"Duyên định" hóa giải hận thù, đưa những người ở hai đầu chiến tuyến xích lại gần nhau

ANTD.VN - Như Đạo diễn, NSND Lê Hùng trước giờ khai màn đã thừa nhận, đề tài của vở kịch “Duyên định” không mới, đã có hàng chục hàng trăm tác phẩm sân khấu ra đời trước đó đề cập tới cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Nhưng tác phẩm lại khéo léo, khai thác ở góc nhỏ hơn, nhưng nhân văn hơn, đó là việc hóa giải hận thù của 2 đất nước từng đối đấu nhau trong cuộc chiến, để khép lại một quá khứ bi thương, hướng về tương lai.

Tối 11-12, vở kịch “Duyên định” do Nhà hát Công an nhân dân (CAND) phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại Việt Tuệ thực hiện đã chính thức ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến dự, chúc mừng và động viên các nghệ sĩ.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến dự, chúc mừng các nghệ sĩ

Vở kịch kể về viên phi công Mỹ bị bắt khi máy bay rơi tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Với một chiếc chân gãy, anh ta đã được các y tá, bác sĩ "phía bên kia" chăm sóc tận tình. Rồi anh trở về nước Mỹ xa xôi. Nếu tóm lược lại, nội dung vở kịch chỉ đơn giản thế. Nhưng điều làm nên một vở kịch hay lại đến từ những chi tiết "cực đắt". Bởi lẽ, cả tác giả kịch bản và đạo diễn đều từng là những người lính, trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu. Hơn ai hết, họ thấu hiểu tận cùng nỗi đau mà cuộc chiến để lại.

Một cảnh trong vở kịch: Anh thương binh người Huế trước khi nhắm mắt muốn được nhìn thấy ánh mặt trời

Chính vì thế, ở "Duyên định", đạo diễn Lê Hùng đã sử dụng tới 2 cảnh đồng đội bị hy sinh trên chiến trường. Cái cách ông khai thác chi tiết tinh tế tới mức, đã lấy đi biết bao nước mắt của khán giả trong ngày công diễn ví dụ như chi tiết anh thương binh người Huế bị thương rất nặng ở bụng. Anh biết mình không thể qua khỏi và có mong muốn được nhìn thấy ánh nắng mặt trời trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Các bác sĩ ở trạm xá chiến trường đã đưa anh ra khỏi lán, để người thương binh ấy được nhìn thấy những cánh rừng, thấy màu xanh và những ánh nắng mặt trời chiếu rọi qua kẽ lá. Trong giờ phút sinh tử, anh nhớ về thành phố Huế quê mình, về con sông Hương êm ả, hiền hòa và anh còn nhớ về ngôi nhà có người mẹ của mình. Và lúc này, một tiếng hò Huế của người y tá cất lên đã tiễn đưa hồn người chiến sĩ về với quê mẹ.

Chưa hết, một cảnh người y tá của trạm xá bị địch bắt đã kiên quyết không khai nơi đồng đội mình để rồi bị địch tra tấn cho đến chết. Rồi cô y tá và viên phi công Mỹ bị bắt đã tìm thấy anh giữa cánh rừng. Cô đau đớn ôm người đồng đội vào lòng, lấy mảnh giấy viết lại đầy đủ họ tên, quê quán và đơn vị của người chiến sĩ ấy vào lọ Penixilin và hứa, sau hòa bình sẽ trở lại, đưa anh trở về quê hương...Lúc này, bao đau đớn và căm hờn, cô y tá đã trút lên viên phi công. Cô gào lên đầy căm hận người đã mang lại cuộc chiến này, đã lấy đi sinh mạng của đồng đội mình.

Những người lính trở về sau cuộc chiến

Chỉ với 2 cảnh ấy, đạo diễn Lê Hùng cho thấy, ông dựng vở kịch này bằng cả trái tim với ký ức về cuộc chiến đã đi qua. Dù lấy nước mắt của khán giả, thế nhưng, “Duyên định” không bị lụy. Ở vở diễn này, còn có rất nhiều cảnh hài hước, nó như là những phút nghỉ cho khán giả. Đó là cảnh viên phi công Mỹ được ăn cơm với cá kho, còn các chiến sĩ ở trạm xá, các thương binh của ta đang điều trị cả tháng trời vẫn chỉ có một món “thượng hạng” là củ mì (củ sắn). Chính vì thế, mới có cảnh, một anh chiến sĩ hỏi người má miền Nam đem cơm cho viên phi công Mỹ rằng: “Má ơi, sao chúng con chỉ có củ mì, ăn đến cả tháng này mà viên phi công này lại được ăn cơm với cá kho”. Bà má này không biết trả lời sao, chỉ biết chống chế rằng: “ờ thì cho nó ăn ngon một chút”. Ở trong nhà giam, nhìn các chiến sĩ của ta  ở bên ngoài chỉ có củ sắn, viên phi công liền ôm cặp lồng, quay lưng lại với các chiến sĩ để ăn. Và những cảnh đối đáp giữa viên phi công nói tiếng Anh và các chiến sĩ của ta nói tiếng Việt cũng đã giải tỏa sức căng của vở diễn.

Ở tác phẩm, NSND Lê Hùng đã cho viên phi công được chứng kiến 2 sự hy sinh của các chiến sĩ tại chiến trường và nỗi đau của người lính khi vợ và những người thân đã mất tại quê nhà, vì bom B52 dải thảm Hà Nội. Được tận mắt nhìn thấy nỗi đau mất đồng đội, chồng mất vợ, con mất mẹ, những vành khăn tang tới cả chiến trường, viên phi công đã tự ngẫm được nhiều điều.

Viên phi công Mỹ trở về sau cuộc chiến mong muốn được trả ơn những người lính Việt Nam

Được trao trả về Mỹ, viên phi công vẫn không quên những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Việt Nam, đặc biệt là tình cảm của các bác sĩ và y tá năm ấy. Trước khi mất, ông đã nhắn nhủ cậu con trai phải sang Việt Nam và tìm lại những ân nhân của mình.

Và như duyên định, con trai của người lính này đã yêu người con gái của cô y tá năm ấy. Vô tình, anh đã được gặp lại người ân nhân đã giúp cha mình. Vở kịch đã khép lại với tình cảm gắn bó khăng khít và thân thiết của 2 lớp thế hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Chỉ có tình yêu và sự nhân ái bao dung mới đưa những con người từng là kẻ thù của nhau xích lại gần nhau, đó cũng là thông điệp mà vở “Duyên định” đem tới khán giả. Vở diễn là một hoạt động kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ (1995-2020), hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND (19-8-1945 – 19-8-2020).

Diễn viên "tay ngang" người Mỹ, Chad Winston đã thể hiện tốt ý đồ của đạo diễn. Dù mới lên sàn tập được vài tháng nhưng anh đã làm tròn vai. Bên cạnh đó, các diễn viên của Nhà hát CAND đặc biệt là các diễn viên trẻ đã mang lại cho vở diễn luồng sinh khí mới với lối diễn xuất tự nhiên và dung dị.