Được học – được dạy: câu chuyện giáo dục từ nước Mỹ xa xôi tới Việt Nam

ANTD.VN - Tối 7/6, buổi giao lưu “Được học – được dạy” do Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức có sự tham dự của dịch giả Bích Lan cùng 14 thầy cô cắm bản ở Điện Biên. Buổi giao lưu không chỉ là câu chuyện được học của nhân vật Tara trong cuốn sách “Được học” mà còn là những câu chuyện cảm động về mong muốn được dạy của các thầy cô giáo ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Được học: Bản ngã mang tên hành trình giáo dục

Được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam vào tháng 4/2019,  “Được học” (bản gốc: Educated) do Nguyễn Bích Lan biên dịch trở thành cuốn sách truyền cảm hứng “tận dụng mọi cơ hội được học” ở Việt Nam.

Dịch giả Bích Lan chia sẻ về quá trình biên dịch cuốn "Được học" tại  buổi giao lưu

Tự truyện “Được học” (Educated) kể về câu chuyện của cô gái Tara Westover sinh năm 1986 ở bang Idaho, miền núi nước Mỹ, bị bố cấm đến trường chỉ vì niềm tin vào “ngày tận thế”. Tara đã gắn bó tuổi thơ của mình cùng 7 anh chị em với công việc tại bãi phế liệu, mức thu nhập chỉ 1-2 đô la Mỹ, có thời kỳ, cô phải bán máu mới có tiền để sống. Chỉ đến khi 17 tuổi, Tara mới được đến trường buổi đầu tiên.

Kể từ khi cầm cuốn sách tự học, cô luôn ở trong trạng thái dằn vặt hoặc đối đầu với những người thân của mình. Cô luôn ý thức được rằng việc cô theo đuổi việc học nghĩa là đi ngược lại ý muốn của cha mình, phản bội gia đình.

Cô đã bị anh trai mình bạo hành chỉ vì cô dám bước chân ra thế giới bên ngoài. Đỉnh điểm của sự dằn vặt là quãng thời gian cô làm nghiên cứu tại Đại học Harvard, khi cô bị bố mẹ cho là bị quỷ ám vì dấn sâu vào con đường học hành như thế. Tuần nào cũng có lần cô bật dậy giữa đêm khuya, la hét chạy như điên dại trên phố. Cô thậm chí đã phải tìm đến chuyên gia tâm lý.

Tara đã lựa chọn bước ra thế giới, chọn sống cuộc đời mà cô muốn, chọn trau dồi giáo dục cho bản thân, dù như thế cô phải trả giá bằng việc bị gia đình ruồng bỏ ngay cả khi cô đã thành công.

Câu chuyện của Tara Westover gây ấn tượng sâu sắc với tỷ phú Bill Gates

Cuốn tự truyện “Được học” có độ hấp dẫn không kém gì tiểu thuyết và gây chấn động toàn nước Mỹ, vượt ra ngoài nước Mỹ với hơn 700.000 bản được bán vì khó tin nhưng có thật. Một quốc gia cả thế giới đổ xô đến học thế nhưng lại có một Tara đấu tranh để được học, được giải thoát khỏi bóng tối.

Ở “Được học”, độc giả còn thấy rằng đó cũng là câu chuyện của chính dịch giả Bích Lan – người biên dịch cuốn sách này. Bích Lan mắc bệnh loạn dưỡng cơ và phải nghỉ học khi mới hết lớp 8, sống giữa bốn bức tường ở một ngôi làng nhỏ không có thư viện. Với nghị lực sống phi thường, cô không chỉ sống gấp 2 lần thời gian tiên đoán của bác sĩ mà còn tự học ngoại ngữ, mở lớp dạy tiếng Anh, trở thành tác giả, dịch giả của 36 cuốn sách và tác giả của 4 cuốn sách.

“Nếu ngày ấy tôi chỉ ngồi trong 4 bức tường đợi y học nghiên cứu ra loại thuốc chữa bệnh của mình thì tôi đã không đi được tới độc giả bằng những cuốn sách. Dù chỉ còn 15% sức khỏe nhưng nhờ tự học, được học mà tôi có thể tự chủ cuộc sống của mình, sống như một người bình thường và góp chút sức cho những gì tốt đẹp của cuộc đời”, dịch giả Bích Lan chia sẻ.

Được dạy: sứ mệnh cao cả với nhiều cuộc đời

Sứ mệnh dạy chữ cho con người cực kỳ quan trọng, không chỉ cứu một con người mà còn là cho những thế hệ sau. Tara cũng vậy, Tara bị đối xử phân biệt nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, Tara tiếp tục nỗ lực để trở thành tiến sĩ sử học sau này.

Cũng là ở một vùng núi xa xôi nhưng không phải vùng núi của nước Mỹ nơi sáng sáng có xe buýt chạy qua đón trẻ đến trường, nơi có điện và nước sạch, nơi mà khi anh trai Tara bị tai nạn lao động, chỉ vài phút sau có trực thăng đến đưa tới bệnh viện, mà là vùng núi của 15 thầy cô “cắm bản” ở Điện Biên là chưa có điện, trẻ đói cơm, và phải được ăn cơm rồi mới có thể " ăn chữ".

Dịch giả Bích Lan cùng các thầy cô "cắm bản" ở tỉnh Điện Biên

Những câu chuyện về được dạy của thầy cô tại buổi giao lưu “Được học – Được dạy” khiến khán giả xúc động. Bởi khát khao được dạy, các thầy cô đã không ngại gian khó “cắm bản”, tự dựng lớp học, tự đi vận động học sinh đến lớp.

"Em dạy ở bản chưa có điện. Phải mua nến và dầu hỏa để thắp. Không có sóng điện thoại. Phải đi 2 km số ra chỗ có sóng để gọi điện thoại về trường hỏi xem trong tuần có họp không. Mùng 8-3 hay ngày nhà giáo không có quà như dưới xuôi đâu. Nhưng học sinh tặng những bông hoa rừng, hoa héo cũng vui lắm", cô Lường Thị Ngọc chia sẻ tại buổi giao lưu.

Còn nhiều hơn nữa những câu chuyện chân thật và xúc động về khát khao được dạy của thầy cô ở nơi đây.

“Hy vọng rằng công sức của các thầy cô cắm bản hôm nay sẽ tạo ra một thế hệ mới biết chữ, có kiến thức để biết cách làm ăn và nuôi sống gia đình, không như cha mẹ chúng hôm nay lầm lụi trong đói nghèo, cho con đi học nhiều khi là bởi " đi học được ăn"”, lời chia sẻ xúc động từ dịch giả Bích Lan trước những hy sinh của thầy cô “cắm bản”.

Dịch giả Bích Lan cũng chia sẻ thêm, cuốn sách “Được học” do cô biên dịch sẽ là cuốn sách đầu tiên mà cô có ý định tự bán để mong đóng góp giúp cho trẻ em trong dự án tình nguyện “Nuôi em” tại Điện Biên được đến trường. Với cô, chỉ khi được học, được thay đổi nhận thức thì con người ta mới thay đổi được số phận.