Đề nghị xây dựng hồ sơ công nhận ải Chi Lăng là di tích Quốc gia đặc biệt

ANTD.VN - Bên cạnh việc khẳng định giá trị lịch sử, vai trò của vùng đất Chi Lăng nói chung và Khu di tích lịch sử Chi Lăng nói riêng, các nhà khoa học còn đề xuất ý kiến xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Khu di tích lịch sử Chi Lăng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là một nội dung quan trọng của hội thảo khoa học với chủ đề “Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”, do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Sở VH-TT&DL tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Chi Lăng phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Lạng Sơn. 

Dấu tích còn sót lại của ải Chi Lăng

Biểu tượng của những chiến công hào hùng

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, quá trình xây dựng và phát triển trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mảnh đất Chi Lăng luôn là biểu tượng của những chiến công hào hùng, làm rạng danh non sông đất nước.

Với địa thế hiểm trở, núi rừng trùng điệp, đèo cao suối sâu nằm giữa vòng cung Đông Triều và Bắc Sơn, trên thượng nguồn sông Thương, một bên là dãy núi Thái Họa Bảo Đài, một bên là dãy Cai Kinh sừng sững. Chính địa hình như vậy đã tạo cho Chi Lăng có một vị trí trọng yếu, là cửa ngõ chính ở phía Bắc Tổ quốc, được ví như bức tường thành vững chắc của Kinh thành Thăng Long, là yết hầu của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược phương Bắc tràn sang. 

Chi Lăng  chính là con đường độc đạo duy nhất khi phương Bắc muốn tiến sâu vào xâm lược nước ta. Do vậy, các triều đại phong kiến đều chọn Chi Lăng  là nơi quyết chiến với kẻ thù xâm lược phương Bắc.

Đặc biệt, đến thế kỉ XV, ngày 10-10-1427, trên mảnh đất Chi Lăng, quân và dân ta đã lập nên một chiến công vang dội, tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, chống quân xâm lược nhà Minh, giành lại trọn vẹn non sông, đất nước.

GS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá, chiến thắng Chi Lăng đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi, cùng với các chiến thắng Bạch Đằng, Như Nguyệt, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi - Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Chiến thắng Chi Lăng là khúc ca hùng tráng biểu thị tập trung chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của dân tộc ta. 

Công tác bảo tồn chưa tương xứng với ý nghĩa lịch sử

Với ý nghĩa, giá trị lịch sử quan trọng như trên, ngày 26-4-1962, Khu di tích chiến thắng Chi Lăng được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích Quốc gia đợt đầu - khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, do những tác động của thiên nhiên và con người qua gần 600 năm nên có những điểm di tích trên thực tế đã mất dấu vết. Khi được công nhận di tích Quốc gia, Khu di tích Chi Lăng được xác định với 52 điểm di tích phân bố trên phạm vi rộng lớn, bao gồm toàn bộ vùng đất đã diễn ra chiến trận ở Chi Lăng  nhưng hiện nay chỉ còn 46 điểm di tích được xác định, phân bố làm 5 cụm trải dài từ khu Mỏ Đá, xã Quang Lang đến xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng. Bên cạnh đó, còn có một số di tích được hình thành từ tín ngưỡng thờ những người có nhiều cống hiến, đã hy sinh trong chiến đấu: đền Quan Nàng, đền Mỏ Bạo (xã Quang Lang)...

Theo nhận định của các đại biểu, về cơ bản, tại khu di tích Chi Lăng hiện nay mới chỉ có các hạng mục chính đó là nhà trưng bày và tượng đài Chiến thắng Chi Lăng, nhìn chung công tác bảo tồn di sản tại đây là chưa tương xứng so với ý nghĩa lịch sử của khu di tích này.

Do vậy, để phục vụ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử; quản lý và khai thác tốt các tiềm năng về du lịch và dịch vụ của khu di tích trên địa bàn rộng, trải dài của toàn bộ quần thể Khu di tích Chi Lăng thì việc đầu tư, xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là hết sức cần thiết.

Đồng thời, việc tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học và pháp lý để trình Bộ VH-TT&DL, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng quần thể di tích ải Chi Lăng là Di tích Quốc gia đặc biệt cũng không kém phần quan trọng. 

Khu di tích lịch sử Chi Lăng hứa hẹn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục lớp trẻ về truyền thống yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, về sự dũng cảm, mưu trí của các thế hệ cha ông, đồng thời hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành điểm tham quan, học tập hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.