Cúng Rằm tháng Giêng : Nên giản tiện, đề cao sự thành tâm!

ANTD.VN - Người xưa có câu: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” để thấy đây là ngày lễ quan trọng vào dịp đầu năm mới. Vào những ngày 14 và 15 âm lịch, người Việt theo tín ngưỡng đều làm mâm cỗ thịnh soạn để cúng gia tiên hoặc lên chùa cầu bình an. Thế nhưng, không phải ai cũng để ý tới sự giản tiện và thành tâm khi lễ cúng lễ dịp Rằm tháng Giêng. 

Mâm cao cỗ đầy cũng không quan trọng bằng sự thành tâm

Ngày Rằm tháng Giêng là sự bắt đầu cho một chu trình mới, là sự khởi đầu đẹp đẽ và thuận lợi về mặt thời gian. Với nhà nông, đây còn là thời điểm bắt đầu gieo cấy, nuôi trồng. Dù không có nguồn gốc từ bản địa mà chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nhưng từ lâu người Việt đã mặc định đây là ngày lễ trọng trong năm, thậm chí có nơi còn gọi Rằm tháng Giêng là Tết lại.

Chính vì ý nghĩa tốt đẹp ấy, nên trong gia đình Việt, ngày lễ này được đặc biệt chú trọng. Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, mâm cao cỗ đầy cũng không quan trọng bằng sự thành tâm. Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại gấp gáp ngày nay, nếu bày vẽ quá nhiều sẽ dẫn tới sự lãng phí. Chưa kể, vào dịp đầu năm còn diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng, nhiều lễ hội. Vì thế, nếu sa đà vào các hình thức cúng ngày Rằm tháng Giêng linh đình sẽ vừa tốn kém lại không hiệu quả. 

Các gia đình nên mua hoa tươi để dâng trên ban thờ. Hoa để dâng ban thờ thường là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng. Lễ cúng gia tiên có hương hoa, đèn nến, trầu cau, rượu và mâm cỗ mặn gồm nhiều món như thịt gà luộc, đĩa giò, đĩa xào, bát canh.

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, khi thắp hương, người dân thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Chỉ nên thắp từ 1 đến 3 nén hương trên mỗi bát hương.

Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm.. Đặc biệt khi khấn vái cần thành tâm, thể hiện sự tôn trọng với các vị Phật, thần linh và tổ tiên. 

Không đốt vàng mã

Vào ngày Rằm tháng Giêng, nhiều gia đình còn đốt vàng mã với số lượng lớn làm ảnh hưởng tới an toàn về cháy nổ, ảnh hưởng tới môi sinh. Chưa hết, việc đốt vàng mã tiêu tốn nhiều tiền của sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tài chính của các gia đình. Đạo Phật không dạy phải đốt vàng mã cho người đã mất, cũng không cổ súy việc đốt vàng mã. Vậy nên, để tránh lãng phí, các gia đình Việt nên thực hành tiết kiệm. 

Đốt vàng mã thế này là quá lãng phí và gây nguy cơ cháy nổ khu vực xung quanh

 Lễ cúng Rằm tháng Giêng không có nguồn gốc từ đạo Phật. Nhưng từ lâu, người Việt có thói quen tới nơi thờ tự vào ngày Rằm và mùng Một để cầu quốc thái dân an, cầu an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Người dân có thể tham dự những lễ cầu an này. Khi tới nơi cửa Phật, du khách cần có thái độ ứng xử lịch sử, văn minh, trang phục phù hợp. Đồ dâng cúng sẽ là đồ chay, có tính biểu trưng. 

Hơn thế, theo TS Nguyễn Văn Vịnh, lên chùa thắp hương để tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn, sự bình yên trong những giây phút tĩnh lặng. Còn những ai lên chùa vào ngày Rằm tháng Giêng để cầu tài, cầu lộc sẽ không phù hợp, và đi ngược lại với giáo lý nhà Phật.