Công chiếu phim lịch sử "Những cánh én đầu tiên" tại Hà Nội

ANTD.VN - “Những cánh én đầu tiên” nằm trong trong series phim “Không chiến Việt Nam” do nhóm sinh viên trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) sản xuất sẽ được công chiếu tại Hà Nội vào ngày 15/5 tại rạp CGV Vincom Bà Triệu.

Dự án phim “Không chiến Việt Nam” là dự án phi lợi nhuận, được thực hiện với mục đích mang đến cho thế hệ trẻ những câu chuyện lịch sử về ý chí, lòng quyết tâm của người lính ngày ấy cùng với đó là những mất mát và hi sinh để giành lại hoà bình độc lập cho đất nước. Đề tài lịch sử được xem là khó và khô khan nhưng những nhà làm phim tay ngang của “Những cánh én đầu tiên” đã chiếm được cảm xúc của khán giả.

Phim chia làm hai phần, phần đầu xâu chuỗi lại sự kiện qua lời kể của phi công Trần Hanh – một trong ba phi công duy nhất của biệt đội còn sống, cùng những chứng nhân lịch sử khác. Phần thứ hai tái hiện lại trận chiến trên không một cách chân thực, sống động bằng những kỹ xảo điện ảnh hiện đại.

Bộ phim sử dụng hình ảnh 3D do chính sinh viên Đại học Duy Tân thiết kế (Ảnh: Silver Swallows Studio)

Đó là trận chiến trên Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam với lực lượng Không quân và Không quân Hải quân Mỹ. Biệt đội tiêm kích thuộc Trung đoàn Sao đỏ trong trận đánh lịch sử này gồm các phi công: Trần Hanh, số 1 với máy bay số hiệu 2316; Phạm Giấy, số 2 với máy bay số hiệu 2410; Lê Minh Huân, số 3 với máy bay số hiệu 2412; Trần Nguyên Năm, số 4 với  máy bay số hiệu 2416.

Nhận hiệu lệnh xuất kích, từ sân bay Nội Bài, biên đội đã bay theo địa hình, dọc theo đường số 1 xuống phía Nam, qua Phủ Lý, đến gần cầu Đò Lèn thì tách ra bên trái, đi ra hướng biển. Khi bay đến khu vực chiến đấu, biên đội bất ngờ vọt cao, chiếm độ cao có lợi trước khi lao vào công kích. Biên đội trưởng Trần Hanh báo cáo phát hiện tốp F-105 mang bom chuẩn bị tấn công cầu Hàm Rồng và đã triển khai đội hình tiến công ngay sau đó. Trận không chiến diễn ra trong chớp mắt. Dù có ưu thế hơn về mặt kích thước và kỹ thuật, hai máy bay cường kích F-105 vẫn bị biên đội hạ gục.

Trong trận chiến đấu tiếp theo với biên đội F-100D hộ tống cho F-105, phi công Lê Minh Huân bị rơi gần biển Sầm Sơn, có thể do bị bắn trúng đuôi máy bay. Hai chiếc còn lại do Phạm Giấy và Trần Nguyên Năm bị rơi trong những tình huống không xác định. Riêng Trần Hanh đã cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của máy bay F-100D.  MiG-17 của Trần Hanh đã bị hết dầu và hỏng la bàn nên phải hạ cánh xuống con suối cạn thuộc bản Kẻ Tằm, huyện Quỳnh Châu, tỉnh Nghệ An.

Ra rạp lần đầu tại Đà Nẵng hồi tháng 4/2019, “Những cánh én đầu tiên” thu hút đông đảo người xem, nhất là phi công, những người làm trong ngành hàng không. Đặc biệt phim còn có sự tham dự của ông Hồ Văn Quý, nguyên phi công Trung đoàn Sao đỏ - người lái máy bay tiêm kích MiG-17.

Phim được khán giả đánh giá có hình ảnh đẹp, âm thành hào hùng, xây dựng các tuyến nhân vật có suy nghĩ, tình cảm và xung đột của họ trong bối cảnh chiến tranh. Hơn hết, bộ phim giàu ý nghĩa bởi những thông điệp về sự trân trọng lịch sử trong bộ phim được truyền đi từ chính người trẻ gửi tới thế hệ của mình.