Đối xử tệ với du khách "ngoại": Tự hại du lịch "nội"

ANTD.VN -Còn chưa hết quý I năm 2018, vậy mà du lịch Việt Nam đã phải “muối mặt” khi ở một vài địa phương xảy ra trường hợp người dân có hành vi côn đồ với du khách. Cách hành xử ấy đúng nghĩa “con sâu làm rầu nồi canh” bởi lẽ, cái đánh dù nhẹ tay hay thô bạo cũng như một “cái tát trời giáng” vào ngành du lịch Việt, làm ảnh hưởng tới hình ảnh thân thiện, hiếu khách của người dân Việt Nam.

Chê đồ ăn dở và chụp hình, du khách bị đánh ngất xỉu ở Đà Lạt

Thật đáng buồn khi tại Đà Lạt - một thành phố nổi tiếng với vẻ đẹp mộng mơ lại xuất hiện hiện tượng du khách người Mỹ gốc Việt bị đánh hội đồng đến bất tỉnh chỉ vì... chê cơm nguội, thịt chưa chín. Người đồng hành với du khách này cũng bị “đổ máu” vì giơ điện thoại lên chụp ảnh.

Không chỉ vậy, mới đây, trên Bùi Viện - một con phố sầm uất bậc nhất ở Sài thành, được mệnh danh là “phố Tây” vì tập trung rất nhiều du khách nước ngoài, lại có cảnh tượng một khách Tây bị cả nhóm thanh niên Việt lao vào hành hung bầm dập. Được biết, nhóm thanh niên này là nhân viên một quán nhậu, còn vị khách nước ngoài kia trước khi bị đánh thì đang là thực khách của quán này. Đây cũng phải vị khách Tây đầu tiên ở phố Bùi Viện bị nhân viên hành xử kiểu côn đồ như trên. Cách đây không lâu, tại phố cổ Hội An, một người lái xe ôm cũng lao vào đánh chảy máu đầu một nam thanh niên nước ngoài khiến người này phải nhập viện cấp cứu và khâu tới 11 mũi ở vùng đầu.

Mỗi lần nghe những thông tin như vậy, những người phản ứng bày tỏ sự bức xúc đầu tiên thường là người dân ở chính thành phố nơi xảy ra sự việc khách Tây bị hành hung. Họ lên tiếng chỉ trích cách hành xử côn đồ này làm xấu mặt người Việt và đề nghị chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm. Chưa bàn tới sự nguyên nhân do đâu mà các vị khách nước ngoài bị đánh nhưng xét cả về lý lẫn tình, khách đến chơi nhà mà bị chủ nhà đối xử kiểu này thì đúng là xấu hổ không còn gì để nói.

Chắc chắn rằng, sau những cú đấm, cú đá, những cái phang thẳng tay thì hình ảnh mến khách, thân thiện, hòa nhã mà người dân Việt Nam để lại trong lòng du khách quốc tế bấy lâu nay sẽ phần nào bị lung lay. Một khi thiện cảm đối với điểm đến bị mai một, thì dù điểm đến có đẹp đến đâu cũng khó thuyết phục được sự lựa chọn của du khách.

Trong những câu chuyện đáng buồn trên, người đánh chính là những người đang làm công việc mưu sinh nhờ một bộ phận không nhỏ khách du lịch nước ngoài. Họ là nhân viên quán ăn, là người lái xe ôm… Có thể họ hiểu, họ đang đánh khách hàng – những người mang lại thu nhập cho mình nhưng không nhận thức được sâu sắc hơn rằng, họ đang đánh cả những người đem lại nguồn thu cho du lịch Việt Nam. Làm du lịch cần xuất phát từ những điều rất nhỏ. Những tình cảm quý mến, văn minh trao đến du khách sẽ đem lại cho người dân những bài học về cách hoàn thiện sản phẩm kinh doanh, thu lợi được từ du lịch.

Đối xử tệ với du khách "ngoại": Tự hại du lịch "nội" ảnh 2

Người dân là yếu tố quan trọng trong bức tranh phát triển du lịch Việt

Một thông tin rất đáng nhìn lại, ngày 10-1 vừa qua, trong hệ thống cảnh báo du lịch nước ngoài với công dân Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Việt Nam là một trong những nước có mức độ rủi ro về an toàn và an ninh thấp nhất trên thế giới. Đây là hệ thống cảnh báo mới nhất mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố để khuyến cáo công dân nước này trong việc lựa chọn điểm đến du lịch.

Không riêng nước Mỹ, nhiều trang web du lịch uy tín trên toàn thế giới cũng đã dành lời khen ngợi đối với những thành tựu của du lịch Việt Nam, khẳng định sức hút của du lịch Việt Nam đối với du khách bởi mức chi tiêu rẻ, tiết kiệm; Việt Nam liên tục lọt Top những điểm đến hấp dẫn hấp dẫn nhất thế giới... Song, trăm xây không bằng một phá, đạt được sự ghi nhận đã khó, giữ vững và khẳng định sự ghi nhận ấy là chính xác còn khó hơn.

Một con số khiến ngành du lịch Việt Nam quan ngại trong những năm trở lại đây, Tổng cục Du Lịch đã đưa ra con số 80% khách du lịch nước ngoài quyết định không quay trở lại Việt Nam. Sẽ thật khập khiễng nếu so với các nước bạn cùng khu vực, khi tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore. Hay như trước đó, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số cảnh báo: lượng khách du lịch quay lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6%.

Người dân là yếu tố quan trọng trong bức tranh phát triển du lịch Việt. Có thể nói, cái nhìn dài hạn của du lịch Việt cũng xuất phát từ cái nhìn người dân, một cái nhìn cần đong đầy sự chân chất, tôn trọng du khách chứ không phải một cái nhìn nóng nảy dẫn đến làm ăn chộp giật. Du khách có trở lại Việt Nam hay không một phần lớn do cách ứng xử của người dân: lịch sự chào đón hay xung đột với họ. Sự vắng mặt của bạo lực và lan tỏa những nụ cười mới là yếu tố du khách tìm kiếm ở bất cứ nơi đâu!