Giải pháp xóa triệt để nạn viết, vẽ bậy lên di tích

ANTD.VN - Tháp Hòa Phong, tháp Bút ở hồ Hoàn Kiếm, chuông nhà Thái Học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay tượng đài Thánh Gióng ở Sóc Sơn… nơi nào dường như cũng dày đặc, chồng chất những dòng chữ, hình vẽ, ký hiệu mà khách tham quan để lại. 

Ngay khi Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được ban hành với những khuyến cáo không viết, vẽ bậy lên di tích, phóng viên Báo ANTĐ đã có mặt tại một số di tích trên địa bàn Thủ đô để tìm hiểu.

Giải pháp xóa triệt để nạn viết, vẽ bậy lên di tích ảnh 1Tháp Hòa Phong bị bôi bẩn

“Chung tay” phá hoại di tích

Là 2 di tích nổi tiếng nằm trong quần thể di tích Hồ Gươm, tháp Hòa Phong và tháp Bút thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tham quan. Tuy vậy,  2 di tích này cũng là địa điểm phải hứng chịu những vết tích của du khách vô ý thức. Xung quanh 4 góc tháp Hòa Phong bị phủ kín bởi những dòng chữ viết bằng bút xóa, các hình vẽ đủ hình dạng, màu sắc, thậm chí một số người còn sử dụng cả vật nhọt để khắc lên cột tháp. Những câu chữ tiếng Việt lẫn tiếng Anh cứ chồng chéo lên nhau và tồn tại nhiều năm nay, mực cũ chưa khô, mực mới lại đã xuất hiện.

Chân tháp Bút (Đền Ngọc Sơn), chân tượng Thánh Gióng (Sóc Sơn) hay chuông nhà Thái Học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) cũng cùng chung cảnh ngộ. Dù được bảo vệ bằng hàng rào bao quanh và có biển báo cấm trèo và viết, vẽ lên tượng nhưng đa phần khách tham quan là các bạn trẻ vẫn vô tư trèo lên khu vực chân tượng và vượt qua hàng rào để trút tâm sự. Việc này diễn ra trong một khoảng thời gian dài, đến độ lòng chuông không còn một chỗ trống.

Trao đổi cùng phóng viên  ANTĐ, ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý - di tích đền Sóc Sơn cho biết: “Rất khó để bắt tận tay người viết, vẽ bậy lên trên chân tượng vì họ chỉ rình những lúc bảo vệ quay đi mới trèo lên viết, khu vực xung quanh tượng dù có lắp đặt camera nhưng vẫn không kiểm soát hết được”.

Giải pháp xóa triệt để nạn viết, vẽ bậy lên di tích ảnh 2Dòng chữ cầu nguyện sai chính tả viết trên tháp Bút

Khó khăn trong việc quản lý, giám sát

Ở các di tích, việc phát hiện được người viết, vẽ bậy lên đó rất khó bởi hàng ngày có tới cả nghìn lượt khách tới thăm. Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ,  bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, trước khi Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được UBND TP Hà Nội ban hành, Ban quản lý đã liên tục tuyên truyền, nhắc nhở cho khách tham quan về quy định nghiêm cấm các hành vi viết, vẽ bậy lên di tích.

Tuy nhiên, tuyên truyền ra rả nhưng tình trạng viết bậy vẫn không suy giảm. Các cán bộ Ban quản lý di tích đã nhiều lần tẩy xóa các chữ vẽ bậy, nhưng xóa đến đâu thì người ta lại vẽ lên đúng chỗ vừa xóa.

“Việc xóa đi những nét vẽ khó ở chỗ  xóa làm sao để không ảnh hưởng đến màu sắc, chất liệu của di tích. Công việc này đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhiều đơn vị chuyên ngành nghiên cứu và sử dụng nhiều loại hóa chất chuyên dụng phù hợp với từng nét vẽ để có thể giữ nguyên hiện trạng của di tích như lúc ban đầu”, bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.

Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết thêm, đang tính đến phương án tăng cường lực lượng giám sát trực tiếp cũng như chuẩn bị các bảng nội quy đặt ở những vị trí du khách dễ quan sát nhất.

Sẽ cấm tham quan di tích nếu tái phạm

Đó là ý kiến của ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ: “Việc tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo đối với những hành vi phá hoại di tích như viết, vẽ bậy lên đó là việc làm cần thiết và văn minh. Hơn nữa, Bộ Quy tắc mới được ban hành nên cần có thời gian để áp dụng triệt để vào việc bảo vệ di tích, tránh những hành vi phá hoại. Nếu người nào tái phạm việc viết, vẽ bậy lên di tích sẽ có phương án cấm không cho vào di tích”.

Có thể khẳng định, hành vi viết, vẽ bậy lên di tích không chỉ dừng lại ở sự hồn nhiên hay vô ý thức mà hành vi này phải được coi là phá hoại. Song để ngăn du khách có hành vi này lại rất cần nỗ lực hơn nữa về quản lý, giám sát di sản. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức công dân, các ban quản lý nên nghiên cứu để có giải pháp xóa bỏ triệt để việc viết, vẽ bậy lên di tích, ví như mạnh tay xử phạt hành chính hoặc “cấm cửa” đối với những du khách có hành vi xâm hại di tích. Ngoài ra, sự tham gia của cả cộng đồng, mọi người dân vào công cuộc đấu tranh với hành vi xấu xí đó cũng sẽ là cách hữu ích để bảo tồn được vẹn nguyên di sản.