Độc đáo khám thờ gỗ thếp vàng 400 năm tuổi có hình dáng như "một toà lâu đài"

ANTD.VN -Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia có niên đại từ thế kỷ XVI, là sản phẩm tiêu biểu của kỹ nghệ sơn thếp truyền thống thời Mạc. Bên cạnh đó, nó còn là tư liệu quý giá góp phần nghiên cứu về kiến trúc thời đại này, một thời đại với nhiều biến cố, chiến tranh loạn lạc.

Nguyên vẹn và độc bản

Cùng với tượng đôi sư tử đá, khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thuộc quần thể di vật chùa Bà Tấm (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) vừa chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt 8, tháng 1-2020). Trải qua hơn 400 năm tồn tại, cùng sự khắc nghiệt của điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, các lớp sơn thếp của khám thờ vẫn còn gần như nguyên vẹn, đó cũng là một minh chứng rõ nét cho sự tiếp thu kỹ nghệ sơn thếp cổ truyền của người Việt có lịch sử từ hơn 2.000 năm trước.

Khám thờ gỗ thời Mạc được xem là đỉnh cao của nghệ thuật sơn son thếp vàng (ảnh: Hữu Nghị)

Khám thờ gỗ cao: 170cm; Rộng thân: 63cm; Rộng chân: 67cm, khám được tạo tác với dáng dấp của một toà kiến trúc đồ sộ gồm 3 phần: bộ mái, thân và chân đế, liên kết với nhau bằng hệ thống mộng và chồng đấu.

Bộ mái được tạo tác theo kiểu thức chồng diêm hai tầng tám mái, dật cấp, lợp ngói âm dương. Tầng mái trên thu nhỏ, gồm 2 mái chính và hai mái phụ (chái), nối với nhau bởi các bờ nóc, bờ giải có trang trí hoa chanh, hoa thị. Hai đầu bờ nóc có hai con kìm chạm hình rồng nhô cao. Tầng mái dưới xòe rộng, bốn mặt mái hình thang cân. Dưới mỗi tầng mái là bộ con sơn (đấu củng) chạc ba (mang tính chất trang trí nhiều hơn là chống đỡ hay chịu lực).

Thân khám gồm 2 lớp, lớp trong hình khối hộp chữ nhật, mặt trước trổ cửa bức bàn, có lan can vây quanh và ngưỡng cửa, với y môn (áo cửa) chạm rồng chầu hoa cúc. Ba mặt bên là ván bưng, chạm lộng hình rồng trong ô tròn và ô-van, hoa cúc, dây xoắn trong ô chữ nhật đứng và nằm ngang. Bốn góc là 4 cột trụ, có mộng liên kết và đỡ 2 tầng mái.

Với nghệ thuật sơn thếp và chạm khắc đạt đến đỉnh cao, khám thờ chùa Bà Tấm vừa trở thành Bảo vật Quốc gia (ảnh: Hữu Nghị)

Lớp ngoài (mang tính chất trang trí, không có chức năng chịu lực và chống đỡ) là 4 trụ ở 4 góc, liên kết với nhau bằng đố ngang và lan can, chạm nổi hình rồng trên thân trụ, chạm lộng lưỡng long chầu nguyệt ở 4 mặt diềm cửa võng. Chân đế khám được tạo theo kiểu bốn chân quỳ dạ cá, chạm nổi đao mác và văn xoắn.

Bảo vật Quốc gia khám thờ bằng gỗ chùa Bà Tấm hiện trạng khá hoàn hảo và nguyên vẹn, đây là hiện vật gốc, độc bản, tiêu biểu về loại hình đồ thờ trong đền – chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của đồ sơn gỗ sơn thếp

Giá trị thẩm mỹ, giá trị kiến trúc nổi bật

Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu lịch sử, khám thờ là một minh chứng sinh động về nghệ thuật trang trí kiến trúc của người Việt ở thế kỷ XVI. So với khám thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở di tích chùa Thầy (Quốc Oai – Hà Nội) và khám thờ tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khám thờ ở di tích đền Bà Tấm là một trong 03 chiếc khám thờ có niên đại sớm nhất hiện biết, mang phong cách trang trí nghệ thuật thế kỷ XVI.

Khám thờ là một hiện vật tương đối hiếm trong các di tích, được bắt nguồn từ “am thờ” trong kiến trúc. Về tinh thần, khám thờ làm tăng thêm ý nghĩa thâm nghiêm của vị thần được thờ. Khám thờ tại di tích đền Bà Tấm mang tư cách là một am thờ nhỏ, được làm theo kiểu long đình, hình thức của một kiến trúc thu nhỏ nhưng khá chi tiết.

Mô hình khám thờ còn thể hiện sự tiếp thu, kế thừa truyền thống kiến trúc Việt qua mô hình nhà; tháp đất nung và gốm men từ thời Lý – Trần hiện biết ở Việt Nam, đó là những tháp đất nung thời Trần tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Bảo tàng Nam Định; Bảo tàng Thái Bình, Bảo tàng Hải Dương, và đặc biệt là tháp gốm men chùa Trò thời Trần tại Bảo tàng Vĩnh Phúc, qua đặc trưng dễ nhận thấy nhất là kết cấu con sơn chồng đấu (đấu củng) đỡ các lớp mái.

Tuy nhiên, trên các mô hình tháp đất nung, kết cấu đấu củng không có độ tinh xảo, sắc nét hay tính nghệ thuật cao như trên khám gỗ sơn son thếp vàng ở di tích đền Bà Tấm.

Kết cấu đấu củng này cũng xuất hiện ở di tích đồng đại với đền Bà Tấm là đình Tây Đằng (huyện Ba Vì – Hà Nội), niên đại thế kỷ XVI, mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, hay tại các di tích có niên đại muộn hơn như cung Thánh chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), gác chuông chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình) ... có niên đại thế kỷ XVIII.

Sở dĩ khám thờ chùa Bà Tấm được công nhận là Bảo vật Quốc gia là bởi, di vật đặc biệt ở giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Mạc, đóng góp một loại hình khá đặc biệt về đồ thờ trong thiết chế tôn giáo của người Việt nói chung, thời Mạc nói riêng. Trên khám thờ trang trí nhiều họa tiết hoa văn như: hình hoa cúc, hình rồng mang phong cách thời Mạc khá rõ rệt. Ngoài giá trị thẩm mỹ, nó còn cung cấp những hình dung về kiến trúc thời Mạc, một triều đại không lưu lại nhiều tư liệu bởi sự huỷ hoại của thời gian, thời tiết  và đặc biệt là chiến tranh loạn lạc và ý thức của con người.

Thế kỷ XVI là một thế kỷ có nhiều biến động đối với lịch sử dân tộc, dẫn đến những thay đổi lớn trong xã hội. Nền nghệ thuật kiến trúc Việt trong giai đoạn này cũng có sự biến đổi do sự tác động chung của bối cảnh xã hội. Ở thế kỷ này, nền nghệ thuật kiến trúc dân gian vốn từ lâu vẫn lưu tồn trong văn hóa xóm làng, nay có dịp được trỗi dậy và phục hồi mạnh mẽ, với nhiều ngôi đình, chùa làng được xây dựng, tu sửa ở các địa phương. Chính điều đó đã tác động lớn đến nền nghệ thuật dân tộc và tạo nên một diện mạo mới với những giá trị thẩm mỹ cao đối với nền văn hóa đương thời. Các nhà nghiên cứu  lịch sử nghệ thuật coi đây là một bước ngoặt quan trọng.

Nghệ thuật thời Mạc đã đưa nghệ thuật dân tộc trở về với bản thể, với truyền thống của mình. Cũng nhờ sự “trở về” với truyền thống, với bản sắc, nên nghệ thuật kiến trúc thời Mạc đã sáng tạo nên những công trình có giá trị nghệ thuật cao như di tích nghệ thuật kiến trúc chùa Mui (Thường Tín – Hà Nội). Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng ở di tích đền Bà Tấm với kết cấu mái tương tự mái chùa Mui trong mô hình thu nhỏ, còn tồn tại đến ngày nay là một hiện vật thực sự có giá trị, chúng đóng góp vào gia tài kiến trúc cổ Việt Nam.

Di tích đền, chùa Bà Tấm được khởi dựng từ thời Lý (thế kỷ XII), đến các triều Lê Sơ, Mạc kế tiếp được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng này với các đặc điểm trang trí cho thấy sự xuất hiện của khám tại di tích đúng vào thời gian trùng tu, tôn tạo vào triều Mạc (thế kỷ XVI).