Dấu ấn Chăm ở bến Châu Giang

ANTD.VN - Tôi lên phà, đứng chờ cập bến cùng những người bán rong và cư dân bản địa. Bên kia là làng Châu Giang của đồng bào Chăm, nơi mà khách du lịch tứ xứ hằng mê mẩn. Tôi há hốc miệng khi xe chạy qua con đường làng vắng vẻ với rặt nhà sàn. Nhà dù bằng gỗ hay đã xây gạch cũng đều không bám mặt đất, y như vài trăm năm trước đồng bào Chăm sống thế nào thì giờ vẫn theo nếp vậy. 

Tung lò mò, đặc sản người Chăm Châu Đốc

Lác đác những người đàn ông quấn xà rông và phụ nữ mặc bộ váy suông dài kèm khăn trùm đầu thấp thoáng trên đường. Tên của họ cũng nghe là lạ tai, toàn là những Jameel, Sharif, Mehmet… Giờ này vẫn đang chính Ngọ nên các căn nhà sàn đóng cửa im ỉm. Vũ, anh “xe ôm” tôi thuê bèn lái thẳng đến thánh đường Hồi giáo lớn nhất An Giang mang tên Jamiul Azhar và thêm vài giáo đường khác như Mubarak, Ehsan, Sunnah. Những mái vòm màu trắng viền xanh lá cây và biểu tượng trăng lưỡi liềm kia, chụp khéo rồi về nói phét rằng vừa đi Brunei khéo ở nhà cũng tin. 

Ở nơi có đông đồng bào Chăm nhất

Hai ngày ở Châu Đốc mà tôi hoa mày chóng mặt vì liên tục trải qua từ mới lạ này sang ngỡ ngàng khác. An Giang là nơi tập trung nhiều đồng bào Chăm nhất Việt Nam, dù đồng bào Khmer ở đây thậm chí còn nhiều hơn, tới 9 vạn dân. Hơn 1 vạn tín đồ Hồi giáo sinh sống trong 11 làng đồng bào Chăm ở An Giang.

Họ giống như bất kỳ người Hồi nào ở Trung Đông hay Bắc Phi, cũng có lễ Ramadan, lễ hành hương Roya Haji, họ đọc kinh Coran hàng ngày, không ăn thịt lợn và phụ nữ thì hạn chế một mình đi lại nơi công cộng. Tức là, một phụ nữ Chăm Hồi giáo chắc không biết đến lúc nào mới mơ được một mình lang thang từ Nam chí Bắc như tôi, rồi đứng ngẩn ngơ cạnh một gã “xe ôm” mà giương máy ảnh bấm lách cách lên mái vòm Mubarak. 

Các tài liệu hiện đại từng đưa ra nhiều giả thuyết về người Chăm, mỗi nguồn lại khẳng định một lịch sử khác nhau. Thậm chí chính đồng bào Chăm ở An Giang cũng không chắc chắn tổ tiên họ đến Việt Nam từ đâu, khi nào và bằng con đường nào. Nhưng căn cứ vào ngôn ngữ mẹ đẻ mà họ đang giao tiếp với nhau hàng ngày, người nói tiếng Campuchia, người lại nói tiếng Mã Lai, mà họ cho rằng “các cụ nhà” đã từng vượt biển mãi tận đảo Java, đảo Mã Lai và nước láng giềng Campuchia.

Họ, cũng như những người Quảng Đông, Phúc Kiến, Khmer, Lào, Thái, trôi dạt đến lãnh thổ Việt Nam từ mấy trăm năm trước, thậm chí là 1 thiên niên kỷ trước, trải qua bao sóng gió bão bồi của chiến tranh, những người di cư vẫn giữ nguyên văn hóa và ngôn ngữ hầu như không mai một. Người Chăm nổi tiếng nhất mà tôi biết là nhà thơ             Inrasara, một chuyên gia về văn hóa Chăm với hơn 20 đầu sách khảo cứu về chủ đề này.

Có lần anh cũng tặng tôi một quyển sách, chẳng phải thơ mà là sách nghiên cứu về người Chăm. Inrasara mỗi lần đi họp hội, dù không quấn xà rông nhưng vẫn cứ thích đội cái mũ thổ cẩm người Chăm. Nhà thơ tự hào về gốc Chăm của mình đến nỗi dù tên thật của anh là Phú Trạm, nhưng sau này vẫn lấy bút danh Inrasara cho thật là Chăm.

Nhà sàn của người Chăm làng Châu Giang

Không có thứ gì đắt đỏ cả

Không có bất cứ thông tin và kinh nghiệm gì về làng Chăm ở Châu Giang, tôi để mặc cho anh “xe ôm” chở đi đâu thì chở. Dường như cũng đã quen chở khách du lịch, Vũ đưa tôi đến một hiệu bán đồ thổ cẩm nằm ven đường cái. Thấy khách vào, 2 phụ nữ đang ngồi bên khung cửi đồng loạt kéo khăn trùm đầu lên, không rõ là phong tục cần phải kín đáo tóc tai hay chỉ là để làm dáng trước khách du lịch mà thôi. Dẫu sao thì những luật tục quy định cho phụ nữ Chăm cũng không còn hà khắc như xưa, thuở chị em bị cấm cung y như mấy nước Hồi giáo cực đoan bây giờ, muốn đi đâu quanh làng cũng phải có người tháp tùng và nhất thiết là che kín mặt cho khỏi lộ dung nhan trước bàn dân thiên hạ. 

Tôi hỏi giá mấy cái mũ và túi thổ cẩm rồi bắt đầu mặc cả theo thói quen. Chị người Chăm đội chiếc khăn trùm đầu hoa mơ cười hiền lành năn nỉ: “Thôi mua giúp chị đi, chị bán rẻ lắm rồi mà”. Ừ nhỉ! Tôi giật mình, sao giá rẻ thế này mình còn mặc cả! Đây là Châu Đốc, có phải mấy khu chợ đắt đỏ ngoài Hà Nội đâu. Không có thứ gì đắt đỏ ở Châu Đốc cả. Tô bún 15 nghìn, chai thốt nốt 5 nghìn, cuốc xe lôi 40 nghìn, và chiếc mũ dệt hoa văn xinh đẹp này cũng chỉ có 100 nghìn đồng.

Tôi mua vài món đồ rồi kết thúc hành trình, trước khi sực nhớ ra còn một món rất nghiện mà không đâu làm ngon bằng người Lào, người Campuchia: Lạp xưởng. Đồng bào Chăm hay Khmer nhồi lạp xưởng cũng xuất sắc không kém. Vừa nom lạp xưởng của họ thì bác Mai Quế Lộ phải khóc tu tu mà lấy làm ngượng. Thấy những người đi trước trên mạng dặn dò kẻ đi sau rằng, nếu có qua bến Châu Giang thì nhớ mua lấy cân lạp xưởng về làm quà. Tôi chẳng làm quà cho ai, mua về là ăn cả. 

Lạp xưởng người Chăm lại đặc biệt hơn, ấy là vì họ không ăn thịt lợn nên nhân nhồi sẽ hoàn toàn bằng thịt bò. Lạp xưởng bò ấy gọi là… “tung lò mò”. Thực ra là cách đọc chại của từ tiếng Chăm “tung lamaow” (nghĩa là thịt trong ruột bò). Thịt bò, mỡ bò sẽ được tẩm ướp rồi nhồi vào ruột bò thành lạp xưởng, xong lại nướng cháy cạnh cho mỡ bò chảy ra thơm lừng. “Tung lò mò” được nhồi khúc ngắn, béo trùng trục, chứ không thon dài như lạp xưởng truyền thống Mai Quế Lộ. Đi vào khu vực chuyên lạp xưởng sẽ thấy người ta treo lủng lẳng những xâu “tung lò mò” đen thui bên hiên nhà sàn và mấy tấm biển “tung lò mò” in sơ sài cũng cắm tạm trước cửa. 

Nhà văn Di Li

Nhớ câu chuyện và những nốt nhạc của “tiếng trống Paranưng”

Vũ biết rõ người nào bán lạp xưởng ngon nhất làng nên chở thẳng tôi đến đấy. Cậu đỗ xịch xe trước một nhà sàn bằng gỗ rồi cất tiếng gọi. Một bà già dân tộc Chăm xuất hiện trên khung cửa, mắt kèm nhèm, khuôn mặt cau có như thể cả thời thiếu nữ đã bị cấm cung trong ngôi làng này đến nỗi hết đời chưa đi quá bến phà Châu Giang. Bà mặc bộ váy dài thượt nhưng ôm gọn eo của người Chăm, song không đội khăn trùm đầu. Bà hỏi tôi mua loại nào rồi đi vào tủ lạnh để lấy hàng.

Tranh thủ lúc ấy, tôi tò mò thò hẳn đầu vào trong nhà mà soi từng góc một cách lỗ mãng. Ngôi nhà lát gỗ bóng loáng như đã trơn nhẵn chân người từ hàng thế kỷ, không cửa sổ, chỉ một hàng hiên sau chạy vòng hình chữ L quanh nhà. Hiên ấy trông ra sân và đón sáng vào nhà giúp gia chủ. Nhờ thế mà hàng trăm thứ đồ lủng củng, tạp pí lù mới lờ mờ hiện ra từ những góc tối. Đồ đạc chất dọc các vách tường, ở giữa tuyệt nhiên không có bàn ghế gì cả.

Người Chăm luôn ngồi ăn uống và tiếp khách ngay trên nền nhà. Bà chủ hàng “tung lò mò” đã quay lại, dáng lom khom gầy guộc của tuổi già khiến bà giống một phù thủy đang sống trong túp lều chân gà âm u, cổ kính. Chỉ có điều ngôi nhà này có rất nhiều chân mà thôi. Tôi quý hóa ôm theo 2 gói “tung lò mò” theo mình. Vũ lo lắng hỏi liệu hành trình lâu như thế có sợ ôi thiu mất món này hay không, bởi đây là lạp xưởng tươi, luôn phải bảo quản trong tủ lạnh. 

Rời khỏi bến Châu Giang, nhớ lại câu chuyện về “Tiếng trống Paranưng”. Cái ngày nhạc sĩ Trần Tiến đặt chân đến bến Châu Giang và choáng ngợp trước vẻ đẹp của cô gái Chăm lúc nàng vừa hạ chiếc khăn Mat’ra xuống, và những nốt nhạc đầu tiên của “Tiếng trống Paranưng” ra đời từ cảm hứng ấy. Phần phối khí khiến người nghe bỗng chìm vào một không gian Hồi giáo hư ảo và cổ tích. Giai điệu luyến láy đặc trưng của người Chăm pha lẫn nét nhạc miền Tây bỗng đâu chợt ngân nga trong nắng cháy: 

Tôi yêu chiếc khăn Mat’ra

Vương trên trán em dịu êm

Tôi yêu tiếng ca Atidza

Bao la bao la biển lúa

Như nắng buông trên dòng Tiền Giang

Như gió reo trên dòng Hậu Giang

Như lời thương nhớ ai

Mà giọng hát xa vời