Đạo diễn Singapore chia sẻ về việc dựng kịch "Tấm Cám" cho thiếu nhi

ANTD.VN - Sân khấu Lệ Ngọc vừa khởi công dàn dựng vở kịch dành cho thiếu nhi “Tấm Cám”. Người được “cầm quân”, chỉ đạo dàn diễn viên trẻ lại là một đạo diễn nước ngoài. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Chua Soo Pong (Singapore). 

Đạo diễn Singapore chia sẻ về việc dựng kịch "Tấm Cám" cho thiếu nhi ảnh 1Lễ khởi công vở “Tấm Cám” do sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng vừa diễn ra sáng 25-3 tại Hà Nội

- PV: Với ông, dựng kịch cho thiếu nhi có dễ như người ta vẫn nghĩ, tức là một chút âm nhạc, một chút nhảy múa, xâu chuỗi lại với nhau là ra vở kịch? 

- Đạo diễn Chua Soo Pong: Sau “Đám cưới con gái chuột” và “Con gà trống”, đây là lần thứ ba tôi được sân khấu Lệ Ngọc mời dựng vở dành cho thiếu nhi. Đừng nghĩ dựng vở cho thiếu nhi là dễ, rất khó đấy! Với “Tấm Cám”, một câu chuyện cổ tích của Việt Nam có nhiều tình tiết không có thật, cái khó dành cho đạo diễn là phải tạo ra các cảnh diễn thuyết phục các em rằng, những điều tưởng tượng ra ấy, đang được các diễn viên thể hiện trên sân khấu không hề bịa đặt. 

Chỉ khi tin, các em mới theo dõi tới cùng. Chưa kể, dựng kịch cho thiếu nhi không thể đao to, búa lớn như dựng kịch cho khán giả lớn tuổi. Vì thế, phải có ca múa nhạc đan cài khiến cho câu chuyện trở nên tươi vui, dí dỏm và hài hước. Nhưng liều lượng ra sao cho vở diễn không quá nặng nề nhưng cũng không quá nhảm nhí, đến mức khiến cho ai đó nghĩ rằng, dựng kịch cho thiếu nhi dễ lắm lại cần đến cái tài của nhà đạo diễn. 

- Truyện “Tấm Cám” có nhiều tình tiết không phù hợp cho thiếu nhi. Khi bắt tay vào dàn dựng, ông có tuân thủ đúng tinh thần của nguyên tác?

- Tôi rất cảm ơn nhà văn Nguyễn Hiếu đã phóng tác câu chuyện cổ tích nằm lòng với các em thiếu nhi Việt Nam bằng ngôn từ trau chuốt, mượt mà. Nhưng khi đưa vở lên sàn tập, tôi sẽ sử dụng lời thoại giản dị, giúp các em nhỏ dễ nhớ. Tất nhiên, với những cảnh diễn được cho là không phù hợp với tâm sinh lý trẻ nhỏ, tôi sẽ lược bỏ. 

Nhưng tinh thần của nguyên tác như: “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”… sẽ giữ nguyên bằng việc thay thế bằng những cảnh diễn “dễ thở” hơn. Vở diễn “Tấm Cám” do tôi dàn dựng sẽ không có ông bụt, ông tiên, thay vào đó là hình ảnh của mẹ Tấm. Tôi muốn tô đậm hình ảnh của người mẹ Việt trong vở kịch này. Dù đã mất, nhưng mẹ Tấm vẫn luôn theo cô, che chở và phù hộ cho Tấm trong những lúc hoạn nạn. 

Đạo diễn Singapore chia sẻ về việc dựng kịch "Tấm Cám" cho thiếu nhi ảnh 2Đạo diễn Chua Soo Pong (bên phải)

- Đây có thể xem như góc nhìn mới của ông với tư cách là một đạo diễn nước ngoài?

- Tôi là người mang kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu lên sân khấu. Ngay trong kịch bản, nhà văn đã có ý tưởng này và tôi hoàn toàn đồng thuận với tác giả kịch bản. Đồng thời, tôi cũng không tán thành việc đưa các chi tiết tàn bạo lên sân khấu. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 và dựng kịch cổ tích cũng cần phù hợp với thời đại. Tôi không muốn tạo ra các sản phẩm văn hóa dành cho thiếu nhi, để các em làm theo mà mong các em sẽ phải suy nghĩ để có hành động phù hợp, trở thành người tốt trong xã hội. 

- Sân khấu Idecaf ở TP.HCM đã từng dựng “Tấm Cám” và được người xem đặc biệt yêu thích, tới mức khán giả phải xếp hàng mua vé vào xem. Ông có gặp áp lực nào trong lần hợp tác với sân khấu Lệ Ngọc?

- Tôi chưa từng xem vở diễn “Tấm Cám” của sân khấu Idecaf. Vì thế, tôi tin mình sẽ không lặp lại bản diễn này. Nhưng tôi lại mong, tác phẩm sau  khi ra mắt sẽ có được cái kết hậu như Idecaf đã làm được. Có thế, truyện cổ tích mới thực sự bước ra đời thực (cười). Tôi cùng với các diễn viên trẻ sẽ cố gắng để làm nên “Tấm Cám” thời hiện đại và tạo nên vở kịch dành cho các em thiếu nhi hay nhất, hấp dẫn nhất. Sau lần biểu diễn vào dịp 1-6, chúng tôi sẽ lên đường tham dự Liên hoan nghệ thuật quốc tế thiếu nhi tại Nhật Bản, 4 năm tổ chức 1 lần. 

- Xin cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện!