mật đi theo sau, và nhìn thấy láng giềng lén lút ngó quanh ngó quất rồi ngồi phệt xuống mặt đất, hí húi với con dao inox đi mượn. Nàng mỉm cười một cách bí ẩn và trở về lều của mình. Ngay chiều hôm đó, chàng đường bệ đứng giữa sân nhà nàng, mặt mũi hớn hở.

- Bán cho tôi 5 củ mài, 3 con cá khô và 2 mớ rau, tiện thể lấy thêm túm quả nữa cũng được.

- Anh định mở đại tiệc khoản đãi tôi hay sao thế? - Nàng vờ tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Hôm nay là một ngày đẹp trời và tôi tự thưởng cho chính mình. Nếu cô lúc nào cũng dễ thương thế này thì tối nay có thể sang nhà tôi ăn tối. Tôi chiêu đãi. - Chàng nói bằng giọng kẻ cả của một nhà tài phiệt vừa trúng thầu quyền khai thác các giếng dầu khổng lồ.

- Rất hân hạnh. Thế anh có… đủ tiền trả không đấy?

- Tất nhiên. Đã từ rất lâu rồi tôi không biết đến khái niệm nợ nần nữa. - Chàng ngẩng cao mặt lên bụi cây.

Nàng quay vào lều lấy ra những thứ chàng yêu cầu và mỉm cười bằng đôi môi của nàng Mona Lisa.

- 300 đồng tiền vàng.

- Gì cơ?

- 300 đồng tiền vàng. - Nàng nhắc lại.

- Cô thật khéo hài hước. 30 đồng đây, đủ cả nhé, không thiếu xu nào. - Chàng lấy những đồng tiền mới tinh từ túi áo vét, đếm đủ 30 đồng và đưa cho nàng.

- Không, anh còn thiếu 270 đồng nữa. 

- Tại sao? - Chàng ngơ ngác. - Chỗ thực phẩm này giá 30 đồng, ngày nào chúng ta chẳng mua bán với giá như vậy.

- Nhưng hôm nay nó có giá 300 đồng. Thực phẩm đang khan hiếm. Mùa màng thì thất bát. Thời tiết lại rất thất thường. Tôi không biết có nên tiếp tục bán cho anh hay để dành lại phòng xa. 

- Cô điên rồi. - Chàng kêu lên thất thanh. - Cô là Chúa Trời hay sao mà tự cho mình cái quyền vào một ngày đẹp trời nâng giá tất cả mọi thứ lên gấp mười lần như thế?

- Tùy anh thôi, tôi đâu có bắt ép anh. Tốt nhất anh nên chọn một thực đơn giản dị hơn và để mọi thứ lại cho tôi. 

- Không được, như thế là xấu chơi. - Chàng bóp chặt củ mài trong tay đến nỗi nó gần nát vụn.

- Còn anh thì sao nào? - Nàng nháy mắt tinh quái. - Sao anh dám tự động gọt đẽo gỗ để sản xuất hàng loạt đồng tiền vàng mới mà không có mặt tôi?

Chàng há hốc miệng. Những vụn củ mài rơi lả tả xuống nền đất.

Một đêm nọ, trong giấc ngủ say sưa, nàng thoáng thấy một bóng đen cao lớn nhảy vào lều. Kẻ này bịt mặt chỉ hở hai con mắt. Hắn quan sát bộ ngực phập phồng của nàng trong giây lát rồi nhanh chóng vọc tay vào túi đựng tiền vàng được tết bằng rễ cây. Nàng ngồi phắt dậy.

- Đồ kẻ cướp. Trên đảo này chỉ có tôi với anh, còn bày đặt bịt mặt nỗi gì. - Nàng quờ tay với con dao inox.

Nhưng chàng nhanh hơn, một tay vẫn nắm chặt những đồng tiền vàng, tay kia gạt phắt con dao xuống đất. Chàng vung vẩy nắm đấm. 

- Tôi khỏe hơn cô. Cô biết rõ điều đó mà. Trên đảo chỉ có hai người. Kẻ nào khỏe, kẻ ấy thắng.

- Hèn hạ. Vũ phu. Côn đồ. - Nàng khóc rống lên khi nhìn thấy những đồng tiền vàng của mình bị cướp mất. - Chẳng thà tôi sống như Robinson không có Thứ Sáu còn hơn nhìn thấy một kẻ xấu xa như anh.

Chàng cười ha hả rồi khoa chân múa tay một cách hung hãn. 

- Nếu cô có sự lựa chọn nào tốt hơn thì hãy làm đi. Ví dụ như cô rời khỏi đảo này chẳng hạn.

Tám tháng sau

Họ tình cờ tìm thấy một chiếc xuồng cao su bẹp rúm ở phần đảo phía sau. Nó đã bị sóng đánh dạt vào bờ và nằm ở đó rất lâu rồi. Họ kiểm tra chiếc xuồng rất kỹ và mừng rỡ thấy nó vẫn còn nguyên vẹn. Việc còn lại bây giờ là thổi phồng nó lên. Không có máy bơm hơi tối tân, họ đành thổi bằng miệng, thay phiên nhau, mỗi ngày một chút. Sau một tuần thì chiếc xuồng cao su cũng căng lên như mới. Họ cũng làm thêm bốn chiếc mái chèo bằng gỗ.

- Ngày mai chúng ta sẽ làm lễ hạ thủy. - Chàng xúc động nói.

- Anh có nghĩ rằng chiếc xuồng này có khả năng vượt biển không? - Nàng hơi lo lắng.

- Nếu một người thì dễ hơn vì nó là xuồng đơn, nhưng tôi hy vọng Chúa sẽ ở bên chúng ta.

- Chúng ta phải chuẩn bị lương thực. 

- Đúng thế, liệu lương thực có đủ dùng trong một tháng không? Tôi hy vọng sau bốn tuần sẽ có tàu nhìn thấy chúng ta trên biển.

- Một người ăn thì đủ, nhưng tôi hy vọng Đức Phật luôn phù hộ chúng ta.

Đêm hôm đó trời mưa rất to. Chàng không ngủ được. Nàng không ngủ được. Chàng ra cửa lều nhìn mặt biển mờ mịt nước rồi lại liếc sang lều của nàng, bụng rấm rứt không yên. Nàng trằn trọc trên chiếc giường làm bằng lá khô, trước mắt hiện ra hình bóng to lớn của chàng. Nàng thở dài, đứng lên, định đi ra, rồi lại đi vào.

Câu nói của chàng lúc sáng đã trở nên ám ảnh nàng “Nếu một người thì dễ hơn vì nó là xuồng đơn”. “Có thể lắm chứ”, nàng nghĩ bụng, “hắn sẽ bỏ rơi mình để vượt biển một mình. Hắn đã buột miệng nói rằng đi một người dễ hơn. Dứt khoát là trong đầu đã có ý đồ đen tối. Biết đâu hắn còn thủ tiêu mình để chiếm lấy chiếc xuồng. Dám lắm chứ. Hắn là kẻ hung hãn, đã chẳng từng bịt mặt cướp tiền vàng của mình rồi đấy sao. Nhất định đêm nay mình không được ngủ, mình sẽ thức để canh hắn”. Nghĩ vậy nàng vội vã cầm chặt con dao inox và mở mắt chong chong trong đêm tối.

Câu nói của nàng lúc sáng cứ lặp đi lặp lại “Một người ăn thì đủ, nhưng tôi hy vọng Đức Phật luôn phù hộ chúng ta”. Chàng nhớ đến những câu chuyện về đoàn thám hiểm Bắc Cực bị lạc đường, rồi đoàn thủy thủ mất phương hướng lênh đênh trên biển. Họ nhịn đói vài tháng trời, và cuối cùng, trong cơn tuyệt vọng, họ đã giết một người để ăn thịt. Và cứ thế, những kẻ yếu hơn bị giết dần giết mòn cho đến lúc chỉ còn lại một kẻ khỏe nhất.

“Có thể lắm chứ”, chàng nhủ thầm “cô ta là kẻ phàm ăn, cô ta sẽ giết mình để làm lương khô”. Chàng nhìn xuống thân mình “Mình sẽ đủ cho cô ta ăn trong hai tháng. Thật còn gì bằng”. Chàng nhớ đến hình ảnh những con chim quay, con cá nướng và cả món rắn lột da đã biến mất trong tích tắc. 

“Đêm nay là thời khắc quyết định. Chắc chắn cô ta đã chuẩn bị đồ nghề sẵn sàng. Mình sẽ thức, đề phòng lúc cô ta manh động sẽ kịp thời tự vệ”, nghĩ đến đó, chàng giơ cao con dao rỉ ra trước mặt.

Đúng lúc ấy, có tiếng bước chân rất khẽ bên ngoài lều. Giác quan thính nhạy của cả chàng và nàng đều được huy động tối đa. Họ nhảy xổ ra ngoài cùng lúc. 

- Đứng lại. - Nàng vung con dao inox sáng loáng. - Anh phải biết rằng tôi đã từng vô địch giải phi dao khi còn ở trường trung học.

- Cô không được đụng đậy. - Chàng cười gằn, tay huơ huơ con dao rỉ. - Cô chỉ nhích một bước chân là người nát như đậu tương.

- Tôi biết ngay mà. - Nàng hơi tái mặt. - Anh là kẻ tâm địa hiểm ác, đã có dã tâm chuẩn bị việc này từ trước.

- Còn cô thì sao, nửa đêm cô cầm dao lò dò đi sang lều tôi làm gì?

Nước mưa rơi vào mắt nàng cay xè. Nàng đưa tay lên để vuốt nước. Nhân cơ hội ấy, chàng nhảy phắt lại tước con dao trên tay nàng một cách dễ dàng và cất tiếng cười khoái chí.

- Giờ thì thế nào? Chân lý thuộc về kẻ mạnh nhá. Tôi là Chúa đảo, là thuyền trưởng. Cô phải nhất nhất làm theo lệnh tôi.

Bất chợt, có tiếng nói khe khẽ. Cả chàng và nàng đều giật bắn mình. Đấy không phải giọng chàng, càng không phải giọng nàng, mà là giọng của một kẻ thứ ba. Cùng lúc đó, những bước chân chạy rầm rập. Rất nhiều người chạy tới, bao vây lều của họ. Nàng sợ hãi túm chặt lấy chàng.

- Chúng tôi gặp bão, nên ghé qua đảo trú tạm, sáng mai sẽ đi, xin mọi người đừng làm hại chúng tôi. - Một giọng nói tiếng Anh lơ lớ cất lên.

- Các ông là ai? - Chàng cũng hỏi bằng tiếng Anh.

Tức thì tiếng hò reo dậy lên.

- Họ không phải thổ dân.

Một bóng người tiến lên bắt tay chàng, một người đàn ông châu Âu cao lớn.

- Chào anh, may quá, tôi cứ tưởng trên đảo có thổ dân. Tôi có kinh nghiệm khủng khiếp về chuyện này rồi. Rất hân hạnh được làm quen, tôi là thuyền trưởng của tàu chở hàng Mũi Tên Trên Đại Dương.

- Còn tôi là thuyền trưởng của tàu San Hô Đen. - Một người nữa tiến lên trước. - Thủy thủ đoàn chúng tôi cũng tình cờ ghé lại đảo lúc chập tối.

Dĩ nhiên không có bút nào tả xiết nỗi mừng rỡ của chàng và nàng khi ấy. Chỉ là tám tháng chứ không phải 28 năm như Robinson Crusoe. Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh. Hai vị thuyền trưởng tốt bụng đinh ninh rằng họ là một cặp vợ chồng và tính sẽ cho họ lên chiếc tàu Mũi Tên Trên Đại Dương. 

- Ồ không, - Chàng xua tay. - Tôi đủ rồi. Tôi sẽ không bao giờ ở chung tàu với cô ta. Đấy là một kẻ cho vay nặng lãi tham lam, lắm điều và quỷ quyệt.

- Xin đừng bắt tôi ở chung tàu với anh ta. - Nàng thốt lên. - Anh ta là một kẻ xâm lược cộc cằn, hung bạo và ích kỷ.

Các vị thuyền trưởng phải chiều theo ý họ. Cuối cùng chàng lên tàu Mũi Tên Trên Đại Dương đi về phía Địa Trung Hải còn nàng lên tàu San Hô Đen đi về phía Vịnh Bohai. Lúc hai người vừa chia tay nhau theo đúng thủ tục xã giao của thế giới văn minh, chàng quay đi lẩm bẩm “Ơn Chúa”, còn nàng rảo những bước chân duyên dáng về phía thang tàu, miệng thì thầm “A di đà Phật”. Vài phút sau, hai chiếc tàu cùng hú còi, nhả khói và đi về hai hướng ngược chiều nhau, rồi nhanh chóng chỉ còn là hai chấm đen nhỏ xíu trên nền trời xanh thắm.

Tin cùng chuyên mục