Cuộc độc hành 7.000 km và 3.000 bức ảnh của "người hùng săn rác"

ANTD.VN - Lekima Hùng tên thật là Nguyễn Việt Hùng, thời gian gần đây anh còn có thêm một biệt danh là “người hùng săn rác”. Sở dĩ vậy bởi nhiếp ảnh gia này từng một mình rong ruổi suốt 2 tháng trời đi dọc chiều dài đất nước, lọ mọ tìm đến những bãi biển ngập rác, ghi lại những hình ảnh đáng sợ này với mong muốn những bức ảnh biết “nói” sẽ góp phần thay đổi tích cực nhận thức và ứng xử của con người đối với môi trường. 

Cuộc độc hành 7.000 km và 3.000 bức ảnh của "người hùng săn rác" ảnh 1Lekima Hùng đã chờ 5 tiếng để chụp được bức hình ưng ý tại bãi biển đầy rác ở Quất Lâm, Nam Định

Bức thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường

Chỉ với người bạn đồng hành là chiếc xe máy cùng một vài trang thiết bị cá nhân, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã đi qua 28 tỉnh, thành phố ven biển trong 43 ngày để chụp lại thực trạng rác thải đang diễn ra tại bờ biển của đất nước. Anh trở thành người Việt đầu tiên thực hiện chuyến đi dài gần 7.000 km chỉ để “săn” rác thải nhựa. Đúng vào dịp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, buổi triển lãm ảnh mang tên “Hãy cứu biển” trưng bày hơn 3.000 bức ảnh “săn” rác của nhiếp ảnh gia sinh năm 1977 được khai mạc tại Hà Nội, truyền đi bức thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường. 

- PV: Lý do gì thôi thúc anh một mình thực hiện chuyến hành trình vượt hàng nghìn cây số chỉ để “săn” rác? 

- Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Là một nhiếp ảnh gia với đặc thù công việc và đam mê cá nhân, tôi đã đặt chân đến tất cả các tỉnh, thành phố ven biển của đất nước và tôi nhận thấy biển của chúng ta đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng với tốc độ rất nhanh do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là ý thức, nhận thức của các thành phần xã hội về gìn giữ môi trường biển còn hạn chế. Điều này đã thôi thúc tôi lên đường. Tôi mong muốn thực hiện chuyến hành trình kéo dài 7.000 cây số này để kể những câu chuyện về rác bằng ảnh. Thông qua những bức ảnh, tôi tin rằng mọi người sẽ phần nào nhận thức được thực trạng này, từ đó có động lực, suy nghĩ để thay đổi cách ứng xử với môi trường. 

- PV: Mỗi vùng đất anh đặt chân tới chắc hẳn chứa đựng nhiều câu chuyện không thể nào quên?

- Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Tất nhiên rồi, mỗi địa điểm tôi đi qua thì có những câu

“Mỗi việc bạn làm để làm sạch và bảo vệ đại dương hôm nay có thể chỉ là giọt nước giữa biển cả bao la nhưng đại dương sẽ ít đi khi thiếu những giọt nước ấy. Rõ ràng là chỉ khi nào ai cũng biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có cho thiên nhiên, sự cân bằng mới thực sự được tái lập. Và khi đó chúng ta mới sẽ có thể nhận hạnh phúc từ thiên nhiên mãi mãi”.

chuyện khác nhau, bởi mỗi vùng miền có trình độ phát triển hay tập quán riêng nên đời sống sinh hoạt của họ có thể được nhìn qua số lượng rác thải ra môi trường. Ví dụ như khu chợ thuộc xã Chí Công (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), có hàng km rác thải, trong đó chủ yếu là nhựa, chỉ bước vào là rác đã ngập tới bắp chân rồi, hay có những nơi còn không nhìn thấy bãi cát mà chỉ toàn một bãi bao la là túi nilon, chai nhựa và tiếng vo ve của ruồi nhặng. Cho đến khi kết thúc hành trình và trở về nhà, tôi vẫn luôn ám ảnh về những thứ ấy.

Mỗi vùng miền đều để lại cho tôi những cảm nhận rất riêng nhưng có một thứ chung nhất đó chính là tiếc nuối, thậm chí đau xót. Trước sự tàn phá của rác thải, những bãi biển trải dài cát vàng mà tôi từng đến trước đây thì bây giờ đã là trận địa của rác.

- PV: Chắc chắn anh đã rất vất vả để có thể “săn” được hơn 3.000 bức ảnh ghi lại những hình ảnh đáng buồn đó? 

- Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Trong suốt thời gian đó, mỗi ngày làm việc của tôi đều bắt đầu từ 5h sáng đến 8h tối và ngày nào tôi cũng đi quãng đường trung bình dài 200km, dừng lại rất nhiều điểm để chụp ảnh. Nhiều hôm quá mệt, về nơi nghỉ tôi chỉ kịp cắm sạc pin cho các thiết bị mang theo, còn đâu cứ nguyên bộ đồ lên giường nằm ngủ. 

Cuộc độc hành của tôi cũng không hề đơn giản, một phần do chặng đường dài, do thời tiết khắc nghiệt, phần vì những hiểm họa từ những chuyến rác đổ trộm. Có lần, cả người và xe ngã lăn nhào ra đường, giày rách bật đế, xe xước xát hay những lần ốm đau, tôi đều tự trải qua và cố gắng để thực hiện tiếp chuyến hành trình. Để đảm bảo an toàn, tôi luôn dự trữ một chiếc điện thoại đen trắng ở trạng thái đầy pin để đề phòng hay sử dụng còi kêu cứu nếu gặp trường hợp bất trắc, bởi không phải đoạn đường nào cũng có người. 

Hành trình đã đem lại điều hữu ích

- PV: Chuyến hành trình 7.000 km của anh chắc hẳn đã có tác động không nhỏ tới chính anh và cộng đồng? Liệu rằng anh có tiếp tục chuyến hành trình “săn rác” khác để bảo vệ môi trường không? 

- Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Tôi vẫn tự nhủ rằng bản thân mình thấy áp lực hơn sau chuyến đi này. Bởi từ trước tôi đã cố gắng thực hiện việc hạn chế sử dụng đồ nhựa hay túi nilon rồi thì hiện tại tôi sẽ cố gắng hơn nữa để thay đổi lối sống tối giản hơn. Không thể một sớm một chiều nhưng mỗi ngày tôi chỉ cần bớt một đồ dùng bằng nhựa thì cũng đã làm được một việc tốt rồi chẳng hạn. Hiện nay, vật bất ly thân của tôi luôn là túi vải, chai nước cá nhân trong cốp xe. Thậm chí, đồ tập thể thao của tôi được đựng trong bị cói, nhiều khi tôi chấp nhận nhịn đói hoặc về nhà ăn để không dùng đến hộp xốp cơm hay thìa nhựa. Nhiều bạn bè còn cười khi không hiểu sao tôi có thể đựng đồ chơi thể thao vào cả cái bị to đùng bất tiện như vậy nhưng dần dần mọi người hiểu thì rất nhiều bạn bè của tôi hưởng ứng. Hay nhiều người bạn của tôi còn đùa rằng bây giờ đi đổ rác cũng nhớ tới tôi. Điều này làm tôi rất vui.

Với cộng đồng thì tôi nghĩ hành trình của mình đã đem lại một điều hữu ích nào đó. Ngay sau khi được báo chí đưa tin thì dự án “Save of Seas - Hãy cứu lấy biển” của tôi đón nhận hiệu ứng tích cực. Tôi thấy nhiều nhóm trên mạng xã hội về giảm thải rác thải nhựa, thực hiện lối sống xanh đến nay không còn manh mún, tự phát mà hiện nay đang có sự liên kết thành chuỗi hành động. Ví dụ như phong trào dọn rác “Before - After” hay “Trash Challenge” ở các bãi biển hay bãi rác…  Chính những thay đổi đó đã làm tôi thấy vui, hơn cả thì tôi học tập được mọi người nhiều hơn. 

 - PV: Điều hạnh phúc nhất với anh khi kết thúc chuyến hành trình này là gì?

- Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng: Với tôi thì niềm hạnh phúc nhất đó chính là khi nhận được những bức ảnh mà người dân gửi về chính những nơi tôi từng đi qua nay đã được dọn sạch rác, khi trước đó vài tháng còn ngập ngụa trong túi nilon, chai nhựa... Tôi biết rằng những cố gắng của mình không vô ích.

Trên suốt hành trình tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ thật khó quên. Tôi nhớ những người dân dẫn đến những quán ăn ngon, chọn giúp nhà nghỉ hay thậm chí trả hộ tiền phà và mời về nhà nghỉ. Nhiều anh chị em giúp đỡ “kẻ đi săn rác” cả vật chất lẫn tinh thần.

Hành trình “săn rác” cho tôi rút ra được rất nhiều điều trên xã hội, là sự mở đầu cho dự án chụp ảnh rác thải nhựa của tôi. Tôi sẽ còn đi nữa. Dự kiến trong năm 2019, tôi sẽ thực hiện một chuyến hành trình “săn rác” mới trên các đảo, lần này tôi còn tìm hiểu thêm về khâu xử lý rác thải. Khối lượng rác thải ở các đảo hiện nay đang ở mức báo động, có những nơi không còn là địa điểm du lịch nữa. Mong rằng những cố gắng của tôi sẽ góp phần nhỏ nào đó trong việc bảo vệ môi trường!

- PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Họa sĩ Hoàng A Sáng: Túi nilon và rác thải nhựa tác động xấu tới môi trường

Cuộc độc hành 7.000 km và 3.000 bức ảnh của "người hùng săn rác" ảnh 2

“Tôi luôn giữ ấn tượng xưa cũ về hình ảnh trên bàn có một ấm trà nóng, một gói cốm được đựng trong lá sen, chuối tiêu vừa chín tới. Giờ nhiều nơi người ta gói cốm bằng túi nilon cho nhanh, song cốm dù có màu xanh đi nữa thì vẫn hỏng về cả sự thi vị lẫn vị giác, không những xấu mà còn độc hại. Ngày xưa ở quê tôi (Cao Bằng), người bản tôi vẫn dùng lá để gói mọi thứ ngoài chợ, giờ thì không ai dùng nữa, tất cả đều dùng túi nilon. 

Hiện nay, việc gói đồ ăn thức uống, rồi cả thực phẩm bằng túi nilon đã trở thành một thói quen vì lý do cơ bản là rẻ và tiện lợi. Sản phẩm công nghiệp này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn làm “ô nhiễm thẩm mỹ” của con người. Tôi đặc biệt không thích bất cứ thứ gì được gói trong túi nilon. Tôi nghĩ không chi riêng tôi mà còn nhiều người nữa cũng có suy nghĩ như vậy vì nó tác động xấu tới môi trường”. 

Nhà thơ Lữ Mai: Cần có giải pháp hiệu quả để xử lý rác thải độc hại

Cuộc độc hành 7.000 km và 3.000 bức ảnh của "người hùng săn rác" ảnh 3

“Tôi thấy vấn đề sử dụng túi nilon, rác thải nhựa làm tổn hại đến môi trường và cuộc sống con người ngày càng đáng báo động vì số lượng, chủng loại ngày một tăng chóng mặt. Không ít vùng đất đã không còn khả năng canh tác chỉ vì loại rác thải không phân hủy này. Tôi nghĩ, việc hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa là vô cùng cần thiết và để làm được việc đó rất cần ý thức từ mỗi cá nhân, gia đình. Bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt kèm theo đó cần có những quy định cụ thể để hạn chế thói quen này. Đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, môi trường nuôi dưỡng sự sống chung, vì thế tất cả đều phải có trách nhiệm bảo vệ. Chúng ta cần ứng xử tử tế với môi trường từ những việc nhỏ nhất như hạn chế dùng túi nilon, đồ sinh hoạt làm từ nhựa để giảm thiểu tác hại. Tôi nghĩ, việc tổ chức các cuộc triển lãm về chủ đề này cũng rất cần thiết. Đặc biệt, chúng ta rất cần có thêm các phát minh, sáng chế, giải pháp hiệu quả để xử lý rác thải độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường”.

Thanh Xuân (Ghi)