Giấy dó lên ngôi trong cuộc tiếp sức đội ngũ y bác sĩ "Vượt qua đại dịch Covid-19"

ANTD.VN - Chiếm số lượng ít ỏi trong 60 tác phẩm tham gia chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật "Vượt qua đại dịch Covid-19", nhưng một khi đã xuất hiện, các tác phẩm hội họa trên giấy dó luôn tạo sự chú ý và gây bất ngờ. 

Không hẹn mà thành, 2 bức giấy dó của chương trình đã đến từ 2 tên tuổi trong làng mỹ thuật Việt Nam là Lý Trực Sơn và Phan Cẩm Thượng và hiện đang là 2 tác phẩm được trả giá cao nhất của phiên đấu giá số 2 và số 3. Nếu như bức "Chuyện cũ" của họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có tới 5 nhà sưu tập cùng tham gia trả giá và bức tranh đã được bán với giá mua đứt là 20 triệu đồng. Thì, tác phẩm "Không gian run rẩy" của họa sĩ Lý Trực Sơn chỉ có 1 nhà sưu tầm trả giá, nhưng trả 1 lần mà "ẵm" ngay tác phẩm với giá 100 triệu đồng. Đây cũng là tác phẩm đạt đỉnh toàn chương trình và được trả giá chóng vánh nhất.

So với các chất liệu như sơn dầu, acrylic, sơn mài, tổng hợp, lụa, giấy dó có lẽ là chất liệu ít tốn kém hơn cả. Nhưng 2 tác phẩm vừa qua của họa sĩ Lý Trực Sơn và Phan Cẩm Thượng lại đạt đỉnh của mỗi phiên đấu giá đã chứng minh cho một điều, chất liệu cũng chỉ là công cụ để người nghệ sĩ bộc lộ tài năng, quan niệm nghệ thuật và thể hiện triết lý nhân sinh trong tác phẩm. Giấy dó hay sơn mài, sơn dầu đi chăng nữa nếu như không phải là một họa sĩ tài năng, rất khó để làm tác phẩm đẹp.

Tác phẩm "Chuyện cũ" của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Chưa kể, với họa sĩ Phan Cẩm Thượng hay Lý Trực Sơn đều là các họa sĩ yêu thích sử dụng màu tự nhiên được nghiền, giã từ cỏ cây hoa lá trên giấy dó. Và họa sĩ Lý Trực Sơn là người có nhiều chuyện để kể về quá trình làm màu tự nhiên của ông. Lý Trực Sơn tự nhận, ông là người may mắn được đi khắp mọi vùng miền đất nước, đặc biệt là các vùng dân tộc ít người, thường sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên để nhuộm vải.

Đi đến nhiều vùng, thấy cây gì lạ, cảm thấy có thể giữ được màu sắc, ông đều xin về trồng. Có lần, trong chuyến đi chơi Tây Bắc đầu năm, ông nghĩ đến củ nâu, loại củ mà xa xưa ông cha ta vẫn thường dùng. Với số tiền ít ỏi mà mua được 5 chục cân củ nâu, ông về giã ra nấu lên thì thấy, củ nâu cho màu rất đẹp. Khi vẽ cạnh các màu khác thì sự tương phản lại rất hiệu quả. Hay củ cây nghệ đen cũng là một trong những củ có màu vàng rất đẹp, hay cây ngải cứu phơi khô, đun lên cô đặc cũng cho màu rất bền...

Việc sử dụng màu tự nhiên trên giấy dó mang lại cho tác phẩm vẻ đẹp thuần khiết, đậm chất Á Đông và cũng tốn nhiều công sức của họa sĩ không kém gì việc mài mỏng các lớp sơn ta trong kỹ thuật vẽ tranh sơn mài. Do vậy, dù là một chất liệu ít tốn kém nhưng giấy dó vẽ màu tự nhiên lại đòi hỏi ở người họa sĩ sự tỉ mỉ, cầu kỳ, đầu tư về thời gian để nghiên cứu trong quá trình pha chế màu của cỏ cây hoa lá.

Tác phẩm "Không gian run rẩy" của họa sĩ Lý Trực Sơn

Hơn thế, Lý Trực Sơn và Phan Cẩm Thượng đều là các nghệ sĩ lớn của hội họa Việt Nam. Sự xuất hiện của họ trong 2 phiên đấu giá liên tiếp đã thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập. Kỹ thuật xử lý màu đầy tinh tế trên nền giấy dó mỏng manh. Độ loang màu đã đạt tới trình độ bậc thầy khi tiết chế những vệt màu, bắt chúng phải dừng lại ở vị trí mà tác giả mong muốn. Đi cùng với đó là khả năng biểu cảm của màu tự nhiên, hoài cổ. Khi chiêm ngưỡng 2 tác phẩm "Không gian run rẩy" và "Chuyện cũ", người xem đều cảm nhận được tâm hồn người nghệ sĩ rung động, xao xuyến trước thiên nhiên và một không gian gợi lại những kỷ niệm, những ký ức xa xôi.

Đây là những lý do khiến cho 2 tác phẩm trên giấy dó của họa sĩ Phan Cẩm Thượng và Lý Trực Sơn được trả giá cao và chạm đỉnh của 5 phiên đấu giá "Vượt qua đại dịch Covid-19". Giấy dó đã lên ngôi, hay nói vui là "dó" đã "bay" trong chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật do Báo An ninh Thủ đô và công ty Indochineart tổ chức, mang lại nguồn vật chất để tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục