Đại lộ di sản: Đón mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019

ANTD.VN - Cùng ngày khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019, tối nay 12-5 tại khu du tịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đại lộ di sản”. Chương trình do VTV - Đài Truyền hình Việt Nam lần đầu tiên tổ chức với mong muốn tái hiện bức tranh di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Thông qua đó, góp phần bảo vệ di sản, các giá trị văn hóa chân - thiện - mỹ của nhân loại. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với nhà báo Đặng Diễm Quỳnh - người chỉ đạo sản xuất chương trình nghệ thuật này.

Không gian nơi diễn ra chương trình nghệ thuật “Đại lộ di sản”

- PV: Chị có thể chia sẻ từ đâu VTV có ý tưởng thực hiện một chương trình vào dịp này “gói ghém” di sản không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới không?

- Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh: Trên thực tế chúng ta đã có nhiều chương trình về văn hóa nhưng vẫn chưa có những sân chơi lớn, đưa các di sản của Việt Nam trình diễn một cách công phu, hoành tráng, đồng thời được xếp ngang hàng với quốc tế, nếu như không muốn nói là rất khó khăn để có thể thực hiện. Bản thân chúng tôi khi quyết định làm chương trình này cũng đã trải qua một chặng đường dài hơn 1 năm, từ lên ý tưởng, hoàn thiện kịch bản đến triển khai thực hiện.  

Ban đầu, ý tưởng là dành 80% nội dung cho các di sản nghệ thuật Việt Nam, còn lại sẽ mời một đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia trình diễn. Tuy nhiên, khi bàn bạc thì lại thấy, làm một chương trình gói riêng các di sản Việt Nam đã là sự khác biệt rất lớn rồi. Ví dụ hát cải lương, nhã nhạc thì phải trong không gian cung đình, hát quan họ thì phải có bờ sông, giếng nước…

Thế nên, riêng việc đưa các di sản lên cùng một sân khấu là thách thức không nhỏ. Để khắc phục sự khác biệt này, chúng tôi chọn cách nhân sự khác biệt đó lên, không chỉ còn là khác biệt giữa các vùng miền trong nước mà còn là khác biệt của các nền văn hóa nước ngoài. Khi chứng kiến những đoàn nghệ thuật quốc tế trình diễn ở Việt Nam, cách mà họ gói ghém cả một nền văn hóa, lịch sử đất nước vào một chương trình biểu diễn khiến chúng tôi tự hỏi: tại sao không làm chương trình như vậy? Vả lại, một chương trình có rất nhiều sự khác biệt thì người ta sẽ không đặt vấn đề tại sao nó lại khác nhau nữa.

- Tại sao êkip sản xuất lại quyết định chọn không gian thực hiện chương trình là khu du lịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam) mà không phải một địa điểm nào khác?

- Để có thể thực hiện một chương trình đúng như ý tưởng đề ra, chúng tôi cần một mô hình sân khấu linh hoạt, lúc cần rộng thì rộng, lúc cần hẹp thì có thể thu gọn lại, lúc cần ánh sáng mờ ảo, lúc cần sự huy hoàng… Vì thế bắt buộc phải có một không gian nghệ thuật rộng mở. Nếu như không phải Tam Chúc mà trong không gian một ngôi chùa nào đó, hoặc trong di sản khác như Hoàng Thành, tôi nghĩ chưa chắc đạo diễn Việt Tú đã có thể thỏa sức sáng tạo.

Khu Tam Chúc có không gian dàn dựng mở, đủ để đưa vào các loại hình nghệ thuật đòi hỏi nhiều lớp lang sân khấu. Không gian tổ chức thật sự là một thách thức đối với những người tổ chức và rất may là chúng tôi đã tìm ra Tam Chúc. Khu du lịch tâm linh nơi diễn ra chương trình cũng ngay sát với địa điểm diễn ra Đại lễ Phật đản Vesak 2019. Vì thế đây là dịp vô cùng quý giá để hòa vào không khí sự kiện ý nghĩa này, bởi khán giả của chương trình còn có hơn 1.000 đại biểu quốc tế sang Việt Nam để tham dự Vesak.

Đoàn xe hoa diễu hành chạy qua cổng Tam quan tiến vào khu quần thể chùa Tam Chúc

- Hẳn êkip sản xuất đã phải “cân não” để có thể lựa chọn ra các tiết mục trong nước và quốc tế tham gia trình diễn trong chương trình lần này?

- Đúng vậy, chúng tôi đã phải cân nhắc và lựa chọn rất kỹ lưỡng, để làm sao các tiết mục khi vào trong một chương trình không có sự khác biệt quá lớn. Việc chọn một vùng văn hóa châu Á với gốc gác đạo Phật cũng là để giảm bớt sự khác biệt đó, nhưng nếu lựa chọn không khéo thì lại có sự giống nhau nên rất khó. Chưa kể một số quốc gia có rất nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhưng họ chưa làm hồ sơ trình Unesco công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên mới chỉ là di sản văn hóa quốc gia thôi. 

Thông qua Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, chúng tôi gửi thư mời đến quốc gia đó và cơ quan quản lý văn hóa của họ sẽ chọn ra đoàn nghệ thuật tiêu biểu, lập danh sách giúp chúng tôi có sự lựa chọn phù hợp nhất. Một số thành viên trong êkíp gọi chương trình “Đại lộ di sản” là “Festival về di sản”. Tôi nghĩ nếu đạt được điều đó thì quá tốt, còn bản thân chúng tôi, lần này làm có sự đầu tư về chuyên môn. Vì vậy khán giả sẽ được xem những di sản nghệ thuật không chỉ của Việt Nam mà còn là những nét đặc sắc của các quốc gia trên thế giới. Sự khác biệt trong văn hóa các quốc gia tạo ra sự thú vị cho chương trình nghệ thuật, nhưng nó còn hướng tới tính nhăn văn, hướng thiện của tất cả các quốc gia trên thế giới

- Theo chị, điểm nhấn của chương trình nghệ thuật độc đáo này là gì?

- Tôi nghĩ đó là âm thanh và hình ảnh cực kỳ lộng lẫy. Nhưng đó cũng là một thách thức lớn, ví dụ như nhạc Ấn Độ với nhạc Srilanka khá giống nhau vì đều mang âm sắc của vùng Nam Á. Rồi Thái Lan với Indonesia cũng vậy. Điều quan trọng là làm sao chúng tôi phải tách biệt ra và làm thật khác. Chưa kể phần âm nhạc có nhiều tiết mục mà âm nhạc lại còn phi chính thống, tức là không ghi lại được thành tổng phổ, bằng mọi cách chúng tôi phải ghi lại từ truyền khẩu.

Nhưng điều này hứa hẹn sẽ mang lại cho khán giả nhiều sự mới mẻ và thú vị. Chúng tôi xác định di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc. Mỗi di sản đều có điểm phát tích, có những thăng trầm gắn với lịch sử và văn hóa của mỗi quốc gia. Ngoài những mặt giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, ngày nay di sản văn hóa còn được nhìn nhận như một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Góp phần quảng bá di sản văn hóa

Đại lộ di sản: Đón mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 ảnh 5

Tham gia trong êkip sáng tạo chương trình “Đại lộ di sản”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ, khu vực Tam quan của Tam Chúc (Hà Nam), nơi được chọn làm địa điểm tổ chức có thế lưng tựa vào núi Ngọc theo chiều thoải đi lên, nghĩa là có hạ, trung, thượng với kết cấu rất chặt chẽ. Còn trước mặt hướng ra vùng nước được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”, xung quanh là những ngọn núi rất lớn. Chương trình có chủ đề Việt Nam - đất Phật ngàn năm sẽ tạo được mối giao thoa giữa chương trình của “Đại lộ di sản” với không gian chung của Đại lễ Vesak. Chương trình hướng đến các nền văn hóa Phật giáo nhân sự kiện Vesak 2019.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, đây là cơ hội để anh thử thách bản thân, và đặc biệt hơn cả là cơ hội để người Phật tử như anh được đóng góp vào tinh thần chung của Vesak 2019. “Đại lộ di sản” lần này có nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ các quốc gia Phật giáo nên sẽ tạo ra sự cộng hưởng rất lớn. Chương trình  được truyền hình trực tiếp, góp phần quảng bá cho di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới. 

Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019

Sáng nay 12-5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 sẽ chính thức khai mạc tại chùa Tam Chúc (Hà Nam).  

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, đến thời điểm này, đã có trên 1.600 đại biểu quốc tế chính thức từ 570 phái đoàn quốc tế thuộc trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, bao gồm nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bộ trưởng, đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức… Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và khoảng 20.000 đại biểu, Phật tử trong nước, đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu, lãnh đạo các tôn giáo bạn dự đại lễ. 

Đại lễ Vesak 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-5, với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Trong khuôn khổ của Đại lễ, bên cạnh các hội thảo, diễn đàn, còn có các nội dung văn hóa tâm linh như lễ tắm Phật truyền thống; thuyết pháp ý nghĩa Phật đản; triển lãm văn hóa Phật giáo; hội chợ văn hóa phẩm Phật giáo; khai đăng hoa sen; ra mắt mạng xã hội Phật giáo: Butta.vn; Lễ công bố ra mắt bộ tem chào mừng Đại lễ Vesak 2019; Đại lễ Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới…