"Gã nhà quê" Lê Minh Sơn và dự án âm nhạc dành cho người...hát chán!

ANTD.VN - Khá lâu rồi, Lê Minh Sơn mới lại khoe cái mới (dĩ nhiên trong âm nhạc). “Gã nhà quê” xuất hiện với dáng người lênh khênh, mái tóc dài buộc túm phía sau, quần rộng lùng phùng, chân đi đôi xăng đan loẹt xoẹt và hào hứng kể về một dự án kinh doanh âm nhạc hẳn hoi mà anh góp không ít “chất xám” để làm nên.

Lê Minh Sơn bắt đầu câu chuyện với việc say sưa kể về một công việc mới dành cho những người thích hát, kể cả hát hay và hát dở. Theo đó, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh, một tài khoản đăng ký trên hệ thống có tên gọi “Alosong” thì bất kỳ ai yêu ca hát đều có thể thỏa thích hát trước micro khoảng 2 tiếng/ngày và nhận lương từ việc này. Việc hát sẽ được chia thành từng ca kéo dài từ sáng đến tối khuya.

Vị nhạc sĩ tài hoa quả quyết, trước kia yêu ca hát không được gì, giờ sẽ được rất nhiều thứ, chỉ cần “livestream” và thể hiện các ca khúc theo yêu cầu của khán giả là có tiền. Tiền ở đây bao gồm tiền lương mà đơn vị sản xuất Alosong trả và tạm gọi là “tiền boa” mà người hát được người nghe tặng thông qua ứng dụng tặng quà tích điểm (ví dụ như tặng biểu tượng hoa hồng, kẹo mút, cúp… mỗi biểu tượng lại tương ứng với một số điểm nhất định và số điểm này sẽ được quy đổi ra thành tiền).

Lê Minh Sơn bảo, bắt đầu từ một cuộc điện thoại gọi tới tổng đài 1080, anh lóe lên ý tưởng tại sao không biến chiếc “alô” trở thành nơi để mọi người có thể thoải mái giao lưu ca hát. Và thế là Alosong ra đời. Với dự án này, anh đóng vai trò người phụ trách định hướng về âm nhạc và làm với suy nghĩ: “Mình làm âm nhạc tử tế nên bây giờ làm khắp nơi ca hát cũng phải tử tế”.

Điều khiến anh thích thú nhất với dự án này chính là ý tưởng ai cũng có thể hát, kể cả người hát không hay. Thế nên Alosong có cả cổng riêng với tên gọi “Ai hát chán bằng tôi”. Lê Minh Sơn hài hước ví von, ở sân khấu bên ngoài, những người có giọng hát “khủng khiếp” như Lệ Rơi vẫn có thể được “bầu sô” mời đi diễn chung sân khấu với các nghệ sĩ khác để kiếm tiền nhưng ở Alsong thì không.

Cụ thể, những người có giọng hát “thảm họa” như thế sẽ chỉ có thể hát trong phòng thư giãn “Ai hát chán bằng tôi”. Điều đó cũng có nghĩa Alosong sẽ có sự phân loại rất rõ ràng đối với từng giọng hát. Sự phân loại này theo Lê Minh Sơn là sẽ khiến ai cũng vui, mà lại rất nhân văn vì “không bỏ phí giọng nào”. Vả lại, anh tin rằng, phân loại cũng là cách để không làm đảo lộn các giá trị nghệ thuật. Giống như khi đi siêu thị mua đồ, không phải ai cũng có khả năng và có ý định mua những món đồ đắt tiền nên sẽ không bước vào các gian hàng hiệu.

Lê Minh Sơn cho biết, trước khi có buổi chính thức “khoe” sự ra đời của Alosong, anh và đơn vị sản xuất đã có 7 tháng thử nghiệm hệ thống này với sự tham gia của cả nghìn cán bộ công nhân viên trong công ty cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Tất cả những tình huống phát sinh kiểu như có lời lẽ dung tục, quấy rối hoặc hành vi không phù hợp khi đang hát đều nằm trong dự phòng của anh, tức là chỉ một tích tắc thôi đội ngũ kỹ thuật sẽ “kích” tài khoản vi phạm này ra khỏi hệ thống.

“Vấn đề đội ngũ giám sát. Có ít nhất 25 người giám sát bằng hệ thống và chúng tôi có thể đánh sập bất cứ tài khoản nào chỉ bằng một nút nhấn” – Lê Minh Sơn khẳng định.

Cũng theo chia sẻ của Lê Minh Sơn, ca sĩ ở thời buổi này không sống được bằng đĩa hay show diễn, còn nếu trông chờ vào các sự kiện event thì khó mà làm nghệ thuật chân chính. Không có sân chơi, nhiều nghệ sĩ buộc phải trông chờ vào các gameshow, trong khi đơn vị tổ chức các gameshow thì buộc phải có “scandal” để gây chú ý. Vì thế, anh hy vọng Alosong sẽ có thể phần nào giúp các nghệ sĩ có được sân chơi ý nghĩa và có thu nhập xứng đáng với công sức mà mình bỏ ra.