Đầu tư 4,4 tỷ đồng khai quật Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ

ANTD.VN - UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt dự toán kinh phí khai quật khảo cổ tại tường thành phía Đông Bắc, cổng thành phía Bắc – Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Nhằm nghiên cứu cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tường thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt dự toán kinh phí khai quật khảo cổ công trình này.

Điểm khai quật chính là khu vực tường thành phía đông Bắc cổng thành phía Bắc, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ được giao làm chủ đầu tư. Tổng dự toán cho việc khai quật lần này là 4,4 tỷ đồng.

Được biết Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ sẽ phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam thực hiện khai quật trên diện tích 400m2. Việc khảo cổ được thực hiện theo quy trình khai quật, bảo quản cấp thiết sau khai quật.

Cụ thể: Khi gặp di tích, di vật thì tiến hành làm xuất lộ di tích, di vật theo yêu cầu của khảo cổ để đo, vẽ, chụp ảnh. Dừng khai quật khi gặp cốt nền của di tích, mở hố thám sát nhỏ để kiểm tra kết cấu địa tầng có di tích...

Thành Nhà Hồ thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407.

Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

Trong hồ sơ di sản thế giới, thành Nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15.

Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, thành Nhà Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn.

Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Theo các tài liệu và thư tịch cổ, cùng với việc khảo cổ, nghiên cứu hiện trạng thì phức hợp di sản thành Nhà Hồ ngoài thành nội, hào thành, la thành còn có đàn tế Nam Giao.